Khảo tả lịch sử hơn 300 năm kinh Vũng Cù - Bảo Định

Lê Công Lý(*)

Tóm tắt

Vũng Cù nghĩa gốc vốn là bến bò của cư dân bản địa xưa. Từ con rạch có sẵn này, người Việt đã đào vét cải tạo lại để có được diện mao kinh Bảo Đinh như hôm nay. Con kinh này chẳng những xuyên suốt sông Tiền sang sông Vàm Cỏ Tây, là gạch nối giữa miền Đông và miền Tây, mà còn xuyên suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm của bước chân Nam tiến người Việt, ví như một bảo tàng sống động thu nhỏ của lịch sử khai phá và giữ nước ở Nam Bộ.

Từ khóa: Vũng Cù/ Bảo Định, Nguyễn Cửu Vân, khai phá, Nam Bộ.

Abstract

STUDY ON THE HISTORY MORE THAN 300 YEARS

OF THE VUNG CU/ BAO DINH CANAL

‘Vung Cu’ originally means the ‘cow station’ of ancient local people. Based on the existing canal, the Vietnamese have dredged and renovated it to have the Bao Dinh canal today. This canal not only crosses the Tien River to the Vam Co Tay River, which is the link between the East and the West, but also throughout the history of more than 300 years of the Vietnamese Southward footsteps. It’s like a living museum commemorating the history of exploration and defence in the South Vietnam.

Keywords: Vung Cu/ Bao Dinh, Nguyen Cuu Van, exploration, the South Vietnam.

NỘI DUNG

1.Về tên gọi Vũng Cù

Trong sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1808), bộ sách chỉ dẫn đường sá thủy bộ của quan thượng thư bộ Binh Lê Quang Định có nhiều chữ chỉ tên đất: Chữ trong cù lao được viết là 岣[1], chữ chỉ địa thế quẩn quanh được viết là 虬[2]. Riêng chữ chỉ đường mòn trên bộ là 衢, đường giao thông thủy chuyên biệt gọi là [氵衢   ]. Địa danh Vũng Cù trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí được viết bằng chữ Nôm là 泳 [氵衢   ].

Gia Định thành thông chí cũng gọi 衢 để chỉ đường mòn trên bộ (Thiên lí cù 千里衢), nhưng Vũng Cù lại được ghi bằng chữ Nôm là 淎虬. Quả vậy, kể từ Gia Định thành thông chí trở đi, địa danh Vũng Cù được ghi bằng tự dạng khác với Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Đại Nam nhất thống chí Hán hóa địa danh này thành Cù Úc 虬澳, Nam Kì lục tỉnh địa dư chí lại viết bằng chữ Nôm là Vũng Cù [虫奉] 虬.

Như vậy, địa danh Vũng Cù được ghi trong sử sách vào thế kỉ XIX không thống nhất, mà quan trọng nhất là chữ , khi thì viết là [氵衢   ], khi lại viết là 虬, khác hẳn nhau về nghĩa.

Theo Vương Hồng Sển, học giả người Việt gốc Hoa lai Khmer, Vũng Cù (mà ông gọi là Vũng Gù) là địa danh dịch từ tiếng Khmer Kompong Ku, nghĩa là Bến Bò (bến sông có nhiều con bò)[3].

Quả thật vậy, vũng là vùng nước sâu, nước xoáy lõm vào đất liền (như Vũng Tàu, Vũng Áng) thì không phù hợp với sông Vàm Cỏ Tây vốn nước chạy yếu, càng không phù hợp với kinh Bảo Định vốn có giáp nước ở giữa nên nước chảy càng yếu hơn.

Do đó, chỉ có thể hiểu Vũng Cù là địa danh dịch từ tiếng Khmer mà Vũng thực chất chỉ là bến sông, còn (Cu) là con bò. Trong đó, từ Kompong thành Vũng là dịch nghĩa, từ Ku thành là dịch âm.

Thật vậy, xem bản đồ Walker Map of Southeast Asia (1828) của Crawfurd thấy rõ địa danh Vung Gou (Vũng Cù/ Vũng Gù) chính là vị trí TP.Tân An, tỉnh Long An bây giờ. Điều này cũng hoàn toàn thống nhất với ghi nhận của Đại Nam nhất thống chí: chợ Hưng Lợi (tức chợ Long An ngày nay) tục danh là chợ Vũng Cù.


Hình 1: Bản đồ Walker Map of Southeast Asia - first accurate map of Thailand![4] (1828) của Crawfurd.

Theo Đào Văn Hội trong Tân An ngày xưa[5], tại bến Vũng Cù [nay chỗ trung tâm TP.Tân An] ngày xưa người Khmer hay đem trâu bò xuống uống nước nên gọi là bâng-cồ, có lẽ là tiếng Miên đọc trại, nghĩa là bến bò uống nước.

Quả thật vậy, vị trí trung tâm TP.Tân An hiện nay chính là vùng tiếp giáp giữa hệ thống Ba Giồng (vùng đất gò nổng, thường xuyên thiếu nước vào mùa nắng) với sông Vàm Cỏ Tây. Do đó, bò nuôi của cư dân bản địa[6] từ Ba Giồng được lùa đến đây uống nước vào mùa nắng là hợp lí.

Do địa danh Vũng Cù nằm sát bờ nam sông Vàm Cỏ Tây nên sông này cũng gọi là sông Vũng Cù và con rạch tự nhiên từ đó ăn sâu vào đất liền gọi là rạch Vũng Cù (Hoàng Việt nhất thống chí gọi là Vũng Cù đại giang 泳 [氵衢  ] 大江và rạch Vũng Cù 瀝泳 [氵衢  ])[7] và khi được đào nắn gọi là kinh Vũng Cù 涇泳 [氵衢  ]. Do đó, bài này chỉ khảo tả kinh Vũng Cù chứ không phải sông Vũng Cù.

