Con sáo Bạc Liêu

Phan Ni Tấn

Nhớ nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan

Ông T.V. Lai có lần hỏi tôi về nguồn gốc bài Lý Con Sáo Bạc Liêu, tôi cứ loay hoay hoài không biết trả lời ngay sao cho ổn thỏa. Có lẽ như vầy.

Ba tôi là một nghệ sĩ cổ nhạc, kéo vĩ cầm mùi rệu. Gốc gác bên Nội tôi mấy đời sinh sống làm ăn trên cuộc đất Cần Giuộc, thuộc miền Tây Nam phần. Nhưng đến thế hệ của Ba tôi, khi lớn lên thời thế đẩy đưa, ông đã trôi giạt ra tận ngoài Huế lập gia đình, một thời gian sau lại tấp lên cao nguyên Daklak, tỉnh Ban Mê Thuột. Thuở đó, thập niên 1930 - 40, Ban Mê Thuột là chốn ma thiêng nước độc, khỉ ho cò gáy, ít có người Kinh đặt chân tới xứ này. Tại đây, Ba Má tôi lập nghiệp, sinh con đàn cháu đống cho đến cuối đời.


Tôi còn nhớ mỗi lần gánh cải lương Thanh Minh Thanh Nga của Út Bạch Lan - Thành Ðược đi lưu diễn khắp nước ghé lên Ban Mê Thuột, có dịp Ba tôi vẫn hay mời các nghệ sĩ này về nhà đờn ca cải lương hoài cổ linh đình. Sân khấu là nền nhà, nên không ai cần phải xênh xang áo mão, diệu võ dương oai, ra tuồng ra tích; chỉ việc ngồi bệt xuống chiếu quanh mâm đồ nhậu mà ca ngâm với dàn đờn ca tài tử sành nghề gồm guitar cổ nhạc (phím lõm), đờn kìm, đờn tranh, nhị hồ, vĩ cầm, song lang v.v... Ðó là cuối thập niên 1950.

Ba tôi vốn sống bằng nội tâm nên về sau càng lớn tuổi ông càng thâm trầm ít nói, cây vĩ cầm cũng vắng tiếng. Biến cố tháng 4/75 mất nước tan nhà. Ba tôi buồn. Thỉnh thoảng những đêm rằm ngắm trăng bên ly rượu đế, nhã hứng Ba tôi lấy đờn ra kéo. Ngón đờn thiện nghệ, mùi mẫn trở nên nỉ non, uốn éo, não nùng. Sau này đi đoàn tụ Má tôi đem theo cây vĩ cầm của ông như một kỷ vật, bà nói Ba tôi chết vì bệnh buồn.

Ngoài ra, chú Năm tôi, rồi chú Sáu (mắc thêm cái nghiệp làm thơ), chú Lai Anh, chú Út đều là những người có máu nghệ sĩ, đã một thời đình đám cầm ca. Qua thế hệ thứ hai, anh Hai tôi chuyển qua tân nhạc chuyên về độc tấu Tây ban cầm nhạc cổ điển Tây phương. Trừ chú Út, còn những vị vừa kể trên đã tuần tự ra người thiên cổ. Có lẽ, một giòng dõi nghệ sĩ như vậy, lại thêm núi rừng cao nguyên heo hút cũng đủ thẳm thấu hồn tôi một chút gì là sầu là cảm, một chút gì gọi là liên quan tới lãnh vực tân, cổ nhạc chăng?

Bạc Liêu là cái nôi của dân ca miền Nam, quê hương của câu vọng cổ đầu tiên ra đời. Bản Dạ Cổ Hoài Lang do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác năm 1918, kể về tâm tình người vợ nhớ chồng xa quê lúc đêm về. Sau này, khi tôi viết bài Lý Con Sáo Bạc Liêu trong đó có một đoạn vọng cổ do tôi cải biên không muốn để cho con sáo của tôi xổ lồng bay xa tới Mỏ Cầy, Bến Tre hay Rạch Giá, Hà Tiên, hoặc Sóc Trăng, Cà Mau..., mà chỉ bay quanh quẩn ở xứ cơ cầu mà thôi. Hơn nữa, năm 1970 có lần tôi đi ngang qua Bạc Liêu nhìn thấy vài mái lều tranh cằn cỗi, xiêu tó, trơ trụi trên gò đất quanh là ruộng muối không một bóng người; trên trời thì mây chì ảm đạm dọc ngang, dưới đất thì sắt se gió mặn. Cái cảnh hắt hiu sầu thảm đó của Bạc Liêu đã ăn sâu vào tâm trí tôi cho tới tận bây giờ.

