Phn II – Gia đình và học đưng

 

BÀ RU CHÁU

 

Trưa mùa hè, trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Trong nhà, ngoài ngỏ, vẳng vẻ, tĩnh mịch. Ở một chái bên, bà ôm cháu vào lòng. Hai bà cháu nằm trên cái võng, đưa đi đưa lại, tiếng kêu kẻo cà, kẻo kẹt, theo một điệu”.

Mở đầu bài: Bà ru cháutác giả tả cảnh trưa hè ở quê nhà ngày xưa, một cảnh êm đềm và gợi nhớ làm sao!  Đọc lại cái cảnh trưa hè ở quê chắc làm nhiều người trong chúng ta bồi hồi nhớ lại cái thời thơ ấu, đặc biệt đối với ai đã từng sống trong hoàn cảnh ấy thời còn bé nhỏ.

Trưa hè, nắng chang chang, ngoài đường không một ngọn gió, cây cối đứng im, ngoài ngỏ không một bóng người, cái cảnh thật quen thuộc.

Hồi đó ở nhà quê, trước nhà, người ta thường để một lu nước, cho người qua đường giải khát vào mùa nắng. Lỡ đường khách dừng chân, uống một gáo nước mưa, thì không gì đã cho bằng.

Hình ảnh cái lu nước, đậy nắp cẩn thận, bên cạnh có máng cái gáo dừa nhỏ, có cán, đặc chế để uống nước ở nhà quê nay ít còn thấy nữa !

Không biết ai có sáng kiến đó, mà ở làng quê Lục Tỉnh đâu đâu cũng có để lu nước trước nhà, kiểu cách bố trí giống nhau.

Còn cái võng, có thể nói rằng là vật dụng mà người Việt mình nhà nào cũng có. Không biết nó phát sanh hồi nào, mà cái võng gắn liền với đời sống chúng ta như là cái gì cao quý vượt ra khỏi chức năng của nó là dùng để nằm nghỉ lưng.

Chiếc võng gắn liền với tuổi thơ, người già, đàn ông, đàn bà và nhứt là các cô gái quê.

Cái cảm giác nằm trong võng, đong đưa, đọc sách, ngâm thơ, ru em... quả là kỳ diệu và không một ai không ưa, không thích.

Ngày xưa, vua quan ta cũng ưa võng: Vua thì nằm võng đào, quan thì nằm võng có cáng được người khiêng, học trò đỗ đạt thì võng anh đi trước, võng nàng theo sau ... Đi trước mở đường cho cái võng anh hoặc võng nàngvà nhứt là võng quan phủthì có cả đoàn tùy tùng, hò hét cho dân tránh ra. Lính đó trong Nam gọi là lính nạt đường.

Võng cũng xông pha theo quân Tây Sơn đánh giặc, tải thương, hoặc đưa người bịnh đi ra tỉnh tìm thầy thuốc ...

Võng được cột vào hai cột nhà, dưới võng thường được lót manh chiếu, miếng đệm rách để tránh hơi thổxông lên làm ảnh hưởng sức khỏe người trên võng.

Có người còn treo võng ngay trên giường ngủ của gia đình, hoặc treo trên bộ ván cho tiện.

Nói qua về vật liệu làm võng ở quê miền Nam ngày xưa.

Thuở xưa võng bằng lác là loại võng bình dân, khá hơn là võng bằng u du xài bền, và tốt nhứt là võng bằng bố, vừa chắc vừa không có rệp.

Đầu võng được làm tóm lại có lổ để xỏ khúc tre gọi là con găng, con găng máng vào dây, quấn ở cột nhà gọi là giăng võng, ở Bắc gọi là bắt võng.

Khi đưa võng, tiếng dây cọ xáïc vào cột nhà phát ra tiếng kêu quen thuộc  kẻo kè, kẻo kẹt.  Sau này dùng võng nylon, nằm rất nóng, đong đưa không có tiếng kêu, làm mất cái thú nằm võng!

Người xưa mua võng hay đếm coi võng đan có nhiêu tau (mấy sợi võng), và tránh con số kỵ, để dễ nuôi con, nuôi cháu.

Mùa hè nóng nực, trong Nam thường giăng võng ngoài vườn, dưới bóng cây, ngủ một giấc thì tuyệt không gì bằng.

Quốc Văn Giáo Khoa Thư tả hai bà cháu nằm võng ở bên cái chái nhà, vừa mát vừa nhìn được cảnh vật bên ngoài rất phổ biến ở nơi thôn quê.

Cái nhà xưa ở Lục Tỉnh đa phần là nhà lá, cất theo hình chữ Đinh; nhà trên liền nhà dưới. Nhà nào cũng có hiên trước, hiên sau thậm chí hiên hai bên tả -hữu; có công dụng che mưa, nắng, không tạc vào nhà, và mái hiên hai bên cũng dùng để chứa nông cụ, dụng cụ gia đình như lu, khạp, cối xay, cối giã gạo, cối xay bột, cày bừa . . .

Quốc Văn Giáo Khoa Thư viết tiếp theo: Bà cất tiếng hát, bà ru :

Cái ngủ mầy ngủ cho lâu,

Mẹ mầy đi cấy ruộng sâu chưa về.

Cháu nghe êm tai, ra chừng thiu thiu ngủ, mà bà cũng ra dáng lim dim hai con mắt ...

Ừ, cái ngủ mầy ngủ cho say,

Mẹ mầy vất vả chân tay tối ngày.

