Xảo trá với người chết!

Trương Châu Hữu Danh

Nếu khách du lịch đến Đồng Tháp, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là một địa chỉ mà khách hay tìm. Nhà cất từ năm 1895 đến giờ vẫn nguyên vẹn những giá trị kiến trúc độc đáo.

Nhưng, điều khiến hàng vạn du khách trong và ngoài nước đổ về đây lại là để được tận thấy nơi diễn ra câu chuyện “Người tình” nổi tiếng thế giới.

Chủ nhân ngôi nhà – ông Huỳnh Thuận không khởi nghiệp làm giàu bằng ruộng lúa như những đại điền chủ khác ở miền Tây Nam bộ, mà bằng kinh doanh lúa gạo.

Ông có chành gạo lớn nhất Sa Đéc, nơi tập trung lúa gạo để chuyển đi bán ở Bắc kỳ và Trung kỳ, cũng như đưa về cảng Nhà Rồng để xuất khẩu. Phất lên với nghề xuất khẩu gạo, ông Huỳnh Thuận xây dựng nên những dãy phố sầm uất ở thị xã Sa Đéc để cho thuê.

Ba phần tư bất động sản ở Sa Đéc là của ông Huỳnh Thuận. Ngoài ra, ông còn có nhiều bất động sản ở Sài Gòn – Chợ Lớn để cho thuê. Cậu con trai út Huỳnh Thủy Lê được ông chọn nối nghiệp trao cho toàn bộ gia sản. Vì vậy mà ông Thủy Lê thường xuyên đi lại giữa Sa Đéc và Sài Gòn để quán xuyến chuyện làm ăn của gia đình bằng chiếc xe Limousine. Hồi ấy khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh, chỉ có hai chiếc Limousine, một của công tử Bạc Liêu ăn chơi khét tiếng và một của ông Huỳnh Thủy Lê.

Tuy giàu có nhưng ông Huỳnh Thủy Lê không chơi bời theo kiểu “đốt tiền luộc trứng” như công tử Bạc Liêu. Gia đình họ Huỳnh ở xứ Sa Đéc được người dân biết ơn vì đã bỏ nhiều tiền ra để xây chùa và trường học.

Và đây là phim:

Hôm ấy chiếc Limousine chở Huỳnh Thủy Lê từ Sa Đéc lên Sài Gòn dừng lại trên bến phà Mỹ Thuận.

“Tôi 15 tuổi, trên chuyến phà qua sông Cửu Long” – Nữ văn sỹ M. Duras đã viết như vậy trong phần mở đầu của tiếu thuyết “L. Amante” (Người tình).

Trên chuyến phà ấy, ngồi trong chiếc ôtô đen sang trọng, công tử Thủy Lê bắt gặp một thiếu nữ da trắng, tóc nâu, đang đứng cạnh lan can phà nhìn dòng nước chảy xuôi. Nàng đội mũ rộng vành, mặc chiếc váy đầm màu sáng – cô gái Pháp toát lên một vẻ đẹp rất Á Đông khiến công tử Thủy Lê như bị thôi miên.

Chàng lặng lẽ mở cửa xe đến bên nàng. Chỉ qua vài lời bắt chuyện của Thủy Lê, họ bỗng thấy như thân quen từ thuở nào, nhất là khi nhận ra cả hai cùng ở Sa Đéc, sống gần nhau “hai nhà cuối phố”. Chàng mời nàng cùng lên xe về Sài Gòn và nàng đã gật đầu…

Về Sài Gòn, họ gặp nhau mỗi ngày và yêu nhau như một điều tất yếu. Họ yêu nhau trong những cơn cuồng say của thể xác và tinh thần nhưng không thể công khai quan hệ của mình bởi những ngáng trở về sắc tộc, giai cấp, giàu nghèo.

M.Duras – lúc ấy là một thiếu nữ da trắng “mẫu quốc” trong gia đình mà bốn người (người anh cả nghiện ngập) phải sống nhờ vào đồng lương của người mẹ làm hiệu trưởng trường nữ sinh Sa Đéc bấy giờ. Còn Huỳnh Thủy Lê lại là một công tử giàu có, được thừa hưởng cơ nghiệp gia đình và lại là dân thuộc địa.

Chính vì thế, cuộc tình của diễn ra trong “bóng tối”, không dám thừa nhận với bất cứ ai. Nhưng ai đó đã nói trên đời có hai điều khó giấu nhất: say rượu và đang yêu. Sau hai năm, gia đình của Huỳnh Thủy Lê đã biết việc con trai mình yêu một thiếu nữ “mẫu quốc”.

Cha của Thủy Lê nhất quyết bắt con từ bỏ tình yêu “ngang trái” này, 10 năm trước ông đã hứa hôn cho chàng một thiếu nữ Tiền Giang.

Dù rất yêu Duras, nhưng truyền thống Nho giáo đã ăn sâu vào huyết quản của người Hoa, Thủy Lê không dám cưỡng lời cha mà đành chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt.

