Về một lời hứa nửa thế kỷ trước

Nguyễn Văn Sâm

Hình trên là ông Nguyễn Chánh Sắt. Nguyễn Chánh Sắt là một nhà văn Miền Nam đầu thế kỷ 20 không những đã viết nhiều tiểu thuyết mà dịch truyện Tàu cũng lắm. Đó là người viết mạnh, có mặt một thời gian dài trên văn đàn đồng thời với các ông Trần Phong Sắc, Lê Hoằng Mưu, Đặng Lễ Nghi, Nam Đình, Việt Đông, Sơn Vương, Bửu Đình, Cử Hoành Sơn v.v…

Trước đây khi dạy năm thứ Nhất ban Văn Chương tại Viện Đại Học Cao Đài, (1971-72), tôi có giới thiệu về công trình của nhà văn Nguyễn Chánh Sắt qua cuốn Nghĩa Hiệp Phong Nguyệt sau khi mua được bộ nầy ở một nhà bán sách cũ trên đường Trần Quý Cáp. Về sau, theo sự gợi ý của một sinh viên, tôi quyết định là mình sẽ đi Tân Châu khi có dịp với hi vọng tìm được thêm tài liệu gì về nhà văn nầy. Năm 1972, tôi đến chợ Tân Châu, hỏi qua lại nhiều người, không một ai biết gì về nhà văn Nguyễn Chánh Sắt, cuối cùng có một ông cụ chỉ rằng nên hỏi ông giáo Nguyễn Văn Kiềm, tác giả cuốn Tân Châu may ra. Cũng nên nói thêm rằng Tân Châu là một cuốn địa phương chí rất đầy đủ, chính xác, có giá trị cao hơn những cuốn thuộc loại nầy của tác giả Huỳnh Minh.

Hai tiếng may ra của cụ già khiến tôi nhớ lại cuốn sách quí của ông giáo Kiềm. Nhà của ông không khó kiếm, cũng gần chợ thôi. Coi bộ khá, nền đắp xi măng cao, lót gạch bông láng, trước hàng hiên treo hai ba lồng cu sơn màu gụ, trong mỗi lồng đều có một con coi bộ liến thoắng đúng là chim mồi. Khách tán với chủ nhà về nỗi khổ của người gác cu – theo những gì thầy Vương Hồng Sển nói trong cả hai lớp Dự Bị Việt và chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm ngày trước. Hai bên tương đắc về một trong bốn cái ngu của một thời đại đã qua, bây giờ rơi rót còn chăng là một chút ít: gác cu, cầm chầu. Sau cùng chủ nhân cho người nhà dẫn khách ra chợ, giới thiệu với một người cháu gái của ông Nguyễn Chánh Sắt. Bà nầy hiện có hình cậu Nguyễn Chánh Sắt của mình để thờ trên bàn thờ nhỏ của gia đình. Bà bác nầy đâu cũng gấp đôi tuổi khách lúc đó thế mà câu nào cũng vui vẻ dạ thưa. Bà buôn bán vặt trong chợ Tân Châu, lúc đó cũng đã hơi trời chiều, người mua vắng, gian hàng chỉ là một cái sạp nhỏ bằng bộ ván ngựa trong nhà bình thường, trên cao treo năm ba quày chuối, mặt sập bày đâu độ chục nải và chừng chục trái thơm. Cảnh buôn bán và cách ăn mặc coi bộ thanh bần, đủ ăn là may. Khi khách xưng mình đương là giáo sư thỉnh giảng của trường Đại Học Hòa Hảo từ Long Xuyên tới Tân Châu mong tìm di tích của ông Nguyễn Chánh Sắt thì được bà ưu ái hỏi khách có thể nhận và gìn giữ cái hình duy nhất của ông Nguyễn Chánh Sắt, cậu mình, mà nhà bà đương thờ hay không? Bà nhấn mạnh, bởi vì ở đây heo hút không có tiệm chuyên môn về hình để sang lại. Qua câu chuyện, bà nói thêm rằng mình nghèo lại chẳng con cái, khi chết rồi sợ hình cậu mình lưu lạc, không tốt, tội cho người quá cố đã có một thời làm rạng danh đất Tân Châu. Khách đồng ý, hai bên đều mừng. Bà kêu khách đứng đợi, bà chạy về nhà đem bức hình qua. Ảnh lớn đâu độ bằng trang sách, trắng đen, hình chụp chứ không phải họa như phần nhiều ảnh thờ thời nầy.