Tên gốc vốn là Vũng nhưng lại thường được đọc là Vũng , vìhai âm C(K)G rất gần gũi nhau về ngữ âm[8].

2.Khảo tả kinh Vũng Cù đầu thế kỉ XIX

Trước năm Ất Dậu 1705 chỉ có rạch Vũng Cù xuất phát từ bờ nam sông Vũng Cù (tức sông Vàm Cỏ Tây) tại vị trí cầu Sắt Tân An cũ, chảy về hướng nam, đoạn cuối chảy lệch về hướng tây, về phía gò Trấn Định (nay là trung tâm TT.Tân Hiệp, Châu Thành, Tiền Giang). Đồng thời, từ Mĩ Tho, tại bờ bắc sông Cửa Tiểu cũng có rạch Mĩ Tho chảy về hướng bắc, đoạn cuối cũng lệch về hướng tây, về phía gò Trấn Định.

Hai con rạch này về cơ bản có giao nhau tại phía đông của Gò Trấn Định, nhưng vì vùng này có địa hình khá cao, nên rạch nhỏ hẹp và cạn dần, giao thông rất khó khăn. Do nhu cầu về quân sự và giao thông nên năm Ất Dậu 1705, Chánh thống Vân Trường hầu (Nguyễn Cửu Vân) cho đào một con kinh nhỏ dài khoảng 9km làm hào luỹ, nối rạch Vũng Cù tại quán Thị Cai (nay là chợ Tịnh Hà, xã Mĩ Tịnh An, Chợ Gạo, Tiền Giang) thẳng tới khoảng giữa rạch Mĩ Tho tại địa điểm chợ Bến Tranh/ Lương Phú (nay thuộc xã Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo, Tiền Giang). Nhờ đó mà hai đầu nguồn của hai con rạch này được thông suốt nhau, gọi là kinh Vũng Cù.

Song song với hào lũy là kinh Vũng Cù, ông cho đắp Trường Lũy (lũy dài) dọc bờ kinh mới Vũng Cù để đề phòng quân Chân Lạp tập kích. Đến năm 1772, chúa Nguyễn cho lập đạo Trường Đồn (đơn vị hành chánh bán quân sự đầu tiên của đất Định Tường[9]), đặt lị sở tại gò Trấn Định (nay thuộc TT.Tân Hiệp, huyện Châu Thành, Tiền Giang), có lẽ cũng chính dựa vào uy thế Trường Lũy này.

Khác với rạch Vũng Cù và rạch Mĩ Tho vốn tự nhiên, kinh Vũng Cù được đào (nhân tạo) nên tương đối thẳng. Khi kinh mới đã thông thì phần rạch cũ cong queo càng trở nên thừa thãi và bị cạn lấp dần. Tuy nhiên, hiện nay phần ngọn của 2 con rạch nói trên vẫn còn: phần ngọn rạch Vũng Cù gọi là Rạch Cũ; phần ngọn rạch Mĩ Tho gọi là rạch Trấn Định. Hai ngọn rạch cũ này giao nhau tại rìa phía đông của gò Trấn Định (trung tâm TT.Tân Hiệp), tạo hình cánh cung, cùng với dòng chính Bảo Định tạo nên một dải cù lao lớn hình bán nguyệt ở phía tây kinh Bảo Định thuộc xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo. Đây chính là dấu tích sống động cho thấy mối quan hệ giữa rạch cũ và kinh mới.


Hình 2: Cù lao (màu vàng) hình bán nguyệt ở phía tây kinh Bảo Định thuộc xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, được tạo bảo 2 ngọn rạch cũ và kinh mới. Nguồn: Google map. L.C.L. kí chú.

Như vậy, kinh Vũng Cù là con kinh sớm nhất ở Nam Kì do người Việt đào nối sông Tiền với sông Vàm Cỏ Tây để thông thương giữa miền Tây với Sài Gòn.

Tuy nhiên, do hai đầu của kinh Vũng Cù là hai con sông lớn (sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây) vốn có chế độ thuỷ triều như nhau nên ở khoảng giữa có giáp nước, phù sa ứ đọng lâu ngày dẫn đến cạn lấp. Do đó, năm Kỉ Mão 1819, vua Gia Long cho đào vét lại kinh Vũng Cù từ chợ Thang Trông (tức chợ Phú Kiết, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo) đến Hóc Đùn (xã Đạo Thạnh, TP.Mĩ Tho), dài 14 dặm rưỡi (khoảng 6,5km).

Kinh này đương thời ví như quốc lộ đường thuỷ huyết mạch để thông thương từ miền Tây lên Sài Gòn nên vua đặt tên là Bảo Định hà 保定河và cho khắc bia “Phụng khai tân cảng kí”[10] dựng tại thôn Phú Kiết, vì đây chính là xuất phát điểm để đào về hướng Mĩ Tho. Đương thời con kinh này được xem là một trong 30 thắng cảnh của đất Gia Định nên được Trịnh Hoài Đức đề thơ “Tân Kinh thần mục” (Sáng sớm chăn trâu ở Tân Kinh) trong Cấn Trai thi tập.

Cho đến hôm nay, kinh Vũng Cù/ Bảo Định đã trải qua nhiều thay đổi, nên việc tìm hiểu diện mạo của nó hồi đầu thế kỉ XIX, tức cách nay hơn 200 năm không thể không dựa vào tài liệu ghi chép đương thời mà trước hết và quan trọng nhất là Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1808).

Cửa kinh ở bờ nam của sông này [sông Vũng Cù/ Vàm Cỏ Tây] rộng 33 tầm [khoảng 80m], sâu 4 tầm 3 thước [khoảng 11m]. Kinh này lưu thông đi tắt, tiện đường nên người dân dùng làm đường giao thông chính, như quan lộ [đường thủy] vậy.

