Bộ sưu tập đồ gốm và những mảnh gốm

trong di tích Cù lao Rùa Tân Uyên, Bình Dương

 

VĂN THỊ THÙY TRANG

 

Bình Dương ngày nay, là vùng đất hình thành và phát triển 310 năm trong tiến trình hình thành và phát triển về phía Nam của đất nước Việt Nam. Vùng đất đã lưu giữ và bảo tồn phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, góp phần quan trọng kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có nghề gốm đã làm nên thương hiệu Bình Dương rạng ngời.

Nhìn về quá khứ, qua tư liệu khảo cổ học, Bình Dương là vùng đất có nền văn hóa cổ gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất Đông Nam bộ, hiện nay đã phát hiện nhiều di tích khảo cổ có giá trị cao, làm phong phú cho nền di sản văn hóa của tỉnh nhà nói chung và khu vực Đông Nam bộ nói riêng. 

Di tích khảo cổ Cù lao Rùa, thuộc xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên, có niên đại 3.500 - 3.000 năm cách ngày nay. Đặc biệt, Cù lao Rùa một di tích có bộ sưu tập về những di vật đồ gốm và những mảnh gốm rất đa dạng và phong phú về chủng loại như: cà ràng, bi gốm, dọi se sợi, gốm tròn, bát bồng, nồi, chậu, đĩa chân cao, tô lớn, âu, hủ... Những mảnh thu nhận được từ các hố khai quật, qua phân loại có 85.901 mảnh gốm, riêng gốm chôn theo mộ táng có 6.791 mảnh. Việc phân loại đã làm rõ những đặc trưng của gốm Cù lao Rùa như: loại hình, kích thước, chất liệu, màu sắc, gốm tô màu, xương gốm và hoa văn trang trí.

Đồ gốm Cù lao Rùa có chất liệu và màu sắc xương gốm phân biệt giữa các màu sắc khá rõ rệt như: xương gốm có màu đen chiếm tỷ lệ 14,29% chủ yếu là loại gốm xốp, trọng lượng nhẹ, thành phần bã thực vật được pha chế nhiều hơn so với các loại khác, sản phẩm đa phần đã bị cháy và bị méo mó; Màu nâu đen chiếm tỷ lệ 57,24% nhiều nhất trong bộ sưu tập mảnh gốm vỡ, chủ yếu là sét pha cát và một ít võ nhuyễn thể nghiền mịn có màu nâu đen, bã thực vật được đưa vào trong thành phần chất liệu tạo phôi gốm, đây cũng là chất liệu của các sản phẩm gia dụng như nồi bình vò có kích thước trung bình; Màu xám đen 8,25% loại gốm này có tỷ lệ sét pha cát thích hợp, nhưng bã thực vật được trộn vào trong xương gốm tương đối nhiều, khi gốm qua nhiệt độ cao thì các bã thực vật cháy làm cho xương gốm có màu xám đen, gốm nhẹ đây là chất liệu của các loại nồi, đĩa và bát bồng chân cao có kích thước nhỏ; Màu nâu đỏ 11,03%; Màu đỏ 4,45%; và màu xám trắng 4,76%.

Sưu tập mảnh gốm thu được trong tầng văn hóa Cù lao Rùa khá đặc biệt với nhiều màu sắc áo gốm (mà sau này trong gốm hiện đại người ta gọi là màu men phủ bên ngoài của xương gốm) khác nhau tạo nên sự đa dạng trong bộ sưu tập. Màu áo có khi tô cả bên trong và bên ngoài như cả hai mặt tô màu đỏ, màu đen, xám đen, xám vàng, nâu đỏ... màu được phủ lên bề mặt gốm làm cho mặt gốm láng và màu sắc gốm đều màu, có những hiện tượng trên mặt gốm được chải những đường cong tròn cách đều nhau thật mịn, khi phủ màu lên tạo nên những vùng đậm nhạt lăn tăn. Hiện tượng này thường thấy trên những chiếc Bát bồng chân cao, các nồi có kích thước lớn.