Khách hai tay nâng lấy, trân trọng đem hình ông nhà văn mà mình mến yêu - qua công trình của ông - về tuốt trên Sàigòn coi như báu vật.

Lời hứa với bà chị vô danh kia coi nhẹ nhàng vậy mà người hứa đã không thực hiện được. Bốn năm tiếp kế, chạy theo công việc của mình khiến quên tuốt đi lời hứa đại hứa đùa trước kia, một phần cũng vì chưa tìm được thêm tác phẩm gì mới của tác giả nầy để có điều viết. Mỗi khi vô tình giở cuốn sách nào đó chợt thấy tấm hình kia thì dường như người trong ảnh nheo mắt chọc ghẹo: Bận bịu quá phải không? Thiếu tài liệu phải không? Cũng thèn thẹn thở dài với lý do nầy nọ tự an ủi.

Rồi thì hồng thủy cuộn cuồng tràn ngập quê hương, cuốn anh ta trôi ra khỏi giảng đường Đại Học, phải xa lìa bảng đen phấn trắng làm kẻ thất phu trong thiên hạ thất chí trơ mắt nhìn đời, xoáy mòn thân thể mình mỗi ngày bằng những bữa cơm cho có đầy bao tử nhưng thiếu thốn chất dinh dưỡng! Thêm vài năm làm kẻ dại khờ của thế kỷ, cuối cùng không thể sống được, bèn hóa thân làm cột đèn điện để làm Kon Tiki Việt Nam khốn khổ vượt biển trên chiếc ghe cui nhỏ hí chuyên đi đường sông. May mà thoát được đến nơi an toàn. Cơm áo gạo tiền nơi đất khách phải mất vài ba chục năm mới tìm được cái ảnh khác của nhà văn mà mình đã làm mất tấm hình thờ của ông ngày trước. Hôm nay gặp lại hình ông, rất hiếm, trên mạng của Thư Viện Pháp bèn nghĩ rằng mình nên viết gì đó về một vài cuốn sách mỏng của ông mà chưa từng được giới thiệu như một lời tạ lỗi muộn màng của kẻ hậu bối, của một người từ lâu người thán phục sự dấn thân toàn bộ cho văn chương chữ nghĩa của ông hơn một thế kỷ trước. Cụ Nguyễn Chánh Sắt, mong là cụ không giận. Ở đời lắm khi một sự kiện nhỏ, coi bộ dễ thực hiện vậy mà cả nửa thế kỷ sau mới làm được.

Tạm nhìn vài tác phẩm của Nguyễn Chánh Sắt.

Thời đầu thế kỷ 20 những tác giả xuất hiện thường viết nhiều, nhà nghiên cứu văn học dầu viết về tác giả nào nguyên một quyển sách còn thấy chưa đủ huống chi chỉ viết vài ba trang đăng lên fb của mình! Thôi thì…

Nay trong lúc nhàn rỗi do bị bó chưn bó cẳng không đi đâu xa được, xin chấp bút chỉ nói về vài ba tác phẩm ít người biết của ông, không nói về các truyện Tàu do ông dịch, quá nhiều, nếu có thì xin dịp khác.