Từ vàm kinh, đi 3.006 tầm [khoảng 7,5km], cứ theo kinh mà đi, [66b] hai bên bờ có dân cư và ruộng lúa, đến cầu ngang Lão Bỉnh [cầu Ông Bỉnh, nay là cầu Liên Xã, bắc ngang kinh Bảo Định, nối P.Tân Khánh và xã An Vĩnh Ngãi], cầu dài 18 tầm [khoảng 45m], phía đông có chợ, quán xá đông đúc, tục gọi là chợ Lão Bỉnh [tức chợ Ông Bỉnh, nay chợ không còn nhưng còn tên Xóm Chợ ở khu vực đình Háo Ngỡi, ấp Hòa Ngãi, xã An Vĩnh Ngãi], ghe buôn thường dừng đỗ tại đây.

Đi tiếp 192 tầm [khoảng 500m], hai bên là ruộng vườn, đến rạch Mụ Lí [nay là rạch Bà Lí], rạch rộng 19 tầm [khoảng 50m], sâu 1 tầm 2 thước [khoảng 3m], từ cửa rạch đi 2.910 tầm [khoảng 7,3km] đến chợ Xã Bỉnh [nay là chợ Vĩnh Công], lại đi thêm 91 tầm thì giáp với rạch Kì Lôn [nay gọi là Kì Son] rồi chảy ra sông lớn Vũng Cù [Vàm Cỏ Tây].

Đi tiếp 948 tầm [khoảng 2,4km] đến quán Mụ Cai [còn gọi quán Thị Cai, nay là chợ Tịnh Hà, xã Mĩ Tịnh An, Chợ Gạo, Tiền Giang], hai bên bờ là ruộng vườn, ở đây có 8, 9 nhà chuyên nung vôi làm kế sinh nhai.

Đi tiếp 1.740 tầm [khoảng 4,5km], ven bờ là ruộng lúa, đến cầu Thang Trông [nay là cầu Phú Kiết], cầu dài 12 tầm [khoảng 30m], đầu cầu có chợ [tức chợ Thang Trông, nay là chợ Phú Kiết], dân cư và quán xá trù mật. Kinh này rộng 10 tầm [khoảng 25m], sâu 1 tầm [khoảng 2,5m], ỏ bờ phía tây có một ngòi nhỏ, tục gọi là rạch Bưng Xách [nay gọi là Rạch Cũ], từ rạch này đi 1.125 tầm [khoảng 2,9km] đến giồng Kiến Định [nay là trung tâm TT.Tân Hiệp, Châu Thành, Tiền Giang]. Cửa kinh Vũng Cù cùng với cửa kinh Mĩ Tho khi nước lên chảy nhập vào nhau tại đây nên tục gọi là Giáp Nước Thang Trông, khi nước xuống thì chia ra mà chảy lui xuống.

Đi tiếp 1.658 tầm [khoảng 4,2m] đến chợ Bến Tranh [nay thuộc xã Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo, Tiền Giang], ven theo bờ là ruộng vườn, quán xá và dân cư trù mật, ghe buôn tụ tập rất đông.

Đi tiếp 2.035 tầm [khoảng 6km], hai bên đều là ruộng vườn, đến rạch Bến Chùa [nay chỗ cầu Bến Chùa nằm trên QL1A, thuộc xã Long An, Châu Thành, Tiền Giang]. Rạch [Bến Chùa] rộng [67a] 8 tầm [khoảng 20m], sâu 1 tầm 4 thước [khoảng 4m]. Từ rạch này đi 2.260 tầm [khoảng 5,8km] thì thông với khúc cuối của rạch giồng Trao Qua rồi chảy lan ra, tục gọi là bưng Lão Lĩnh [nay gọi là Chợ Bưng thuộc xứ Ông Lãnh].

Đi tiếp 860 tầm [khoảng 2,2km], ven theo bờ đều là ruộng vườn, đến rạch Cái Ngang Giữa, rạch này rộng 12 tầm [khoảng 30m], sâu 1 tầm 3 thước [khoảng 3,8m], từ rạch này đi 3.485 tầm [khoảng 8,8km] thì đến rạch Mỗi Xoài rồi thông ra sông lớn Mỹ Tho. Rạch hẹp, nước cạn nên đi thuyền rất khó.

Đi tiếp 1.699 tầm [khoảng 4,3km], hai bên bờ đều là ruộng vườn, đến rạch Cái Cát, rạch rộng 8 tầm [khoảng 20m], sâu 3 tầm [khoảng 7,5m]. Từ rạch này đi 1.005 tầm [khoảng 2,6km] thì đến chợ Gò Cát, ở đây có ruộng vườn và dân cư, họ chuyên làm nghề nấu rượu nuôi heo.

Đi tiếp 659 tầm [khoảng 1,7km], hai bên đều là ruộng vườn, đến trạm Giang Niêm, bến sông cửa trước trấn thành [lúc này thành Trấn Định còn nằm chỗ cũ, thuộc bờ đông rạch Mĩ Tho và bờ bắc sông Cửa Tiểu, kế bên Chợ Cũ, nay thuộc P.8, TP.Mĩ Tho, Tiền Giang]. Trạm này theo lệ điều dân của hai thôn An Hồ và Tân Thạch 200 người, trong đó chuẩn cho 50 người đóng thuế bằng cách làm phu công ích, số còn lại được riêng miễn sưu để lo việc đón tiếp và chuyển đệ công văn đến bến dinh Vĩnh Trấn.

Từ bến, hai bên bờ dân cư và phố xá rất trù mật, đi tiếp 380 tầm [khoảng 950m] đến vàm kinh rồi ra sông lớn Mỹ Tho [tức sông Cửa Tiểu][11].

