Trò chuyện với nhạc sĩ Thanh Sơn

Về Khúc Hát Học Trò và Hình Bóng Quê Nhà…

Trần Văn Chi

 

Cho tới nay đã có ba thế hệ học trò Việt Nam hát những bài nổi tiếng như: Lưu Bút Ngày Xanh, Nỗi Buồn Hoa Phượng, Mùa Hoa Anh Đào của nhạc sĩ Thanh Sơn.

Nói không sợ quá lời rằng không một ai trong chúng ta, những người từng là học sinh, mà không man mác buồn theo câu hát “Mỗi năm tới hè lòng man mác buồn…” Nhứt là mấy bà mấy cô?

Nhưng khi được hỏi có biết tên người nhạc sĩ viết bài hát Nỗi Buồn Hoa Phượng là ai không thì ngập ngừng!  Bởi công chúng và khán giã chỉ nhớ ca sĩ Thanh Tuyền người làm bài nầy nổi tiếng thêm. Không sai, Thanh Tuyền người để lại ấn tượng đối với công chúng qua bài Nỗi Buồn Hoa Phượng.

Điều đó có phải là bất công với các nhac sĩ sáng tác nói chung và cho chính anh không, thưa anh nhạc sĩ Thanh Sơn?

-Đúng vậy- Thanh Sơn chia sẻ, “Nói chung khán giả thường ái mộ ca sĩ, ở đâu cũng thế và thời nào cũng vậy!”

Hạnh phúc thay cho những nhạc sĩ trước năm 1975. Bởi ở hải ngoại còn có vài tổ chức, trong đó có trung tâm băng nhạc Thúy Nga, đã nhiều lần tổ chức vinh danh những nhạc sĩ, trong đó có Lam Phương, Lê Dinh, Trường Sa, Phạm Mạnh Cương, Ngô Thùy Miên, Tuấn Khanh, Mai Châu, Nhật Ngân Từ Công Phụng, Thanh Sơn, vân vân.

Thanh Sơn, viết ca khúc đầu tay Tình Học Sinh, năm 1960,  tới nay anh đã viết hơn 500 ca khúc. Nhạc của Thanh Sơn như có cái gì gắn chặt với tuổi học trò và với quê hương sông Tiền Giang-Hậu Giang nơi anh sanh ra. Dòng nhạc Thanh Sơn- loại nhạc học trò, nhạc quê hương, thuộc bẩm sinh, như cái gì có sẵn trong máu của của Thanh Sơn, khác nào trường hợp nhà văn Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Văn Hầu.

***

Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thiệt là Lê Văn Thiên, sanh năm 1938, gia đình có tới 12 anh chị em, Lê Văn Thiện là người con thứ 10. Tuổi thơ của ông rất cơ cực và phải theo gia đình dọn nhà di chuyển nhiều tỉnh. Thuở nhỏ theo học trường Nam Tiểu Học Sóc Trăng, rồi trung học Phụ Huynh Học Sinh – sau đổi tên là Hoàng Diệu, Sóc Trăng. Anh vốn mê ca hát, và có cơ duyên học nhạc với thầy nhạc Võ Đức Phấn (có vợ Sóc Trăng) , em út của nhạc sĩ Võ Đức Thu.

Vì có máu mê ca hát, và vì gia đình nghèo mà nghiệp sách đèn của Lê Văn Thiện không tới nơi tới chốn: Trợt vỏ chuối hai lần thi Trung Học Đệ Nhứt Cấp. Năm 1955, thầy Phấn dạy nhac qua đời, Thiện bỏ Sóc Trăng lên Sài Gòn kiếm sống, và theo học lớp nhạc của nhạc sĩ Lê Thương. Công việc của ông thời đó là chép và kẻ khung nhạc.