1. Tam Tự Kinh.



Nguyễn Chánh Sắt dịch cuốn Tam Tự Kinh theo cách của một thầy giáo. Ông cho in lại từng đoạn chữ Hán đầu tiên là phiên âm, rối cắt nghĩa thường theo từng câu (ông gọi là nghĩa vai), chót là cắt nghĩa rộng (ông kếu là cắt nghĩa xuôi), khiến người đọc hiểu hơn nhiều về những gì nguyên bản đưa ra dầu mình có kiến thức về chữ Nho hay không. Tôi nghĩ là thời trước, khi quyển nầy còn thạnh hành chắc chắn phải có nhiều thầy giáo đã đem ra dạy học trò. Dĩ nhiên nội dung cuốn Tam Tự Kinh đã góp phần thuần lương cho những ai đọc và nghe giảng về nó. Ở đâu đó tôi nói dân Nam Kỳ Lục tỉnh ngày trước dễ thương, hiền hòa cũng là nhờ những cuốn sách tương tợ. Công của Nguyễn Chánh Sắt là đây, đã phổ biến một cuốn sách luân lý sâu xa tới người Việt Nam. Tam Tự Kinh từng là quyển sách gối đầu cho người Tàu để học về những vấn đề nhơn nghĩa, ở ăn phải đạo. Đầu thế kỷ 20, khi vị thế cai trị của người Pháp ở Việt Nam đã ổn định, không thể viết về những vấn đề cách mạng, nổi dậy, Nguyễn Chánh Sắt giới thiệu Tam Tự Kinh nghĩ cũng là một sự hợp lý.

2. Gái Trả Thù Cha.



Ông Nguyễn Chánh Sắt năm nào đó cách nay hơn thế kỷ, được coi hát bóng - chắc là chiếu ở Sàigòn - ông thích nội dung của tuồng và quyết tâm mô phỏng để hoàn thành bộ truyện viết theo phim mà ông kêu là ký thuật: Gái Trả Thù Cha năm 1920. Viết theo phim ông kêu là dịch sách không chữ. Theo quảng cáo thì Gái Trả Thù Cha sẽ gồm 3 tập, hiện nay Thư Viện Pháp ở Paris mới công bố cuốn đầu mà thôi, không biết họ không có 2 quyển sau hay là công việc số hóa chưa tới hai cuốn nầy.

Vì là tác phẩm mô phỏng một cuốn phim trinh thám nên chuyện nhiều tình tiết ly kỳ, điều đáng nói là văn của Nguyễn Chánh Sắt hấp dẫn, rõ ràng. Nếu ông không nói với độc giả, nếu ông không dùng những tên nhân vật đọc trại ra từ âm đọc Âu Mỹ, chúng ta có thể nghĩ rằng đây là một tác phẩm tưởng tượng của chính ông. Có thể nói Nguyễn Chánh Sắt là người đầu tiên khai thác truyện từ phim ảnh Âu Mỹ…

Đọc lời tựa của công trình ký thuật nầy ta sẽ hiểu tấm lòng của ông với người chung quanh: coi hát bóng rồi không thể để chuyện mình coi trở thành chuyện không có ích gì cho ai, bèn viết ra. Điều nầy sở dĩ thành vấn đề vì lúc đó phim ảnh chỉ mới phôi thai, phim đến được Sàigòn chắc chắn không nhiều, người Việt Nam được coi hẳn là rất ít. Và lúc đó cũng không có chuyện phụ đề Việt Ngữ, thuyết minh hay lồng tiếng…

Cũng nên nói là truyện Gái Trả Thù Cha là truyện một cô gái chí hiếu vào sanh ra tử, đem tài trí của mình để vạch mặt những kẻ tham lam đã hãm hại cha mình để đoạt gia tài, nghĩa là một truyện có tính cách luân lý, xiển dương lòng hiếu hạnh, đáng làm gương.

Những cuốn tiểu thuyết thiệt sự do ông viết như Lòng Người Nham Hiểm, Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên, Tài Mệnh Tương Đố đều là những tác phẩm ăn khách và đề cao lòng tiết nghĩa, trung trực, thấy chuyện bất bình thì dấn thân cứu giúp…

Gần đó lại có quan phủ đương quyền, tên là Từ thế Anh, ngồi chủ quận tại đó, vợ là Nguyễn thị, sanh được một gái, tên là Từ Mộ Trinh, mới 18 tuổi mà hình dung yểu điệu, cốt cách phương phi, gương mặt chữ điền, chơn mày vòng nguyệt, gót chơn cô đỏ như thoa son, ngón tay cô tròn như roi trống, cổ cô đã nhỏ, vai lại có xuôi: hàm răng của cô đều đặn như cưa, gò má của cô có núng đồng tiền tròn ủm; càng xem lâu chừng nào thì lại càng thấy cái sắc đẹp của cô như đóa phù dung.

Cô đã có cái vẻ xinh đẹp như thế