Hình 3: Trang 66a và 66b, Q.2 sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, mục Đường trạm trên sông dinh Trấn Định, phần miêu tả kinh Vũng Cù. Ảnh: L.C.L.

Đến Gia Định thành thông chí (1820?) việc miêu tả về lai lịch hình thành con kinh cũ (1705) và việc đào vét thành con kinh mới (kinh Bảo Định, 1819) chi tiết hơn:

Bảo Định hà: Tục gọi là kinh Vũng Cù. Cửa sông này gối vào sông Hưng Hòa [tức Vàm Cỏ Tây], cách phía đông bắc trấn [trấn Định Tường, nay là TP.Mĩ Tho, Tiền Giang] 47 dặm rưỡi [khoảng 21km]. Ngày xưa phía đông bắc, rạch nhỏ Vũng Cù chảy đến xóm Thị Cai là hết, phía tây rạch nhỏ Mĩ Tho cũng xuống đông đến chợ Lương Phú (tục gọi là Bến Tranh, thuộc thôn Lương Phú) là hết, khoảng giữa là ruộng đất liên tiếp từ nam đến bắc. Năm Ất Dậu (1705) đời vua Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế thứ 15, sai Chính thống Vân Trường hầu qua đánh Cao Miên. Bọn địch thường xuất hiện ở chỗ nầy quấy nhiễu quân dân ta, sau Vân Trường hầu bèn đắp lũy dài từ xóm Thị Cai đến chợ Lương Phú, rồi cho đào từ hai đầu chỗ cùng của sông Vũng Cù và sông Mỹ Tho, dẫn nước chảy quanh, làm hào lũy ngoài để củng cố thế phòng ngự. Sau nhân đường nước lưu thông, lại đào sâu thêm, thành ra con kinh ghe thuyền đều đi được. Nhưng đường sông từ đông đến tây xa cách, nên đến chỗ Vọng Thê (tục gọi là Thang Trông, là chỗ trước đó dựng thang cao để đứng nhắm đo đạc địa thế, nhân đó gọi thành tên đất) [nay là chợ Phú Kiết], [39b] đây là nơi nước thủy triều gặp nhau làm chỗ giáp nước, nước lờ đờ khi lên khi xuống, thế nước chẳng chảy mạnh, tuôn mau, lại nhiều chỗ quanh co hẹp nhỏ, nên bùn cỏ tích tụ, ngày càng bị cạn lấp, nên thuyền lớn đi đến đây phải đợi nước lên đầy mới đi được. Năm Kỉ Mão niên hiệu Gia Long thứ 8 (1819), vua có chỉ dụ sai đo thẳng từ chỗ Thang Trông đến Hóc Đùn dài 14 dặm rưỡi [khoảng 6,6km], sai Trấn thủ Định Tường là Bửu Thiện hầu Nguyễn Văn Phong điều 9.679 dân trong trấn, cấp cho mỗi người một tháng là một quan tiền và một phương gạo chia làm 3 phiên thay nhau đào mở, bề ngang 15 tầm [khoảng 38m], sâu 9 thước ta [khoảng 4m], 2 bên có đường cái quan rộng 6 tầm [khoảng 15m], hoặc theo đường sông cũ mà uốn nắn đào cho sâu rộng thêm, hoặc mở kinh mới để nối liền nhau, tùy sự tiện lợi mà làm. Khởi công từ ngày 28 tháng giêng đến ngày 4 tháng 4 nhuận thì xong. Vua ban tên là Bảo Định hà, ai nấy đều cho là rất thuận tiện[12].

Sau đây là bản đồ tóm lược lịch trình đào kinh Vũng Cù/ Bảo Định trong thế kỉ XVIII – XIX:


Hình 4: Bản đồ lịch trình đào kinh Vũng Cù/ Bảo Định. Nguồn: Google maps. Lê Công Lý kí chú.

Theo Đại Nam nhất thống chí (1875), đến năm Minh Mạng thứ 6 (1825) cho đổi tên Bảo Định hà thành Trí Tường giang 致祥江[13], bia đá kỉ niệm (bia Bảo Định) nằm cạnh bờ kinh thuộc thôn Phú Kiết.

Như vậy, thủy lộ này theo thời gian đã qua nhiều tên gọi khác nhau:

Bảng 1: Tên gọi của kinh Vũng Cù/ Bảo Định theo thời gian:

Năm

Tên gọi

Đoạn thuộc tỉnh Long An ngày nay

Đoạn thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay

Trước 1705

Rạch Vũng Cù

Rạch Mĩ Tho

1705 – 1819

Kinh Vũng Cù

1819 – 1825

Bảo Định hà

1825 – 1861

Trí Tường giang

1861 – 1945

Kinh Trạm (Arroyo de la Poste)

1945 – nay

Kinh Bảo Định

Cũng theo Đại Nam nhất thống chí, dọc theo kinh Bảo Định có đến 3 dịch trạm 驛站 để trung chuyển công văn giấy tờ, từ phía sông Vàm Cỏ Tây trở qua Mĩ Tho gồm: trạm Định Tân, trạm Định Hòa và trạm Định An.

  • Trạm Định Tân, theo Đại Nam nhất thống chí, ở thôn Nhơn Nghĩa, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Tuy nhiên, có lẽ những người soạn sách đã nhầm, vì thực tế đương thời, từ năm Minh Mạng thứ 13 (1832), thôn Nhơn Nghĩa thuộc tổng Thạnh Hội, huyện Tân Hòa, phủ Tân An, tỉnh Gia Định và nằm giữa nội đồng, không giáp sông rạch lớn nên không thể đặt dịch trạm đường sông được[14]. Do đó, chúng tôi suy đoán, trạm Định Tân phải đặt tại thôn Nhơn Nhượng (vì thôn này có địa chỉ đúng như miêu tả của Đại Nam nhất thống chí: huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường), là địa đầu của tỉnh Định Tường, đồng thời thôn này có bến đò Nhơn Nhượng nằm trên đường Thiên Lí từ Gia Định xuống miền Tây, lại giáp vàm rạch Vũng Cù[15], nay thuộc địa bàn P.2, TP.Tân An.