Không ai dạy ai, thế mà các bà mẹ Việt mình xưa ai cũng thuộc rất nhiều bài hát ru con. Các bà mẹ hát theo tiếng kẻo kẹtchiếc võng, hết câu nầy tới câu khác, có vần có điệu lên xuống ...    như là nghệ nhân.

Trẻ con hồi bé đã có bộ nhớ trong đầu nên bắt được tiếng hát, tiếng nói của người lớn, khi nghe tiếng ru thì im lặng, lim dim, nhắm mắt, thả hồn dần vào giấc ngủ.

Ở Mỹ, nay thấy các bà mẹ trẻ ru con bằng tiếng nhạc , loại nhạc nhẹ, phát ra từ cái cassette để trên đầu giường các đứa bé.

Xin nhắc lại mấy câu hát ru con xứ Đồng Nai -Sài Gòn- Lục Tỉnh ngày xưa:

-Nhà Bè nước chảy chia hai,

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Tới đây xứ sở lạ lùng,

Con chim kêu cũng sợ, con cá vẩy vùng phải kinh.

- Ghe anh đỏ mũi, trảng lườn,

Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em.

- Gió đưa, gió đẩy về rẫy ăn cồng,

Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa.

-Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi.

-Đố anh con rít mấy chân,

Cầu Ô (tàu u) mấy nhịp, chợ Dinh mấy người.

Chợ Dinh bán áo con trai,

Chợ Trong bán chỉ, chợ Ngoài bán kim (tơ).

-Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi,

Buốn bán không lời, chèo chống mỏi mê.

-Đèn treo cột đáy

Nước chảy đèn rung.

Anh thương em thắm thiết vô cùng,

Biết cha với mẹ bằng lòng hay không?

-Mẹ mong gả thiếp về vườn

Ăn bông bí luộc , dưa hường nấu canh !

-Lập vườn thì phải khai mươn

Làm trai hai vợ phải thương cho đồng.

-Anh đi chở gạo Gò Công

Về vàm Bao Ngược gió giông đứt buồm !.

Những câu hát ru em miền Nam thường theo thơ lục bát, nhưng cũng có lúc biến thể như điệu hò đối đáp Lục Tỉnh.

Ngoài nội dung nói lên tình trai gái lứa đôi; hát ru còn nói lên nổi cơ cực của người dân và nhứt là thân phận phụ nữ bấy giờ.

Người phụ nữ, các bà mẹ Việt Nam ngoài việc sanh con nối dòng cho chồng, còn phải lo mọi việc cơm nước, và may vá cho gia đình.

Việc đồng án cũng có mặt người phụ nữ nữa. Họ làm một số công việc nhẹ hơn đàn ông; nào là làm cỏ. cấy lúa, gặt lúa bên cạnh người đàn ông, một nắng hai sương.

Cái cảnh người phụ nữ cấy lúa, gặt lúa ngoài đồng luôn là hình ảnh thường được thấy mô tả trong sách, trong truyện, trong tranh.

Ở Lục Tỉnh, trừ vùng ngập nước Đồng Tháp, các nơi khác, ở đâu cũng dùng kỹ thuật cấy. Trong Nam không ai gọi là thợ cấy mà kêu là công cấy, công mạ, công cày...

Cấy là giai đoạn đưa cây mạ xuống ruộng đã được cày bừa xong. Bằng tay mặt, người ta dùng cây nọc chọt lỗ ; tay trái tét mấy tép mạ cấm xuống !

Tùy theo giống lúa, người ta cấy dày hay thưa, bắt nhẻ hay bắt to. Lúa sớm thì bắt to, cấy dày; lúa mùa thì bắt nhẻ, cấy thưa.

Cây nọc có hai phần: phần thân nọc giống như trái cái bắp chuối, hình bát giác, phần dưới nhọn, làm bằng gỗ, phần cán nọc làm bằng loại cây nhẹ như cây quau, đâm ngang thân trên nọc như cây thập giá.

Người công cấy giữ gìn cây nọc rất kỷ, ít khi ai cho mượn. Cấy xong rửa sạch người ta vắt sau lưng đi về nhà.

Cái cảnh bà giữ cháu ở nhà để mẹ đi cấy đi làm ruộng là việc bình thường trong sanh hoạt ngày mùa ở nông thôn.

Hồi đó không có sữa bò, người ta cho trẻ con uống nước cơm, nước cháo pha đường, có bà đưa cháu đi xin bú thép, khi mẹ vắng nhà.

Em tôi khát sữa bú tay,

Ai cho bú thép dạ này mang ơn.

Nay đọc lại bài Bà ru cháunhớ lại cái cảnh quê mình ngày xưa quá ! Thuở đó, dân mình ai cũng nghèo, sống lay lất qua ngày, đùm bọc nhau... cứ thế mà trưởng thành . .  .

Trong cái cảnh chung như thế, không ai thấy khổ cả ! Nên những hình ảnh mái tranh, con trâu, cái cày, bà mẹ quê, là cái gì nên thơ, dễ thương để lại trong tâm hồn chúng ta mãi mãi về sau.

Ngày nay đời sống người mình có khá hơn, không còn cái cảnh đưa cháu, đưa con đi bú thép, không còn cảnh bà ru cháu, để mẹ đi cấy đi cày nữa.

Cái ngủ mày ngủ cho lâu,

Mẹ mầy đi cấy ruộng sâu chưa về...

Phải chăng nay thuộc về quá khứ ?

Theo thời gian, cái hay cái đẹp của quê mình chỉ còn lại trong thơ, trong nhạc.

Nhưng dầu sao đi nữa, có còn hơn không?