Nguyễn Văn Sâm: Nhân trí dũng bước cùng đời

Đặng Châu Long

“Sống ra con người đàng hoàng không hổ thẹn với lương tâm và với người thân chung quanh trước khi làm một nhà văn. Thời gian của ai rồi cũng sẽ hết, kéo theo sự bỏ lại tất cả mọi thứ vật chất cụ thể, chỉ còn là cách sống phải đạo khi người đó hiện diện trên trần gian nầy”.

Nguyễn văn Sâm

Nguyễn Văn Sâm - Trần Ngọc Ánh
(18-3-2023)

Tôi có thể yêu một tác phẩm hay, thích một câu viết sâu sắc, nhưng trên hết là quý một nhân cách sống. Đó là cách nghĩ của riêng tôi khi đến với các văn hữu. Không gì có thể vui hơn khi đối diện với một văn tài kèm theo một nhân cách lớn. Ở họ, chúng ta có thể học hỏi nhiều điều hơn, khám phá sâu rộng hơn về một chốn nhân gian mà chúng ta đang sống cùng. Đó là một ích hữu, một tấm gương trong ngần hiển hiện không chỉ lời nói mà là bằng hành vi sống. Lặng lẽ sống không khoa trương bởi đó là một nhân cách hằng hữu trong họ. Đơn sơ như lau lách sống hòa giữa đời thường. Tôi đã gặp được anh Nguyễn Văn Sâm như thế đó.

Chúng tôi, những người bạn thích văn chương, thường gặp nhau tại một quán café cóc trên con đường Ngô Tất Tố. Quán café không tên không cả mái che, chúng tôi đặt cho một tên gọi Tắt Đèn. Đó là tên một tác phẩm văn học của Ngô Tất Tố. Các bằng hữu hay tìm về mỗi khi có dịp. Nơi này, những năm trước dịch, anh Nguyễn Văn Sâm cũng có ghé qua. Dẫu trước đây tôi chưa gặp anh bao giờ, nhưng bề dày thân thế sự nghiệp văn chương của anh, chúng tôi đã biết từ nhiều năm: Từng dạy ở trường Nguyễn Ðình Chiểu, Mỹ Tho, Pétrus Ký, Ðại Học Văn Khoa (Sài gòn) và các trường Ðại Học Vạn Hạnh, Cao Ðài, Hoà Hảo, Cần Thơ. Sang Mỹ từ năm 1979, sống bằng nghề dạy học, viết cho Văn,Văn Học và các tạp chí Việt ngữ của người Việt. Trước 1975 chuyên viết về biên khảo văn học. Hiện vẫn là thành viên Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn, Giáo sư Viện Việt Học tại California, Hoa Kỳ. Bây giờ, anh chú tâm sưu tập tuồng, hát bội, tác phẩm bằng tiếng Nôm chưa từng được chú thích từ các thư viện lớn trên thế giới để giới thiệu và bảo tồn.

Anh đến với chúng tôi với một con người dung dị, dễ gần gũi và thêm một chút tinh thần u mặc, và đúng như Giáo sư Đàm Trung Pháp đã từng viết:

“Anh là một nhà văn gốc nhà giáo có một tâm hồn hướng thượng, một trái tim nhân ái, một ước vọng chấn hưng đạo đức trong một quê hương đang băng hoại về lối sống; do đó, mỗi truyện của anh là một bài ngụ ngôn thấm thía”.

Đọc những truyện ngắn của ông, dẫu không dài, nhưng luôn khiến người đọc không thể không nhận ra nét riêng đặc tả những chi tiết sự việc: “Đi qua một lò làm bánh tráng, làm bún mùi chua nồng vậy mà còn dễ thở hơn đi ngang qua chỗ làm lạp xưởng, hay làm đồ lòng, ở đây ruồi vô số và mùi thịt thúi bay dính vô quần áo đi xa cả cây số mùi vẫn còn phưởng phất, ác nhứt là mùi thứ nước màu đỏ đỏ họ dùng để tẩm ướp thịt, nghe như mùi sơn ở cái trại hòm, làm mình liên tưởng đến mùi người chết để qua ngày hòm bị xì. Đi qua chỗ làm nước tương thì còn ghê hơn, thùng bọng chất tràn đầy ra tới sân, chất đen ngòm đó được sang qua sớt lại, được vô chai vô thùng, thường là không bao giờ được rửa cẩn thận hay khử trùng, tẩy uế, giòi bọ đầy đất.” (NVS, Quê hương vụn vỡ)

Tôi chợt liên tưởng đến nhà văn Mikhail Aleksandrovich Sholokhov miêu tả cảnh giằng co con ngỗng giữa một nông dân và viên chức chính quyền trong cuộc cách mạng tư sản Nga, hình ảnh cổ con ngỗng bị đứt lìa do sự giằng co ấy luôn ám ảnh mỗi khi tôi nhớ đến quyển Đất vỡ hoang của Sholokhov.

“NVS không phí phạm nước miếng rao giảng như các linh mục nhưng ông dùng ngòi bút của ông để kêu gọi, thách đố người ta sống theo luật công bằng, đừng gian lận của ai. Nếu vì lòng tham mà chiếm đoạt của người khác những gì không thuộc về mình thì phải có trách nhiệm mà đền bù lại cho họ. “Ăn bánh trả tiền” là tinh thần sống công bằng trong xã hội và cuộc đời cá nhân. Ông kể chuyện hồi nhỏ mẹ ông cho tiền để mỗi sáng ăn quà khi đi học. Một hôm ông đang ngồi ăn xôi thì bà bán xôi bị phú-lít rượt chạy chưa kịp thâu tiền. Ngày hôm sau ông đến ăn xôi rồi trả tiền bà gấp đôi để bù lại cho ngày hôm qua. Bà bán xôi cảm động nói trong số bao nhiêu người ăn xôi của bà ngày hôm qua, chỉ có ông là không thừa cơ hội ăn quịt của bà. Bà ta tiên đoán rằng sau này ông sẽ trở nên người” (Nguyễn Tuấn Huy, Văn dĩ tải đạo và Nguyễn Văn Sâm)

Và đúng như thế, Nguyễn Văn Sâm đã tải đạo từ khi anh làm người, từng chút, từng chút trong thái độ sống với mình, với tha nhân anh đều cẩn trọng như nhau.