  • Trạm Định Hòa thuộc thôn Nhơn Hậu, đời Minh Mạng thuộc tổng Hưng Nhượng, huyện Kiến Hưng[16], tỉnh Định Tường. Thôn Nhơn Hậu nay thuộc phường Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An. Đây chính là điểm dừng nghỉ của ghe thương hồ đi trên dòng Bảo Định, nên dân cư đông đúc: bờ tây kinh có dịch trạm Định Hòa, đình Nhơn Hậu và chùa Ông (Quan Thánh miếu)[17]; bờ đông kinh có chợ Ông Bỉnh, đình Háo Ngãi và chùa Ông (Quan Thánh miếu)[18]; nối đôi bờ kinh Vũng Cù tại đây là cầu Ông Bỉnh, nay là cầu Liên Xã nối P.Tân Khánh và xã An Vĩnh Ngãi. Sự việc có đến 2 chùa Ông tồn tại đến ngày nay cho biết vào các thế kỉ trước, tại đây có hoạt động mua bán sum mậu và lực lượng người Hoa đông đúc. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí cho biết tại chợ Ông Bỉnh này có 8-9 hộ làm nghề nung vôi[19] nhờ địa thế giao thương thuận tiện của kinh Vũng Cù.

  • Trạm Định An ở thôn Phú Hội, huyện Kiến Hòa[20], phía tây giáp vàm kinh Mĩ Tho (tức kinh Vũng Cù nối dài), phía đông là trấn thành Định Tường (nay thuộc P.3, TP.Mĩ Tho), nên có vị thế trên bến dưới thuyền. Là dịch trạm lớn nên, theo Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, trạm Định An đầu đời Gia Long có tới 200 phu dịch, đến năm Gia Long thứ 13 (1814) lên đến 300 phu trạm[21]. Tại trạm này có kho Định An. Đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), tháng 10 (âm lịch), trong kế hoạch chung sắp đặt lại bộ máy hành chính từ trấn Định Tường thành tỉnh Định Tường, vua có lệnh: “Kho Định An ở tỉnh Định Tường dời về trong tỉnh thành”[22].

3 dịch trạm nói trên được lập từ đầu đời Gia Long, sau đó được đặt định lại từ tháng 9 (âm lịch) năm Minh Mạng thứ 3 (1822) cùng với hàng chục trạm từ dinh Quảng Đức (Huế) vào tới Hà Tiên[23], khi vua vừa lên ngôi và đang trên đà phát triển bộ máy trung ương tập quyền (mọi quyền hành điều trực lệ vào triều đình trung ương Huế), nên yêu cầu thông tin lệnh lạc phải thông suốt, mà các dịch trạm đường sông này đóng vai trò then chốt.

Kinh Vũng Cù/ Bảo Định ngắn (chỉ hơn 20km) mà có tới 3 dịch trạm với tần suất dày đặt, cho thấy vai trò quan yếu của nó trên đường liên lạc và giao thương từ miền Tây lên Sài Gòn, nên dân gian gọi là Kinh Trạm.

Tuy nhiên, đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839), triều đình sắp đặt lại các dịch trạm trên cả nước. Trên kinh Vũng Cù/ Bảo Định từ 3 trạm rút xuống còn 2 trạm: Trạm Định Hòa từ thôn Nhơn Hậu dời về thôn Nhơn Nhượng, tại bến sông Vũng Cù (Vàm Cỏ Tây); trạm Định Tân từ thôn Nhơn Nhượng dời về thôn Long Hội[24], cách trạm Định Hòa 30 dặm 125 trượng [khoảng 13,5km]; trạm Định An dời từ thôn Phú Hội về thôn Kim Sơn, huyện Kiến Hưng[25], đóng tại bờ bắc sông Tiền, cách trạm Định Tân 34 dặm 104 trượng [khoảng 15,5km]; mỗi trạm có 60 phu trạm và do viên Đội trưởng gọi là Dịch thừa (trật tòng Thất phẩm) và viên Đội phó gọi là Dịch mục (trật chánh Bát phẩm) chỉ huy[26].

Về thuyền trạm, theo quy định vào năm Gia Long thứ 11 (1812), cả 3 trạm nói trên được cấp 10 chiếc thuyền trạm, cộng thêm 5 chiếc dự phòng của dân thôn ven sông, thành ra 15 chiếc để phục vụ vận chuyển công văn lệnh lạc[27].

Thực sự, trong bối cảnh đất rộng người thưa lúc bấy giờ mà mỗi dịch trạm có tới 60 phu trạm, dù chia thành 3 phiên trực, cùng với ghe thương hồ và dân vãng lai cũng đủ sức hình thành các điểm chợ đường sông dọc con kinh này.

Việc rút bớt 1 trạm trên tuyến kinh Vũng Cù/ Bảo Định không có nghĩa là tuyến đường này giảm phần quan yếu, mà chỉ vì lúc bấy giờ bờ cõi nước Việt Nam đã được mở mang tối đa, nhu cầu vận chuyển văn thơ rộng khắp, nên các dịch trạm cần phải được phân bố đều ra để cho các cung đường chạy trạm được quân bình.