Tại đất Sài Gòn hoa lệ, Lê Văn Thiên sống bằng nghề làm gia nhân cho ông chủ là Giám Đốc Công Ty Dầu Lữa Quốc Gia với đồng lương lúc đó là 150 đồng / tháng, và duyên cũng đưa đẩy  anh đến với nhạc sĩ Lam Phương, người mà anh coi như thần tượng của mình.

Năm 1959 khi Đài Phát Thanh Sài Gòn ra thông cáo tuyển lựa ca sĩ, Lê Văn Thiện ghi tên tham dự với bài hát Chiều Tàn của nhạc sĩ Lam Phương. Thí sinh Lê Văn Thiện sinh ngày 1-5-1938 quê quán Sóc Trăng, nghệ danh Thanh Sơn, đoạt giải nhứt. Lê Văn Thiện nhớ mãi giải thưởng anh nhận được là một chiếc radio và cây đàn guitare. Ban giám khảo gồm các nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Võ Đức Thu, Nghiêm Phú Phi. Chánh chủ khảo là nhạc sĩ Thẩm Oánh.

Từ đó, Thanh Sơn dấn thân vào nghiệp ca sĩ, khởi đầu đi hát trong ban nhạc Tiếng tơ đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng và hát cho Đài Phát Thanh Sài Gòn.

Lương ca sĩ lúc đó có khá không anh?

- Ngon lắm chớ khá gì. Tôi hát cho ba Ban trong đài, lãnh tiền theo từng bài, cộng lại tới 6,000/tháng, trong khi lương công chức lúc đó có 1,800 thôi.

Người thầy dẫn dắt anh là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, bấy giờ Hoàng Thi Thơ là trưởng Đoàn Văn Nghệ Việt Nam. Năm 1962 Thanh Sơn cho ra bài Lưu Bút Ngày Xanh, được công chúng hoan nghinh.

Năm sau, năm 1963, Thanh Sơn bỏ hẳn nghiệp ca hát để chuyển sang sáng tác chuyên nghiệp. Riêng về bài hát học trò, tới nay anh đã viết có hơn 200 bài. Với Thanh Sơn, đó là thời gian rất đẹp. Thanh Sơn viết về học trò như viết cho chính mính, viết

để nuối tiếc thời thơ ấu, vì nhà nghèo phải bỏ học! Nổi tiếng nhất trong đề tài áo trắng của ông là các ca khúc: Tình học sinh, Ba tháng tạ từ, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn và nhứt là Nỗi buồn hoa phượng.

Thanh Sơn đã viết khoảng gần 500 bài với rất nhiều bài nổi tiếng. Nhạc của ông mang đậm nét Miền Nam, chứa đựng trong đó đầy tình yêu và tâm huyết với quê hương, với kỷ niệm học đường. Gia tài ca khúc của Thanh Sơn- hơn 500 bài hát, 2/3 trong đó là những ca khúc viết về quê hương, về con người Sông Tiền Sông Hậu. Những tác phẩm của Thanh Sơn đã góp phần quan trọng cho nền Âm nhạc Việt Nam. 

Kể về cuộc tình thật đẹp làm nên chất liệu da diết cho ca Nỗi buồn hoa phượng, Thanh Sơn nói: “Tôi tìm thấy cảm xúc bởi sắc màu đỏ thắm của hoa phượng mỗi khi hè về. Bài hát này tôi viết về một cuộc tình học sinh rất đẹp. Lời chia tay của cô bạn gái cùng trường đã khiến tôi xao xuyến, bâng khuâng. Dường như màu hoa phượng như những giọt máu đỏ tươi minh chứng một cuộc tình chung thủy”.

Lời ca của Thanh Sơn: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương. Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, phút gần gũi nhau mất rồi, tạ từ là hết người ơi”; Cũng như lời ca của Anh Việt Thu  "Dòng An Giang sông sâu nước biếc, dòng An Giang cây xanh là thắm, lã lướt về qua Thất Sơn…. Dòng An Giang đáy nước in sâu, nhịp cầu tre ngắm bóng say sưa, nắng vẫn chiếu trên làn nước nhấp nhô…

Đây những người thôn nữ xinh duyên dáng chuyền tay dắt nhau múc mấy vầng trăng đổ đi…"; Và như lời ca của Y Vân:“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào, Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bong, Mẹ yêu….”