Về sau, trong cuốn băng hình Chúng Ta Ði Mang Theo Quê Hương của Trung Tâm Thúy Nga, tôi bồi hồi thấy lại con người và sông nước Bạc Liêu sau gần 30 năm xa cách. Nhìn hình ảnh những nghệ sĩ ca múa trông giống như một phó bản của Ba tôi và các nghệ sĩ cổ nhạc thời trước. Những bản cổ nhạc theo các điệu Kim tiền, Lưu thủy, Bình bán vắn, Nam xuân, Nam ai... của Ba tôi và các nghệ sĩ diễn tấu xưa kia đã âm thầm đọng lại, vun bồi trong tôi để ngày nay biến thể thành điệu nhạc Lý Con Sáo Bạc Liêu. Rồi mỗi lần nghe lại bài này qua giọng hát Phi Nhung, Hương Lan, Tâm Ðoan, Ngân Huệ, Trung Hậu, Duy Trường, Thoại Mỹ, Quang Hiếu, Lý Ngọc Thu... tôi đều mang một mối cảm hoài. Sau này ở bên nhà nhiều người cũng thích hát bài này, cũng có vài nghệ sĩ sáng tác thêm phần cổ nhạc giao duyên.

Cuối cùng, tôi như thấy mình từ một phương trời xa thẳm bôn ba trở về quê xưa. Từ miền châu thổ sông Cửu Long ngược lên phố núi, đứng trước căn nhà xưa, nơi tôi thường nép mình ngoài cửa lắng nghe tiếng vĩ cầm mùi rệu của Ba tôi, ngón đàn kìm của chú Sĩ, tiếng guitar cổ nhạc của cậu Năm Bé, tiếng nhị hồ của chú Hiếu hòa cùng giọng hát của danh ca Thành Được và nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan.

Ngày nay tất cả chỉ còn lại dư âm. Trừ Thành Được, tất cả, họ đã hóa thành gió bụi, từ lâu lắm. Riêng nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan, sau hơn 60 năm miệt mài trên sân khấu cải lương, ngày 4-11-2016, như con sáo xổ lồng đã bay vào thiên cổ. Hầu như bà dành hết cuộc đời mình cho nền cổ nhạc miền Nam đến hơi thở cuối cùng. Bà mất đi nhưng tiếng hát ngọt ngào, êm dịu của bà, dù đã ngót 60 năm, tôi nghe như vẫn còn đọng lại đâu đó trên nền nhà năm xưa của Ba Má tôi.

Ngậm ngùi nhớ tới bà mà thương cho tình trạng sân khấu cải lương không còn đất sống. Nền cổ nhạc có từ năm 1917 đến nay đã tròn một thế kỷ đang lâm vào cảnh suy tàn. Dù sao, trong cái buồn cũng có cái may, vì nghệ thuật cải lương vẫn còn những hậu duệ không kém những bậc tài danh năm xưa, như Kim Tử Long, Hương Lan, Ngọc Huyền, Thanh Ngân, Tài Linh, Vũ Linh, Vũ Luân, Thoại Mỹ, Quế Trân... Ngày nay, những nghệ sĩ này không còn sân khấu lớn để diễn, nhưng giọng ca mùi của họ vẫn văng vẳng đâu đó ở nơi đời này.

Tôi cũng thích thưởng thức vọng cổ với dàn đờn ca tài tử sau này diễn ra trong các quán lá, trên sàn nhà, ngoài vườn cây, bên con rạch hiền hòa. Có điều, giữa không gian nghệ thuật dân dã như vậy, cho dù họ hát thật mùi, đờn thật hay nhưng nghe ra giọng ca giọng đờn của họ có vẻ lầm lũi, bùi ngùi, hụt hẫng làm sao. Họ như những tiếng dế canh thâu rả rích gọi buồn.

Những sinh hoạt nghệ thuật truyền thống như vậy, những ấn tượng âm thanh như vậy lâu dần đã thấm nhuần vào ký ức thính giác của tôi, để rồi tuần tự tôi viết ra các điệu nhạc có âm hưởng dân ca, cổ nhạc miền Nam như Lý Con Sáo Bạc Liêu, Phải Lòng Con Gái Bến Tre, Con Sáo Thứ Ba Biển, Con Sáo Rạch Giá, Tay Vịn Cần Thơ, Tình Má Hậu Giang, Lý Ngược Dòng, Nhớ Dìa Miệt Thứ…