Con Trâu Già

VITA

Trưa. Nắng chiếu sao vàng lấp-lánh. Sinh đi dựa lũy tre già rậm-rạp, bỗng nghe trong nhà ai, nổi lên tiếng dạy đọc vần ngược, tiếp theo tiếng nhại ăn rập của trẻ con, giọng lê-thê đýu-đều :

-Ac ...(A ...xê ...ac)

-Ac ...

-Ach ...(A ...xê ...hắc ...ách)

-Ach ...

-Âm ...(Ớ ...mờ ...âm)

-Âm ...

Thản-nhiên, Sinh thấy buồn rời-rợi. Chàng hồi nhớ nghề xưa, cả người lẫn vật. Trong những cái bóng xa xăm, chàng phân-biệt ông giáo Ba rành-rạnh, dạy lớp dự-bị cho một trường tư.

Dữ ! cho tới bây giờ, đã ngoài sáu năm, hình-dáng ông giáo Ba, Sinh chưa quên mảy-mún  Sinh tưởng mình còn đang âm-thầm chứng kiến một buổi dạy của thầy vừa mới hôm qua

Vào một buổi sáng, trường vừa mở cửa cái, một đám trẻ, gái lẫn trai, ồ-ạt tràn vào sân, chen, đẩy, gây nhau ó dậy. Chúng tựu-họp từng nhóm, đông như kiến cỏ, xí-xô, xí-xào không dứt. Mới xa cách trong khoảng một đêm ngắn-ngủi vừa tái-ngộ, chẳng rõ chúng đào, xới, bươi, móc ở đâu những mẫu chuyện linh-hoạt, hứng-thú để kể lại cho nhau nghe, thao-thao bất-tuyệt. Thật học trò con, lon-xon lắm điều và tràn-trề tâm-sự ...

Bỗng một hồi trống vang dội. Chúng ùn-ùn mang tép da, xách nón chạy a vào lớp, lộn xộn ồn-ào, tựa ong vỡ ổ. Có đứa hình như chưa dứt tự-tình, chân bước, miệng còn ngoái ra sau, chót-chét. Chờ chúng vào hết, thầy Ba mới nhịp thước xuống bàn, kêu-gào trật-tự :

-Thôi ! im, tới giờ học rồi !.

Với thân-hình ròm-rõi, lưng còng bởi chở khẩm mười sáu năm nghề gõ đầu trẻ, mặt vuông, má thỏn lòi xương, mũi đeo kiếng trắng gọng sừng, thầy Ba chưa đầy ba mươi lăm tuổi, mà mớ tóc xanh đã nhuộm tang-thương để lộ cái sọ trán cao bóng lộn. Tánh vui-vẻ, đối với chủ trường, thầy trung-hậu ; với đồng-nghiệp, thầy ra chiều ôn-hòa ; với học trò, thầy dễ-dãi, khoan-dung. Nhưng coi chừng ! đứa nào làm quá bụng thầy, cái trán trợt bỗng phát đỏ rần, thì sẽ biết. Ông Tề nổi xung gan, quơi thiết-bảng khện vào trôn đổ lửa, rát thấy ông cha mồ-tổ ; chúng thường nói hành thầy như thế.

Tánh-chất ấm hay lạnh, thấp hay cao gì cũng do nơi màu sắc cái trán. Cho nên, nội cái đầu sói của thầy Ba đủ gieo uy-tín vào tâm-hồn đám trẻ.

-Thôi ! Im ! tới giờ học rồi !...

Tuy-nhiên tiếng thì-thầm lan ra mãi. Thầy Ba rút cây bút chì xanh đỏ ở túi trên, lật sổ điểm tên, ghi hiện diện. Trong lúc ấy mút phía dưới, chỗ mà thầy gọi là ''xóm trời ơi đất hỡi'' của bọn ''bất-lương'', mấy cậu lười nhớt, liến-thoắng độc, đã mười một tuổi đầu, còn mài đũng quần trên bàn lớp dự bị, liếc thầy, đoạn to nhỏ với nhau :

-Tao đố mầy, bửa nay Tôn-ngộ-Không tảo-thanh miệt nào?