Lời ca và giai điệu đơn sơ, chơn thật của bài Nỗi buồn hoa phượng khác nào bài Dòng An Giang, bài Lòng Me cho đến bây giờ vẫn làm hàng triệu trái tim người Việt Nam chúng ta xao xuyến… và không gì thay thế được.

 ***

Từ những ca khúc học trò, Thanh Sơn đưa dòng nhạc mình về với thể loại ca ngợi quê hương, mang âm sắc ngôn ngữ sông Tiền sông Hậu và nhạc ngũ cung, đặc trưng cổ nhạc cải lương miền Nam(1). Nhạc của Thanh Sơn -  nhạc học trò hay nhạc quê hương, có những bài chỉ một lần nghe qua, chúng ta như bị “hốt hồn”!

Tại sao vậy?  Bởi nó vừa trữ tình vừa mộc mạc nhưng lại sâu sắc và gợi nhớ biết bao. Như bài: Hành trình trên đất phù sa , Hương tóc mạ non, Hồn quê, Tình trăng lúa, Giấc ngủ đầu nôi, Hoài cổ, Tình em Tháp Mười, Hoa tím người xưa, Em bỏ dòng sông, Yêu dấu Hà Tiên, Quê hương ba miền, Chiều mưa xứ dừa...

Trò chuyện với nhạc sĩ Thanh Sơn, nhơn anh thăm Huê Kỳ (2), gợi lại trong tôi bao kỹ niệm đẹp và đáng yêu biết mấy. Nói chuyện với Thanh Sơn khiến tôi nhớ về Gò Công quê tôi, nhớ câu hò tiếng hát, nhớ tiếng ai ru con. Tất cả nay như đã mất rồi!

Thanh Sơn sinh quán tại Sóc Trăng trú phú mà dân tình thật giản dị. Giản dị như lối đi dưới hàng dừa, như chiếc ghe cột hờ bên bờ kinh, như cây cầu khỉ bắc ngang con sông nhỏ, như chuyến ngựa xe đưa ta về nhà, như bài ca vọng cổ… Giản dị như con người Thanh Sơn vậy.

Nhưng chính cái giản dị ấy lại có sức mạnh xóay sâu vào lòng, làm cho ky ức của chúng ta như sống dậy, đôi khi ngậm ngùi đến nhỏ lệ… dầu chúng ta ở tuổi nào, đang sống ở đâu. Và phải chăng dó là lý do làm cho nhạc của Thanh Sơn sống mãi và tên tuổi nhạc sĩ Thanh Sơn sống mãi? 

Ngày 14 tháng 10 năm 2008

tranvannamson@gmail.com

--------

(1) Một số sáng tác sau nầy của Thanh Sơn được nhiều người yêu thích: 

Áo mới Cà Mau

Gợi Nhớ Quê Hương
Áo trắng Gò Công
Ba tháng tạ từ
Bài ca dao đầu đời
Chiều mưa xứ dừa
Chúc xuân
Chuyện tình đồi thông hai mộ
Chuyện tình hoa bướm
Chuyện tình hoa lưu ly
Chuyện tình hoa Mimosa
Đêm cuối
Đoản ca xuân
Đôi lời với Huế
Em về qua bến Bắc
Giấc ngủ đầu nôi
Hành trình trên đất phù sa
Hoài công (Công tử Bạc Liêu)

Vân vân…

(2) Trung Tâm Thúy Nga có tổ chức CHIỀU NHẠC THANH SƠN, HÌNH BÓNG QUÊ NHÀ để vinh danh nhạc sĩ Thanh Sơn, vào lúc 5 giờ chiều Chủ Nhựt 19 tháng 10 năm 2008 tại nhà hàng Seafood Kinggom.