Tựa tuồng Kiều Nam bộ

Nguyễn Thanh Phong

Thật hân hạnh cho tôi khi được học giả Nguyễn Văn Sâm tin tưởng giao phó viết lời tựa cho quyển sách này, một công trình chắc chắn có giá trị lớn đối với ngành Kiều học và Nam Bộ học. Trước một chuyên gia hàng đầu về văn học Hán Nôm và tuồng Nôm ở Nam Bộ, tôi cung kính viết lời tựa này không phải để góp thêm lời khẳng định giá trị của quyển sách bởi nó đã quá hiển nhiên. Ở đây, với tư cách là một người trẻ yêu quý nền văn học Hán Nôm Nam Bộ, cũng là người đã phát hiện và cung cấp bản gốc chữ Nôm cho tác giả phiên chú, tôi chỉ muốn trình bày rõ hơn quá trình sưu tầm quyển sách này, đồng thời nêu lên một vài cảm nhận cá nhân về tuồng Kiều ở Nam Bộ.

Tháng 7 năm 2016, Thư viện tỉnh An Giang có mời tôi đến giúp chỉnh lý, biên mục kho sách Hán Nôm đang được lưu trữ tại đây. Số sách này trước đó không lâu đã được một hộ dân tại quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ), thông qua thân hữu giới thiệu, mang đến quyên tặng cho Thư viện cất giữ. Sau đó tôi bắt đầu thống kê, phân loại, chụp ảnh số sách này vừa để hoàn thành việc biên mục, vừa để lưu lại trong máy tính từ từ xem. Trong số 265 quyển sách Hán Nôm mà đa phần là sách in mộc bản từ Phật Sơn (Quảng Đông, Trung Quốc) đưa sang, có một số tư liệu liên quan đến Truyện Kiều mà quý giá nhất trong đó chính là bản chép tay chữ Nôm tuồng Kiều ở Nam Bộ.

Kết quả điều tra tại nhà người quyên tặng, kết hợp với những ghi chép trên quyển sách cho thấy, quyển tuồng Kiều này do ông Cao Đảnh Hưng (高鼎興, 1924-1999) chép lại năm Nhâm Ngọ (1942) từ một bản khác đã có trước đó. Bà Cao Mỹ Dự (con gái ông Hưng) cho biết, cha bà tên thật là Cao Văn Hân, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học ở Ô Môn (Cần Thơ), lên 14 tuổi theo học y nho với thầy Phạm Tôn Long (范尊隆), một nhà nho kiêm thầy thuốc có tiếng ở Thốt Nốt. Ông Phạm Tôn Long (?-?), sống khoảng cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20) là người yêu thích văn thơ, lại có tài sáng tác thi phú, xuất khẩu thành chương, nên trong nhà luôn có nhiều sách vở chép lại các tác phẩm văn chương thơ phú lưu hành ở Nam Bộ đương thời. Vì con cái không ai theo nghiệp văn, nên hầu hết sách vở của ông Phạm Tôn Long đều trao truyền lại cho học trò Cao Đảnh Hưng. Có thể bản tuồng Kiều này được ông Cao Đảnh Hưng chép lại từ một bản chép tay khác của thầy mình lúc ông đã được 18 tuổi. Đáng tiếc là số sách 265 quyển quyên tặng cho Thư viện tỉnh An Giang chỉ là 1/3 số sách mà ông Cao Đảnh Hưng để lại, 2/3 kia do bị mối mọt cắn rách hay ẩm mốc hư hoại không còn đọc được nữa nên gia đình đã đốt bỏ.

Quyển tuồng Kiều có dung lượng trên dưới 200 trang (khoảng 100 tờ chép hai mặt), mỗi mặt viết dọc 8 dòng, mỗi dòng 18-22 chữ to chính văn, thỉnh thoảng lại thêm vào chữ nhỏ là lời dẫn, đưa đẩy, giao đãi với khán giả thưởng thức. Bản chép tay chữ Nôm có nét chữ điêu luyện sắc sảo, ngay hàng thẳng lối, càng giúp cho người đọc dễ nhận diện hơn. Chữ viết sử dụng thành phần biểu âm và biểu ý rất chuẩn mực, phản ánh rõ nét đặc trưng ngữ âm của phương ngữ Nam Bộ, cho thấy người sao chép có trình độ Hán văn cao. Toàn bộ vở tuồng có 3 thứ, mỗi thứ chia làm nhiều lớp. Hầu hết các tình tiết, sự kiện, nhân vật quan trọng trong tác phẩm đều được xuất hiện trong vở diễn. Lời văn uyển chuyển mềm mại, hình ảnh sống động sắc sảo, vận dụng nhiều văn liệu thi liệu có sẵn trong nguyên tác, tất cả khiến cho kịch bản tuồng hầu như vẫn giữ được vẻ đẹp ngôn ngữ sắc sảo, tinh tế vốn có của Truyện Kiều. Điều này không chỉ cho thấy tài năng của soạn giả, một khi được truyền tay sao chép và tiếp tục nhuận sắc, ta càng thấy rõ hơn thị hiếu thẩm mỹ của các nhà nho Nam Bộ.