Bộ sưu tập gốm và những mảnh gốm trong tầng văn hóa của các hố khai quật Cù lao Rùa. Đặc biệt, tìm hiểu về góc độ thẩm mỹ, trình độ kỹ thuật tạo hoa văn trên đồ gốm của người tiền sử Bình Dương, ta thấy có 3 thể loại cơ bản nhất là: văn chải, văn khắc vạch và các đồ án hoa văn trang trí.

Văn chải: đây là loại hoa văn trang trí mang tính truyền thống trong các di tích thời tiền sử Đông Nam bộ, kỹ thuật tạo văn chải bằng cách sử dụng loại que nhiều răng như răng lược chải cắt chéo nhau, văn mịn, nét chải sắc, cấu thành từng mảng xuôi từ trên xuống, thường được trang trí trên bụng và đáy của những dụng cụ đun nấu.

Văn khắc vạch: bằng một dụng cụ khá đơn giản là một que bút nhọn, người thợ gốm khắc lên bề mặt những đường song song nhau, những đường sóng nước trên vai, trên bụng những chiếc bình vò, nồi gốm, trên nền văn chải. Loại hoa văn này mang ý nghĩa kỹ thuật nhiều hơn là nghệ thuật khi được kết hợp với các đồ án hoa văn khắc vạch đơn giản, các tiêu bản gốm trở nên đẹp hơn và đa dạng hơn.

Qua tư liệu nghiên cứu các di tích khảo cổ tiền sử Đông Nam bộ, những sưu tập đồ gốm thu được trong các hố khai quật thì các nhà nghiên cứu khảo cổ có chung một nhận định là: “Gốm khu vực này mang tính thực dụng nhiều hơn chứ không cầu kỳ hoa mỹ như đồ gốm phát hiện được trong các di tích tiền sử khu vực đồng bằng Bắc bộ như Phùng Nguyên, Đồng Đậu... Nhưng qua bộ sưu tập gốm di tích Cù lao Rùa, lần đầu tiên khảo cổ khu vực Đông Nam bộ đã thu được bộ sưu tập gồm nhiều mảnh gốm có các đồ án hoa văn trang trí được chia làm 24 motif khác nhau.

Motif 1 - hoa văn trổ lỗ vuông

Motif 2 - hoa văn hình sin

Motif 3 - hoa văn hình răng cưa

Motif 4 - hoa văn hình chữ S nằm ngang nối tiếp nhau

Motif 5 - hoa văn sóng nước

Motif 6 - hoa văn chấm dãi hình digdag

Motif 7 - hoa văn trổ lỗ

Motif 8 - hoa văn một băng khống chế với một chỉ nổi và chìm

Motif 9 - hoa văn chấm dãi theo chiều dọc

Motif 10 - hoa văn hình thoi

Motif 11 - hoa văn in chấm vỏ sò

Motif 12 - hoa văn trổ lỗ hình dấu phẩy

Motif 13 - hoa văn sóng nước trong khuôn hoa văn hình vành khăn

Motif 14 - hoa văn băng tam giác nối tiếp

Motif 15 - hoa văn đắp nổi

Motif 16 - hoa văn sóng nước trên nền khắc vạch

Motif 17 - hoa văn những đường digdag đối đỉnh

Motif 18 - hoa văn cung tròn với những tam giác

Motif 19 - hoa văn hình những ô bàn cờ không đều nhau

Motif 20 - những hình tam giác vuông có cạnh hông song song

Motif 21 - hoa văn những con số 8 nằm ngang nối nhau

Motif 22 - hoa văn những cung dạng hình bán nguyệt

Motif 23 - hoa văn những vòng tròn xoáy trên ốc đối đỉnh

Motif 24 - hoa văn những cánh chim bay.

Nhìn chung các loại motif hoa văn trên gốm đều có mặt trên các tầng văn hóa di tích, nhưng có hiện tượng đặc biệt là các motif hoa văn mang tính mỹ thuật cao đều giảm dần về số lượng. Các motif hoa văn của lớp trên cũng giảm dần độ phức tạp kể cả những loại văn đơn giản như khắc vạch, văn chải có vẻ nhuyễn hơn những nét vẽ mờ và không sắc sảo, tinh tế như các lớp dưới.