-Suỵt ! Ông nhìn mặt kia kìa ! Có đường bố xóm tụi mình đa!

Bỏ mẹ cả đám!

Thầy Ba cầm cây viết kéo ngòng-ngoèo từ đầu sổ tới cuối rồi đảo lộn. Hơn chin mươi bảy cặp mắt trân-trối đuổi theo. Bỗng cây ''toàn-tâm-đinh'' (1) can-hệ ngừng. Thầy Ba kêu gọn-lỏn :

-Trảo!

Thằng Trảo dân ''bất-lương'' núp trong kẹt nãy giờ, lui-cui thắt chiếc ghe hai buồm bằng giấy để cho chạy vát trên đầu thằng Be bỗng giật-mình, xám mặt, le lưỡi dài thượt, rút chân khỏi bàn rất khó nhọc, vừa đi vừa mở tập, lâm-râm tụng A-di-đà ...

Trảo đem trình cuốn tập một trăm trang, bìa rách tét-bét, miếng mất, miếng dính tòn-ten, dơ-dáy, chỉ còn vỏn-vẹn sáu trang cuốn góc.

Thầy Ba nghiêm-nghị hỏi :

-Mấy trang kia đâu, ông trời con? Nuốt cả rồi à?

Thấy nó xẻn-lẻn, thầy tiếp:

-Học-hành thế nầy, ông Thánh chữ cũng phải chạy te.Thôi được, trả bài thử nghe chơi .

Thằng Trảo đứng chết trân. Thầy nhắc :

-Con cò ...

-Nó chụp giựt, vuốt đuôi :

-...cái ''quạt'', cái nông...

Cả lớp cười rần. Thầy Ba trợn-dộc, gây :

-Cái vạc chớ cái quạt gì? Nói lại!

Trảo cố-gắng đọc :

-Con cò, cái a ..., quạt ...

Cả lớp lại cười ó dậy. Trảo cũng lỏn-lẻn cười.

-Thằng chết bầm ! Nè coi cho kỹ đây!...

Rồi thầy Ba chằng nhẹ miệng, nhếch môi trên lòi răng, đưa môi dưới lên, thổi một hơi vù-vù, đọc ''vạc''.

Thằng Trảo nhìn trân-trối, chu miệng nhại:

-''Quờ-ạc''

Mẹ ! Ý chừng thằng nầy muốn bán trà Huế hay tập chầu rìa sao mà quạt, quạt mãi!

Cả lớp lại rú lên, bật nghiêng, bật ngửa.

Thầy Ba tức mình, giá cây thước toan đập. Thằng Trảo khiếp-vía, né, đỡ, y-hệt võ-sĩ trên đài. Trông cái đầu hớt trọc chừa chóp kiểu Ăng-lê, bản mặt bơ-bơ, môi đầy mực tím, quần đùi rượn ống, áo sơ-mi nhét thụng-thịu, gài bắt-quàng; chân lổng-khổng, nhúc-nhích lia, tay khi khoanh, khi buông xụi, trơ như Phật-tổ cũng phải bật cười...

Thầy Ba bền-chí, gắt-gỏng :

-Nói lại, con bò!

Trảo cóm-róm, mắt ngó chừng cây thước, miệng tía-lia :

-Con ''bò'', cái a ''quạt''...

Cả lớp lại đâp bàn, hò-hét vang như sấm.

-A, hết quạt rồi tới bò ! Muốn bò, tôi cho anh bò!

Thầy Ba liền nhảy xuống, nắm cứng tay thằng Trảo, vừa khện vào đít nó liên-tiếp, vừa nhịp miệng :

-Bò ...bò ...bò ...cho anh bò!...

làm thằng bé khốn-nạn nhăn-nhó, hai tay vò lia chỗ đau. Và muốn lớp khỏi ồn-ào, thầy nói :

-Thôi được. Cứ đọc tiếp đi!