Rất có thể, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã theo chân các Nho sĩ Nam Bộ từng lui tới kinh đô Huế như Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Thanh Giản truyền đến Nam Bộ vào khoảng thập niên 50, 60 của thế kỷ 19. Đây có thể được xem là tác phẩm văn học thành văn hiếm hoi trong số không nhiều tác phẩm từ Bắc Bộ và Trung Bộ truyền đến Nam Bộ thời bấy giờ. Vào thời điểm giới trí thức Nho sĩ miền Nam đã thật sự lớn mạnh, cũng là lúc thực dân Pháp bắt đầu xâm chiếm Việt Nam, văn hóa truyền thống dân tộc đứng trước thách thức của văn hóa Phương Tây và vấn đề thay đổi chữ viết, thì Truyện Kiều đã được công chúng Nam Bộ nhiệt liệt đón nhận, sau đó cải biên, phỏng tác, đề vịnh thành nhiều phó phẩm khác nhau như Túy Kiều phú, Kim Vân Kiều ca, Kim Vân Kiều phú, Túy Kiều án, tuồng Kiều, cải lương Kiều, thơ vịnh Kiều...

Nghệ thuật tuồng phát triển rộng rãi ở Nam Bộ từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, thời điểm mà Truyện Kiều cũng tạo được một trào lưu tiếp nhận mạnh mẽ ở Nam Bộ. Một cách rất tự nhiên, Thúy Kiều từ thơ ca bước xuyên qua án phú rồi “dạo gót sen vàng lên trường hát giữa tiếng trống chầu” (Ngô Văn Phát). Các nghệ sĩ tuồng vốn thường hay vay mượn tích truyện Trung Quốc để cải biên thành kịch bản tuồng, nay thấy ở Truyện Kiều một cốt truyện hấp dẫn kịch tính, rất phù hợp với thị hiếu thưởng thức của quần chúng, nên đã cải biên thành tuồng Kiều. Với phương tiện chuyển tải là tuồng, Truyện Kiều đã thật sự bước vào thế giới tinh thần của đông đảo người bình dân ít học chân lấm tay bùn, giành trọn tình cảm yêu thương của họ qua những nhân vật trên sân khấu.

Có thể thấy, tuồng Kiều là một sản phẩm cải biên có giá trị từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Từ khi ra đời, được công chúng nhiệt liệt đón nhận, tuồng Kiều đã mang một sinh mệnh gần như độc lập với nguyên tác vốn cũng đã vang danh trước đó. Cải biên Truyện Kiều cũng là một cách tiếp nhận Truyện Kiều, đồng thời cũng là một cách tái sáng tạo, tái hiện Truyện Kiều thông qua một phương tiện chuyển tải mới, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Nam Bộ.

Cầm trên tay một phó phẩm có giá trị văn học lớn, tôi mong ước nó sớm được phiên chú để giới thiệu rộng rãi đến công chúng yêu thích Truyện Kiều và văn học Hán Nôm Nam Bộ. Trong khi khả năng nhận đọc chữ Nôm còn nhiều hạn chế, tôi đã liên lạc với học giả Nguyễn Văn Sâm và cung cấp toàn bộ ảnh chụp quyển sách này cho ông, mong muốn qua sự tâm huyết với vốn quý văn hóa dân tộc của học giả, quyển sách sớm được ra mắt bạn đọc khắp trong và ngoài nước.

Văn chương nói chung, Truyện Kiều nói riêng, đã kết nối những người đồng điệu lại với nhau, như xưa kia Nguyễn Du tìm thấy sự đồng điệu tri âm với nàng Tiểu Thanh tài hoa bạc mệnh bên Trung Quốc khi đọc tập Tiểu Thanh kí. Tôi cũng đã vô cùng hứng thú và cảm thấy đồng điệu với học giả Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Hiền Tâm khi được đọc tập sách phiên chú này. Tôi cảm nhận được sự am tường của ông về lời ăn tiếng nói rặt ròng của người Nam Bộ xưa cách chúng ta hàng thế kỷ. Tôi cảm nhận được sự nặng lòng và dụng công của học giả đối với vốn quý văn học Nam Bộ, tâm thái đó không khác là mấy với khoảng nửa thế kỷ trước, khi ông biên soạn Văn học Nam Hà, Văn chương tranh đấu miền Nam, Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp, những quyển sách vốn vẫn còn nguyên giá trị tham khảo đến tận ngày nay dù trải qua bao biến động thời cuộc. Tôi hy vọng sau khi đọc xong quyển sách này, bạn đọc đều tìm thấy sự đồng điệu với soạn giả tuồng Kiều Nam Bộ và cả với người phiên chú, học giả Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Hiền Tâm.