Ngày 12 tết năm nay, năm Quý Mão, chúng tôi lại gặp anh chị Nguyễn văn Sâm và chị Trần Ngọc Ánh dịp tân niên trong không gian 12 mét vuông của tòa soạn Quán Văn. Mười sáu người sát vai nhau trong không gian chật hẹp nhưng lồng lộng tiếng cười. Anh chị vui vẻ giải bày cùng chúng tôi về mối lương duyên thầy trò này. Tôi lắng lòng nghe và bỗng thấy ấm áp một tình người. Lại thêm một cái dũng của người trí. Chị Ngọc Ánh cũng là một người đam mê văn chương, nhưng cũng chính từ chuyện này làm lụy chị suốt một thời gian dài. Nỗi canh cánh của người Thầy về một tương lai mịt mờ đã thấy trong người học trò năm nào. Anh ra đi nhưng luôn dõi bước. Khi thì nghe chị đã mất rồi. Khi thì nghe chị trở về, anh vui mừng trong lòng lo. Mười mấy năm là cả một khoảng dài chị long đong thế sự. Anh quyết định giải quyết rốt ráo. Làm giấy tờ chính thức cùng chị se tơ đi cùng anh. Từ nay chị sẽ sóng lặng gió êm và anh không còn lo lắng điều không thể nghĩ. Tôi tình cờ đọc được hai bài thơ của hai người viết về nhau. Trong ngày sinh nhật 81 của anh, chị Ngọc Ánh viết:

“Mừng Sinh nhật
Cây cổ thụ lâu nay vẫn còn sức
Thầy Đồ Sâm vẫn thức với thời gian
Tám mươi mốt năm tay bút vững vàng
Cố giữ chút hương ngàn Văn Hóa Việt”

(Trần Ngọc Ánh 21/3/2021)

Và anh, ngày Tình Nhân:

“Người nửa đời mới gặp
Cứu hắn khỏi sa đà.
Tôi là hòn đất khô,
Chưa định hình, còn thô.
(NVS, Bài thơ ngày Tình Nhân năm Tân Sửu)”

Anh vẫn luôn một tinh thần u mặc, dẫu tương kính như tân.

Bây giờ hai anh chị song đôi cùng nhau đi lục tung từng thư viện Âu Mỹ để đốt lò hương ấy se tơ phím này. Trong tất cả những trang dịch văn Nôm đều có bàn tay góp sức của chị. Chị luôn đảm nhận phần chụp lại từng trang chữ để lưu giữ cho mai sau. Anh Sâm khiêm tốn nói:

“Thưa phải nói cho đúng là tôi không có tác phẩm Nôm nào, tôi chỉ làm việc phiên âm, nghĩa là dịch từ tác phẩm Nôm của ông bà mình ra chữ quốc ngữ mà thôi. Ông bà mình ngày xưa viết gì quan trọng thì dùng chữ Hán,viết gì có tính chất tình cảm, truyện cho dân chúng thưởng thức thì viết bằng chữ Nôm, nếu ta không dịch ra quốc ngữ thì thấy đời sống văn hóa của Việt Nam thiệt nghèo nàn, nếu dịch ra hết thì thấy rằng không nghèo nàn chút nào. Trường hợp Đoạn Trường Tân Thanh, Chinh Phụ Ngâm, Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên là những thí dụ. Nếu không dịch ra thì ai mấy đã biết các tác phẩm trên! Nhưng vấn đề là còn nữa mà người trước chưa dịch hết. Và tôi là mò mẫm làm chuyện dịch đó, được bao nhiêu hay bấy nhiêu vậy thôi.” .( NVS trả lời phỏng vấn của Triều Hoa Đại)

Bí quyết thành công của một người có nhân cách gồm đủ Nhân Trí Dũng ấy là gì. Đơn giản thôi, nhưng cũng khó vô cùng:

“Năm 11 tuổi (1951) cha tôi mất, hai người cô đem tôi về nuôi ở một cái quán trà Huế nhỏ ọp ẹp của hai cô trong Chợ Cháy Cầu Ông Lãnh vì mẹ không thể nuôi nổi ba anh em tôi, người anh lớn thì đã được nuôi trước rồi. Nhờ vậy tôi được đi học. Biết thân phận nghèo mồ côi, tôi ráng học, chỉ 8 năm (1951-1959) tôi từ là đứa học trò lớp Ba đã xong Tú Tài 2. Từ đó học xong Đại Học và được thầy mình, LM Thanh Lãng đề bạt về làm Phụ Khảo môn Văn Chương Việt Nam ở trường Đại Học Văn Khoa Sài gòn từ năm 1968 cho tới ngày tháng 04- 75 tan hoang.( NVS trả lời phỏng vấn của Triều Hoa Đại)”.

Cám ơn đời đã cho tôi gặp anh chị, một cặp uyên ương liền cánh luôn đau đáu nỗi đời. Cái đoạn dài mười một năm khổ nạn của chị đã được đời không phụ. Thế gian nào được bao người.