Bên cạnh sự thoái hóa về motif hoa văn còn có kiểu dáng, chủng loại màu sắc. Từ lớp 4 trở lên các loại gốm được tô màu đỏ tươi, còn lại với một tỷ lệ rất thấp, việc miết láng bề mặt gốm cũng không còn chú trọng như gốm phát hiện được ở giai đoạn sớm. Độ dày xương gốm, độ cứng cũng giảm dần. Lý giải sự thay đổi này có thể nhiều nguyên nhân như sản phẩm có thể không được mang đi trao đổi với các cộng đồng cư dân lân cận do họ đã làm chủ được kỹ thuật sản xuất hoặc chú trọng những sản phẩm sản xuất ưu việt hơn như đồ đồng trong thời đại kim khí hoặc cộng đồng cư dân tăng dân số trong giai đoạn này, nhu cầu sử dụng cũng tăng theo, do đó sản phẩm làm ra cũng nhanh hơn, các công đoạn cấu tạo sản phẩm cũng giảm đi và thời gian cho một sản phẩm cũng sẽ ngắn hơn.

Trong bộ sưu tập gốm di tích Cù lao Rùa còn có rất nhiều mảnh gốm màu như: có màu đỏ trên cả hai mặt, có mặt ngoài đen mặt trong có màu đỏ tươi, có nàu nâu đen ở mặt ngoài mặt trong có màu đỏ tươi, có mặt ngoài màu đỏ tươi mặt trong màu xám, có mặt ngoài màu đỏ tươi mặt trong có màu nâu đỏ... Gốm màu ở đây là loại gốm phủ màu trước khi nung. Men màu thường được phủ cả trong và ngoài phần miệng, phần vai và có cả trong lòng sản phẩm. Để tạo màu trên bề mặt gốm, đồ gốm được xử lý lớp mặt thật kỹ khi tạo phôi gốm làm cho mặt gốm khá đều màu, bề mặt gốm còn chải thật mịn hoặc vết tích của bàn xoay để lại trên mặt phôi gốm, khi men được phủ lên mặt gốm gợn lên những đường đậm nhạt lăn tăn khá mỹ thuật. Hiện tượng này thường gặp trên các nồi gốm nhỏ, trên chiếc bát bồng chân cao...

Trên cơ sở số lượng đồ gốm phát hiện trong tầng văn hóa của di tích Cù lao Rùa với những đặc điểm nổi bật về trang trí họa tiết hoa văn, kỹ thuật tô màu trên gốm. Đây là bộ sưu tập có giá trị về mặt khoa học làm thay đổi một số nhận thức trước đây về kiểu dáng và hoa văn gốm trong các di tích tiền sử Đông Nam bộ.

Đặc biệt, khu di tích Cù lao Rùa có một không gian sống riêng biệt - dạng cù lao, chắc chắn rằng đồ gốm ở đây được sản xuất tại chỗ, với khối lượng đồ gốm đa dạng về loại hình và phong phú về motif trang trí thì ngoài việc phục vụ cho nhu cầu tại chỗ còn có thể được dùng để trao đổi.

Bộ sưu tập gốm và những mảnh gốm trong di tích khảo cổ Cù lao Rùa đặc biệt nghiên cứu về thể loại gốm như: chất liệu, màu sắc, loại hình và hoa văn trang trí... sẽ góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu sự ra đời và hình thành nghề gốm thủ công truyền thống trên đất Bình Dương, tồn tại và phát triển từ thời tiền sử đến ngày nay.

Gìn giữ và khai thác phát huy những giá trị lịch sử- văn hóa thời tiền sử, góp phần vào phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh. Một trong những di tích góp phần vào những thành quả nghiên cứu khoa học là di tích khảo cổ Cù lao Rùa đã được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là di tích cấp tỉnh vào ngày 3-11-2008. Hiện Ban quản lý di tích và danh thắng đang trình hồ sơ cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa công nhận di tích cấp quốc gia.

 

Nguồn: http://www.sugia.vn