Thật vậy, trong những năm đầu chống thực dân Pháp xâm lược, kinh Bảo Định chính là tuyến phòng thủ quyết liệt để ngăn chặn đường tiến công thủy của Pháp từ Sài Gòn để đánh chiếm thành Định Tường. Trên tuyến kinh Bảo Định, quân Pháp phải vượt qua đoạn đường chỉ khoảng 20km mà có tới 6 đồn binh và 9 ụ cản ngăn trên dòng kinh. Vì sự ngăn cản quyết liệt của quân dân ta mà từ sông Vàm Cỏ Tây, phải mất 12 ngày quân Pháp với 2 pháo hạm, 5 tiểu pháo hạm và 220 lính mới tới được Mĩ Tho với sự trả giá bằng sinh mạng của nhiều lính Pháp và viên sĩ quan chỉ huy là đại úy Bourdairs.


Hình 5: Sơ đồ Phòng tuyến chống Pháp dọc kinh Bảo Định 1861[28]

Do vị thế đặc biệt của Mĩ Tho nên thực dân Pháp xây dựng nơi đây thành thị tứ sầm uất. Năm 1867, Pháp cho nạo vét kinh Bảo Định để trở thành tuyến liên lạc từ Sài Gòn – miền Tây, do đó Pháp gọi là Arroyo de la Poste (kinh Bưu Điện). Do giữ vị trí là “đầu đường sáu tỉnh” mà tại vàm kinh Bảo Định ở Mĩ Tho có bến tàu xà-lúp gọi “cầu tàu Tục Tỉnh” và đường bộ Sài Gòn – Mĩ Tho có tên là đường Lục Tỉnh. Không khí sầm uất trên vàm kinh Bảo Định đương thời đã được Học Lạc miêu tả như sau:

Trên Sài Gòn, dưới Mĩ Tho,
Đâu đâu phong cảnh cũng nhường cho.
Lớn ròng chung rạch, chia đôi ngả[29],
Cũ mới phân ranh cũng một đò[30].
Phố cất vẽ vời xanh tợ lục,
Buồm dong lên xuống[31] trắng như cò.
Đắc tình trạo tử quên mưa nắng,
Dắn dỏi đua nhau tiếng hát hò.

(Mĩ Tho tức cảnh)

Giai đoạn này, thực dân Pháp có hệ thống ‘dây thép’ truyền tin và xây dựng hệ thống giao thông đường bộ nên không cần các dịch trạm truyền tin dọc kinh Bảo Định nữa, nhưng vẫn gọi kinh này là Arroyo de la Poste (kinh Bưu Trạm), cho thấy tên gọi Kinh Trạm và vai trò của các dịch trạm trước đó quan trọng đến mức nào.

Tuy nhiên, đến cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, trên đà phát triển của giao thông đường bộ, nhất là đường sắt Sài Gòn – Mĩ Tho khánh thành (1885), vai trò giao thương của kinh Bảo Định bắt đầu đi xuống. Đặc biệt, sau năm 1975, do nhu cầu thủy lợi (ngọt hóa kinh Bảo Định), 2 đập thủy lợi được đặt ở 2 đầu kinh này (1 ở Mĩ Tho, 1 ở Tân An), nên ghe thuyền di chuyển rất khó khăn. Cũng từ đây đã khép lại vai trò lịch sử gần 300 năm của kinh Vũng Cù/ Bảo Định.

3.Kinh Bảo Định hôm nay

Như đã nói, từ sau 1975, kinh Vũng Cù/ Bảo Định đã hoàn thành sứ mạng lịch sử trung đại và cận đại của mình để chuyển sang vai trò mới: vai trò thủy lợi, đưa nước ngọt sông Tiền chảy qua sông Vàm Cỏ Tây để rửa mặn cho khu vực này. Cũng từ đó, ven hai bờ kinh bây giờ cây trái tốt tươi, ruộng đồng phí nhiêu màu mỡ, dân cư đông đúc, dọc theo bờ đông kinh là Tỉnh lộ 828 nối liền TP.Mĩ Tho (Tiền Giang) và TP.Tân An (Long An).

Vì là dòng kinh lịch sử, nên mặc dù bị thời gian tàn phá, ven kinh Bảo Định hôm nay cũng còn sót lại nhiều di tích để du khách có thể tham quan tìm hiểu lịch sử và văn hóa địa phương như: chùa Thiên Châu, chùa Long Châu; đình An Trị, đình Bình Yên Đông, đình Bình Quân, đình Vĩnh Phú, đình Háo Ngãi, đình Nhơn Hậu, đình Tịnh Hà (thờ Thủ khoa Huân và 3 ông Phạm Hoằng Lộc, Phạm Hoằng Sở, Phạm Hoằng Đạt), đình Thủ khoa Huân, mộ và nhà thờ Thủ khoa Huân, di tích pháp trường và tượng đài Thủ khoa Huân; đình Phú Kiết, đình Lương Phú, đình An Lạc, đình Ngãi Hữu, đình Cửu Viễn và đình Đạo Ngạn; mộ Âu Dương Lân; thánh thất Phú Kiết, tòa thánh Cao Đài Việt Nam, thánh tịnh Thanh Tịnh Đàn; miếu Quan Thánh (4 cái), chùa Bà Thiên Hậu; nhà lưu niệm Trần Hữu Trang, nhà lưu niệm Sơn Nam, v.v. Đặc biệt, sát chợ Phú Kiết kiện vẫn còn bia Bảo Định có niên đại 1819, là dấu tích sống động cho lịch sử đào vét con kinh này.

Tóm lại, kinh Vũng Cù/ Bảo Định chẳng những xuyên suốt sông Tiền sang sông Vàm Cỏ Tây, là gạch nối giữa miền Đông và miền Tây, mà quan trọng hơn, nó còn xuyên suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm của bước chân Nam tiến người Việt.

Nói cách khác, con kinh này ví như một bảo tàng sống động thu nhỏ của lịch sử khai phá và giữ nước ở Nam Bộ.