Thằng Trảo ngước lên trần, ngó xuống gạch, trán nhíu lại như một học-giả tìm nhớ một chữ dễ-dàng dùng cho đúng nghĩa, đoạn lấy chân thọc về phía sau, cố-ý nhờ anh em nhắc hộ. Nhưng đoái nhìn cái trán đỏ rần đẫm mồ-hôi hột, chúng sợ, im mồm, báo-hại thằng Trảo, quét chân không, khều một hồi lâu, vô-hiệu-quả.

-Tại sao anh không học bài ? Nói mau!

-Thưa, tuần trước thầy gọi con một lần rồi, tuần nầy con tưởng...

Thầy Ba đâm khùng, nghẹn-ngào. Thầy cười gằn :

-Vậy hễ liệu chừng không kêu, anh không học à? Học mà cũng tính già tính non ! Thật rầu lắm, Trảo ơi là Trảo! Tôi mắc anh bằng mắc vợ con!...Thầy Ba cầm cái tập sáu trang lật. Tới trang chót, thầy vùng rú lên, kinh-ngạc.

-Trời mẹ ơi! Hèn gì...hèn gì...

Rồi thầy đuổi nó về chỗ, ấn một quả trứng vịt vào sổ cái, chua vào khoản nóc-hờ: làm biếng. Thầy giữ tập lại để ra giờ trình ông đốc.

Thì ra, thằng Trảo đã chép lại bài hát điệu ''cô lái đò mơ'' cảa mấy bác bán dương giấy, phát làm quảng cáo:

''Này nầy Nguyệt Nga, em xít gần đây ...

Vì đời Kiệm ưa, theo lối đầm tây,

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . .

Không chồngbồ-hố, hẩu-len lụ-phò...''

Thầy Ba ê càng xóm ''trời ơi đất hỡi'' để chúng yên vui, kêu mấy trò khác. Phần đông trả bài xuôi rót.  Nhìn đồng hồ đã quá nửa giờ, thầy xếp cuốn sổ, cho bài mới. Mấy đứa ham học còn đọng lại, lộ vẻ bất-mãn, nhất là con gái. Thầy Ba hiểu, nhưng làm thế nào với ngót một trăm cái đầu loi-ngoi tựa cá bóng-kèo. Giàu kinh-nghiệm tới đâu, rành cách dạy-dỗ tới đâu, cũng phải co tay ! Trong một xã-hội mục-nát, vụng-về tổ-chức, một khi người ta định lợi-dụng cái nghề cao quí để trở nên một bác lái buôn trí-óc, khoác chiếc áo thương đời, nền giáo-huấn thấm-nhuần ý-nghĩa nhân-đạo lại biến thành mục-đích bóc-lột, thủ-lợi. Trẻ con học được hay không, mặc! miễn đóng tiền sòng phẳng là tốt. Thầy dạy xuể hay không, chả cần, miễn lãnh rẻ là hay . Xưa nay có cha mẹ nào mỗi khi mắng con biếng-nhác lại lôi ông giám-đốc ra mà đổ tội, phiền hà ? Những viên chức khác, một khi rời khỏi sở ra về yên trí, trái lại, ông giáo - nhất là ở trường tư - phải tiếp-tục cầm bút cho chạy mãi trên tờ giấy. Thảo nào hơn một cô gái, sợ lây cực, đã chê có chồng thầy giáo. Ngày hao hơi tổn tiếng, đêm thức khuya-khoắt chấm bài, đổi bát cơm bằng máu và mồ-hôi, thân ròm-rõ, nhưng trong số thâu ba nghìn mỗi tháng, thầy Ba, cũng như bao nhiêu đồng nghiệp khác, chỉ ngửa tay lãnh độ tám trăm. Số còn dư, kẻ ngồi không bật ghế hai chân, nuốt trụm. Ăn trên đầu trên cổ ngươì ta mà hễ mỗi lần mất một hai ông học trò, lại chắt lưỡi hít hà, than dài thở vắn!