Còn Duras cùng gia đình về Pháp trong một cuộc chia ly khắc khoải, đầy nước mắt. Hôm ra bến tàu, M.Duras ngóng mãi hình bóng của người tình, mong được nhìn thấy Thủy Lê lần cuối.

Tàu vừa nhổ neo, Duras đứng tựa vào lan can như những lần trên phà Mỹ Thuận vô vọng nhìn vào bờ. Trong khoảnh khắc, cô nhìn thấy Thủy Lê đang đứng nép bên ôtô màu đen quen thuộc. Họ chỉ kịp vẫy tay chào…

Dù đã kể lại câu chuyện tình này biết bao lần, nhưng Thanh Tuyền, nữ thuyết minh của nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vẫn đầy cảm xúc khi nói về đoạn kết của cuộc tình này.

“Sau khi cưới vợ, Huỳnh Thủy Lê trở về với công việc kinh doanh. Ông và bà Mỹ có với nhau 5 đứa con 3 trai 2 gái, hiện nay đều đinh cư ở nước ngoài và rất thành đạt. Cô con gái Huỳnh Thủy Anh về làm con dâu Trần Văn Hương, nguyên Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ. Huỳnh Thủy Tiên hiện nay đang là GS.TS Giám đốc bệnh viện ở bang Califonia (Mỹ). Huỳnh Thủy Hà, giảng viên Đại học Sorbone (Pháp)…

Khi đã ở tuổi thất thập ông Thủy Lê có sang Pháp tìm gặp người tình thuở nào. Một ngày nọ, chuông điện thoại reo, bà M.Duras cầm máy và lặng người đi khi nghe giọng một người đàn ông.

Dù gần 50 năm đã trôi qua, bà vẫn nhận ra giọng Thủy Lê. Thủy Lê đang ở Paris và tha thiết mong gặp bà. Bà đã từ chối gặp mà nước mắt rơi ràn rụa. Và bà nghe thấy giọng của Thủy Lê đang run lên: “M.Duras, anh yêu em và yêu em suốt đời”.

Một năm sau, Huỳnh Thủy Lê qua đời tại Sa Đéc ở tuổi 70. Những cảm xúc về người tình trỗi dậy, M.Duras đã viết cuốn tiểu thuyết “L’Amant, Nhà xuất bản Les Éditions de Minuit năm 1984”. Cuốn sách nhanh chóng trở thành best- seller với 2,4 triệu bản, đoạt giải Goncourt danh giá của Pháp và dịch ra 43 thứ tiếng.

Và tiểu thuyết đã được dựng thành phim nhựa “Người tình” cũng gây xôn xao dư luận. Trước đó đã viết nhiều sách đều chìm vào quên lãng, nhưng với tiểu thuyết “Người tình” M.Duras đã đi vào lịch sử văn chương nước Pháp. Cuộc sống riêng không hạnh phúc, M.Duras qua đời năm 1996 ở Paris”…) – Trích báo Tiền Phong.

Đây là đời thực:

Sau 1975, hầu hết tá điền của ông Huỳnh Thủy Lê đều tiếp tục làm ruộng, được cấp giấy tờ. Tuy nhiên, năm 1977, một nông dân tá điền bị chính quyền “mượn đất”. Mượn hoài không trả trong khi dân quá khổ phải đi đòi lại.

Để phủi luôn trách nhiệm với dân và qua mặt Trung ương, cán bộ ở Đồng Tháp có văn bản nói rõ “ông Huỳnh Thủy Lê đi nước ngoài từ năm 1977” và khớp với thời điểm “mượn” đất dân.

Sau 1975, “đi nước ngoài” bị coi là có tội và tài sản đương nhiên sung công. Bằng cách trả lời dối trên lừa dưới, qua mặt vong linh người chết, cán bộ đã biến một gia đình nông dân tá điền rơi vào cảnh bần hàn cơ cực 41 năm. Thực tế thì ông Huỳnh Thủy Lê mất năm 1972 và ngôi mộ vẫn tồn tại trên nền đất cũ. Ông yêu nước và thở những hơi thở cuối cùng trên quê hương mình.

Gia đình người tá điền đã canh tác trên đất hàng chục năm trước giải phóng, và năm 1977 chính quyền “mượn” của dân chứ không phải lấy từ một địa chủ “đi nước ngoài”.

Thủ Thiêm người ta xảo trá với người sống. Còn Đồng Tháp thì xảo trá cả với người sống lẫn người đã chết.

Ở Đồng Tháp có nhiều cán bộ rất được lòng dân. Tôi ước gì họ tới thăm ngôi mộ của ông địa chủ thương dân Huỳnh Thủy Lê, thắp một nén nhang tạ lỗi với người đã khuất và thu hồi cái quyết định xảo trá này.

Không có văn bản thay thế tự động nào.






Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Thành phố Sa Đéc, Tỉnh Đồng Tháp.