________________

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Duy Minh Thị (1872, tái bản 2018), Nam Kì lục tỉnh địa dư chí, Thượng Tân Thị dịch, Nxb Thuận Hoá, Huế.
  2. Lê Công Lý (2009), “Tìm hiểu về hệ thống sông Vàm Cỏ”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2/2009.
  3. Lê Công Lý (2015), “Từ núi Gấm đến núi Cấm hay là quá trình tiếp biến văn hoá Việt – Khmer ở Nam Bộ”, Tạp chí Xưa&Nay, số 463, tháng 9/2015.
  4. Lê Công Lý (2019), “Đính chính đôi chỗ liên quan đến việc đào vét kinh Bảo Định năm 1705 và 1819”, T/c Hán Nôm, số 6(157)/2019, tr.69 – 77.
  5. Lê Quang Định (1806, tái bản 2005), Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Bản dịch của Phan Đăng, Nxb Thuận Hoá, Huế.
  6. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Định Tường, Nxb TP.199.
  7. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Gia Định, Nxb TP.HCM.
  8. Nội các triều Nguyễn (1851, tái bản 2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ; Q.252: Ti Bưu chính I, Viện Sử học dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  9. Quốc sử Quán triều Nguyễn (1821–1909, bản dịch 2003), Đại Nam thực lục, tập 3: Chính biên, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, Hà Nộ.
  10. Quốc sử Quán triều Nguyễn (1821–1909, bản dịch 2004), Đại Nam thực lục, tập 2: Chính biên, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
  11. Quốc sử quán triều Nguyễn (1865–1882, bản dịch 1959), Đại Nam nhất thống chí, Lục tỉnh Nam Việt, Nha Văn hóa – Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn.
  12. Thạch Phương – Lưu Quang Tuyến chủ biên (1989), Địa chí Long An, Nxb Long An& Nxb KHXH, tr. 196.
  13. Trịnh Hoài Đức (1820?, tái bản 2005), Gia Định thành thông chí, Bản dịch của Lý Việt Dũng, Nxb Đồng Nai.
  14. Vương Hồng Sển (1999), Tự vị tiếng nói miền Nam, Nxb Trẻ.

________________

CHÚ THÍCH:

[1] Tuy nhiên, trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, chữ trong cù lao lại viết là 虬. Theo đó, dân gian Nam Kì tin rằng, cù là một loại rồng không sừng, nó nằm im dưới đất hàng trăm năm. Chỗ nó nằm, phù sa lắng đọng lâu năm thành ra đùn nổi lên thành cồn. Do đó, mỗi khi cồn đất bị sạt lở, dân gian gọi là cù dậy, tức con rồng đất trở mình. Trong Tự vị tiếng nói miền Nam (Nxb Trẻ, 1999, tr.260), Vương Hồng Sển cũng ghi nhận như vậy.

[2] Cù Mông 虬蒙 (Q.6, tờ 49a); Tân Cù thôn新虬村 (Q.7, tờ 63a).

[3] Tự vị tiếng nói miền Nam, Nxb Trẻ, 1999, tr.260. Ngoài ra, ở Nam Bộ còn nhiều địa danh Vũng + X có nguồn gốc tương tự: Vũng Liêm, Vũng Thơm, Vũng Kè, Vũng Tàu, v.v.

[5] Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972, Mục Thắng cảnh - Cổ tích.

[6] Người Khmer có truyền thống nuôi bò chứ không có truyền thống nuôi trâu.

[7] Tương tự như sông Cửa Tiểu chảy ngang Mĩ Tho gọi là Mĩ Tho đại giang, còn con rạch từ nội đồng chảy ra bờ bắc sông Cửa Tiểu tại Mĩ Tho gọi là rạch Mĩ Tho.

[8] Phân tích đặc điểm ngữ âm tiếng Việt (và cả nhiều ngôn ngữ trên thế giới nói chung) dễ thấy có sự hoán đổi giữa hai phụ âm /g/ [g, gh] và /k/ [c, k, q]. Bởi lẽ, xét về mặt ngữ âm, /g/ và /k/ giống nhau về vị trí cấu âm (gốc lưỡi - root), chỉ khác nhau về phương thức cấu âm: /g/ là âm xát hữu thanh (voiced sound), còn /k/ là âm tắc vô thanh (voiceless sound). Đồng thời, trong Vũng Cù, đứng liền trước G lại là phụ âm cuối NG hữu thanh, nên theo quy luật đồng hóa ngữ âm (similation), âm C theo sau sẽ bị lây lan tính chất hữu thanh để biến C thành G.

Do sự gần gũi về đặc tính ngữ âm đó nên trong thực tế tiếng Việt có rất nhiều trường hợp hai phụ âm này có thể hoán đổi cho nhau để tạo nên hai từ đồng nghĩa. Chẳng hạn: các/ gác, cái/ gái, cài/ gài, can/ gan, càn/ gàn, cánh (họ)/ gánh (họ), cắm/ găm, căn/ gốc, cắp/ gắp, cẩm/ gấm, cân/ gân, cận/ gần, cấp/ gấp, cập/ gặp/ kịp, cóp, góp, kê/ gà, kí/ ghi, kí/ gửi, kiếm/ gươm, kìm/ ghìm, kín/ gánh, Mongols/ Mông Cổ, cưỡng/ gượng, v.v. Nhiều địa danh trong tiếng Việt cũng có hiện tượng hoán đổi giữa /g/ và /k/ như: núi Gấm/ núi Cấm, Sài Gòn/ Sài Côn/ Tây Cống…

Đặc biệt, khi người Pháp sang Việt Nam, có khi họ cũng dùng lẫn lộn hai phụ âm /g/ và /k/, hoặc là dùng chữ gđể ghi âm /k/, chẳng hạn: gong (cồng), Po Inư Nagar (Po Inư Na-cành)...

Như vậy, từ Vũng Cù thành ra Vũng Gù không phải là hiện tượng cá biệt trong tiếng Việt. Đó là chưa nói tới việc, vì là tên riêng nên địa danh này luôn được viết hoa, và Vũng Cù với chữ C không khác chữ G bao nhiêu, nên dễ nhầm lẫn về con chữ, dẫn đến nhầm lẫn về ngữ âm, thành ra Vũng Gù.