Lật bật, tháng nào như tháng nấy, thím giáo Ba, đầu tắt mặt tối, chạy sấp chạy ngửa, vất-vả trăm bề. Bồi đông, bổ tây, thím quơ-quào giỏi lắm mới khỏi đói. Trông vợ và bốn đứa con ốm teo, mét chằng bởi thiếu vật thực, thầy rất đau lòng. Bâng-khuâng thầy nghĩ nỗi nọ đường kia... Thầy nhớ hồi nào trường còn nghèo, ông chủ trả lương từ giọt, thầy ôm bụng chịu, không nỡ bỏ sang trường khác, với món tiền rất hậu. Cho tới ngày nay, trường sung-túc, ho, giả-vờ quên thuở xưa kia...Bãi trường không lương, sống cách nào tùy thích, rủi bệnh trong vòng một tháng, cạy gạch mà nuốt và hơn ,nữa, mất cả chỗ làm. Người ta cố-ý cho mình chút-đỉnh đỡ sống để phụng-sự và để mình càng thiếu- hụt, càng dễ bề sai khiến. Nhân-nghĩa gì ? Liệu mình dễ xài, họ dùng, trái lại, họ thôi mình, đem người mới vào ăn rẻ hơn, cái lối hết săn giết chó, hết cày giết trâu, thầy Ba không lạ nữa. Rõ-ràng thầy đưa lưng trâu già bừa, trục cho họ, chẳng quản nắng mưa, nhưng tới kỳ gặt-hái, nhơi toàn rơm rạ. Đến một cọng lúa tiêm, một hạt thóc rơi, họ cũng tiếc, buộc dàm.

Bấy giờ, Thầy Ba nhận thấy hy-sinh, tận tụy của mình trong khoảng thời gian dài dằng-dặt chỉ là một lầm-lạc ngu-xuẩn của đời tôi mọi mà thôi. Thầy Ba tỉnh ngộ. Thầy quyết không để thiệt-thòi quyền-lợi nữa.

Một hôm, thầy Ba triệu-tập tất cả đồng-nghiệp mình đoạn thảo một lá đơn kêu nài đưa lên ông chủ. Sau một tuần-lễ kì-kèo, đắn-đo, ông chủ nhượng-bộ trước sự đoàn-kết của anh em do thầy Ba hướng-dẫn. Ông căm-tức thầy lắm, nhưng cũng phải buộc lòng tăng phụ-cấp cho nhân-viên nam, nữ. Tuy số tiền không thấm-thía vào đâu đối với giá sinh-hoạt đắt-đỏ, thầy Ba trong thâm-tâm, rất hài lòng. Ít nữa trong đời thầy, một cuộc đời hiền-lành, nhẫn-nại, thầy cũng đã cho ông chủ thấy rằng mình không phải con vật hy-sinh vô-lối

                                                                        *

                                                                   *       *

Kỳ tựu-trường năm sau, Sinh đi ngang qua lớp dự-bị, chàng ngạc-nhiên không thấy dạng thầy giáo Ba nữa, chỉ thấy một nạn-nhân khác còn trẻ-trung, do ông chủ vừa chài được. Cũng như thầy Ba năm xưa, vì thí-sinh của vi-trùng lao, đang giảng bài, mồ-hôi ướt dầm cả áo. Sinh hỏi đon tin-tức chung-quanh. Người thì bảo thầy Ba cáo-bệnh xin thôi, dắt vợ con về Rạch-Miễu; người thì cho thầy Ba bán nước mía ở miệt Bình-tây : người lại nói thầy Ba nặng tình non nước, đã quyết một đi không trở lại. Nhưng chẳng một ai biết chắc-chắn nguyên-nhân sự vắng mặt vĩnh-viễn nơi trường của thầy. Biết chăng, họa có ông chủ ...

Sinh trên con đường xa-vợi, ngồi bên bờ tre vắng, chạnh lòng tưởng nhớ ông giáo Ba. Chừng thấy bóng ngày đã xế, chàng hấp-tấp ra đi và nghĩ-ngợi vẩn-vơ . . . . . . . . . . . . . .

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. .. . . . .. . . . . . . . . . . . . . . . .. .. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

23/7-27/7-49 VITA