Cf. Lê Công Lý (2009), “Tìm hiểu về hệ thống sông Vàm Cỏ”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2/2009; Lê Công Lý (2015), “Từ núi Gấm đến núi Cấm hay là quá trình tiếp biến văn hoá Việt – Khmer ở Nam Bộ”, Tạp chí Xưa&Nay, số 463, tháng 9/2015.

[9] Đạo Trường Đồn (1772) → dinh Trường Đồn (1779) → dinh Trấn Định (1781) → trấn Định Tường (1808) → tỉnh Định Tường (1832.

[10] C.f. Lê Công Lý (2019), “Đính chính đôi chỗ liên quan đến việc đào vét kinh Bảo Định năm 1705 và 1819”, T/c Hán Nôm, số 6(157)/ 2019, tr.69 – 77.

[11] Theo bản dịch của Phan Đăng, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2005. L.C.L. chú thích thêm.

[12] Gia Định thành thông chí, Sơn xuyên chí – trấn Định Tường. Bạn dịch của Lý Việt Dũng, Nxb Đồng Nai, 2005. L.C.L. chú thích thêm.

[13] Tuy nhiên, việc đổi thành Trí Tường giang không thấy ghi trong Đại Nam thực lục.

[14] Thôn Nhơn Nghĩa: Đông giáp địa phận thôn Trung Lộc [Kì Son], tổng Thạnh Quơn, huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường; Tây giáp rạch nhỏ; nam giáp thôn Trung Lộc, lấy rạch làm giới; bắc giáp địa phận thôn Bình Phú, lấy rạch làm giới. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Gia Định, Nxb TP.HCM, tr.492.

Hơn nữa, theo cách đặt tên trạm đương thời, các trạm thuộc địa bàn tỉnh Gia Định thì bắt đầu bằng chữ Gia (như các trạm Gia Cát, Gia Cẩm, Gia Tân, Gia Lộc, Gia Tú), còn các trạm thuộc địa bàn tỉnh Định Tường thì bắt đầu bằng chữ Định (như các trạm Định Tân, Định Hòa, Định An). Theo đó, trạm Định Tân (có chữ Định) thì phải thuộc tỉnh Định Tường chứ không thể thuộc tỉnh Gia Định như ghi chép nhầm lẫn của Đại Nam nhất thống chí được.

[15] Địa bạ Minh Mạng 1836 chép: Thôn Nhơn Nhượng (thuộc tổng Hưng Nhượng, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường) ở xứ Cù Úc (Vũng Cù)”, Đông giáp sông lớn [vàm rạch Vũng Cù] và rạch nhỏ; Tây giáp địa phận thôn Bình Cư; nam giáp địa phận thôn Bình An Đông và rạch nhỏ; Bắc giáp sông lớn [Vàm Cỏ Tây]. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Định Tường, Nxb TP.HCM, tr.278.

[16] Đại Nam nhất thống chí ghi thuộc huyện Kiến Hòa là sai.

[17] Nay thuộc P.Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An.

[18] Nay thuộc ấp Hòa Ngãi, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, tỉnh Long An.

[19] Người dân địa phương cho biết trước đây thấy có nhiều đá sỏi vương vãi tại khu vực này, ước đoán là dấu tích của các lò nung vôi xưa.

[20] Địa bạ Minh Mạng 1836 chép: Thôn Phú Hội (thuộc tổng Thạnh Phong, huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường) ở xứ Mĩ Tho, Đông giáp địa phận 2 thôn Mĩ Chánh và Mĩ Hóa, lại giáp thôn Điều Hòa; Tây rạch Mĩ Tho và thôn Điều Hòa; Nam giáp địa phận thôn Mĩ Chánh; Bắc giáp thôn Mĩ Hóa, lại giáp thôn Điều Hòa. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Định Tường, Nxb TP.HCM, tr.249.

[21] Nội các triều Nguyễn (1851, tái bản 2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ; Q.252: Ti Bưu chính I, Viện Sử học dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.392.

[22] Quốc sử Quán triều Nguyễn (1821–1909, bản dịch 2003), Đại Nam thực lục, tập 3: Chính biên, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr.399.

[23] Quốc sử Quán triều Nguyễn (1821–1909, bản dịch 2004), Đại Nam thực lục, tập 2: Chính biên, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr.325.

[24] Xứ Bến Chùa, nay thuộc xã Long An, huyện Châu Thành, Tiền Giang.

[25] Nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, Tiền Giang.

[26] Nội các triều Nguyễn (1851, tái bản 2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ; Q.252: Ti Bưu chính I, Viện Sử học dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.382 – 391

[27] Nội các triều Nguyễn (1851, tái bản 2004), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ; Q.252: Ti Bưu chính I, Viện Sử học dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.395.

[28] Thạch Phương – Lưu Quang Tuyến chủ biên (1989), Địa chí Long An, Nxb Long An& Nxb KHXH, tr. 196.

[29] Chỉ đặc điểm giáp nước cố định trên kinh Bảo Định: Chung một dòng kinh Bảo Định nhưng nước lớn thì vừa có dòng từ sông Cửa Tiểu chảy vào từ hướng Mĩ Tho, vừa óc dòng từ sông Vàm Cỏ Tây chảy vào từ hướng Tân An; đến khi nước ròng cũng rút ngược lại theo hai hướng đó [chú thích của L.C.L.].

[30] : chợ Cũ; mới: chợ Mĩ Tho mới; một đò: đò ngang trên kinh Bảo Định [chú thích của L.C.L.].

[31] Buồm ghe chạy dọc theo kinh Bảo Định [chú thích của L.C.L.].