Tiếng chim cú

VITA

 

Một tối, mãi đeo đuổi một ý-nghĩ, Vân lỡ giấc, cảm thấy nóng đầu và ngầy-ngật, không hay đã một giờ khuya. Bấy giờ người nhà đều ngủ mất. Ngoài trời, tràn bóng tối đen. Cảnh-vật êm-đềm ngây-ngất, trầm vào yên-tĩnh. Chỉ thỉnh-thoảng, nổi lên tiếng cây chuyển mình răng-rắc hay bẹ chuối tưa xào-xạc. Bỗng phía sau hè, trên chót-vót cây điệp già-nua, nhểu xuống mái nhà, một tiếng ''cú '' dè-dặt, nhỏ mà thanh, lạnh-lùng. Một lát, hình như hết sợ phá khuấy, con vật đã được mấy bà mẹ tặng cho cái tên ''chim linh đem điềm bất hạnh'', tiếp gọi rất rõ, rất đều, khirến Vân bâng-khuâng nhớ lại những cái bóng đã phai mờ trong bụi thời gian, ngót hai mươi lăm năm xa vợi.

Vân mở cửa, nhặt một cục đá bên thềm, miệng hùi, tay vụt. Xong, trở vào toan đi nằm. Nhưng con chim quái-ác vẫn đậu lỳ một chỗ, kêu như lúc nãy. Buồn, Vân đưa tâm-trí theo dõi âm-thinh, sống về dĩ-vãng ...

Cách đây chừng hai mươi lăm năm, khi Vân lên bảy, ?êm nào cũng ngủ chung với Ngỡi, người anh thứ tư, vì Vân thường nghe ông già, bà cả trong ấp bảo, tại miễu Cậu Hai đầu đỏ, có con Mẹ-ranh cứ giữa khuya vắng-vẻ, hiện hình cao lớn, xõa tóc dài lượt-bượt, đưa nanh nhọn lểu, răng lòi chơm-chởm. Nó thần-thông quảng-đại, biến qua vách, hớp hồn con-nít, tha lên ngọn cây, giỡn mồi cho thật mềm-nhũng rồi móc họng, uống máu, xé phay. Con mẹ hung thần đó, không biết tại sao lại chê đồng-nữ, chỉ thích rặt đồng-nam từ một tới mười tuổi. Họ còn cho nó hảo thịt non, thơm, ngọt béo, mát, bổ, xương dòn rụm và nhất là ''bộ đồ nòi'' dùng nhậu nhẹt ngon không thể tả. Ăn uống no-say rồi, nó bèn ra ngoài nhánh cheo-leo, đưa võng không, ru con có ca có kệ, nghe ớn xương sống. Và mỗi lần định bố xóm nào, nó đều nhờ bộ-hạ, là con chim cú dẫn đường chỉ nẻo. Cậu Hai đầu đỏ lãnh phận-sự nhìn mặt coi gái hay trai. Vô-phúc đứa nào ngủ một mình ! Con cú mà đánh hơi được thì khỏi trông thấy mẹ ! Còn thằng Chương trứng dái lẹo, con bà bóng Mực, lại nói có một bận đi đám múa bông về với má, nó nghe nữa đêm, Mẹ ranh nghiến răng trèo trẹo và nhai gân rờu-rợu trên ngọn bồ-đề. Vì vậy, khi trời sụp tối, Vân hồi-hộp quíu cả ruột gan. Đêm đêm đeo dính Ngỡi như sam, dầu nực thế mấy cũng tìm cách đụng anh cho kỳ được rồi mới dám ngủ. Thật Vân là cục nợ đời của anh.

                                                                        *

                                                                    *      *

Thuở ấy, Ngỡi vừa lên hai mươi. Anh phải lòng Thảo, con gái láng-diềng quen biết từ hồi còn chừa ba vá. Dáng người mảnh-dẻ, nước da bánh ếch, tóc đen mun, đầu bới bánh lái ba vòng một ngọn, má lúm đồng tiền, tánh bải-buôi, hiền-hậu. Thảo khỏe-khoắn, chắc thịt, gánh nước ao chạy tấm-te một buổi hơn mười đôi, trên con đường ngòng-ngoèo, dài gần ba cây số. Bao giờ gặp cha mẹ Ngỡi, chị cũng đon-đả mời vào dùng trà nước, còn mỗi khi thấy dạng Vân đi học, chị kêu lại, không quên biếu một xâu lồng-lái, hoặc một vài xu để hỏi phăng Ngỡi. Thảo lưu được cảm-tình cả mọi người. Mà thương chị nhiều, mến chị nặng, có lẽ là Vân.

Chẳng bao lâu, nhà Ngỡi cậy mai-dong dạm hỏi Thảo. Cha mẹ tỏ ý vừa lòng và riêng chị, chị cũng chịu, vì Ngỡi xem cũng khá trai, nhu-mì, đôi lứa xem xứng đào xứng kép. Hơn nữa, Ngỡi chạm-trổ nữ-trang rất sắc-sảo, khéo nhất về môn ''Bát tiên kỵ thú''. Những cây kiềng vàng màu nghệ, nhá nổi hình tươi bóng lộn mà các thiếu nữ trong thôn ngoài quận đeo, thời bấy giờ, đều do tay Ngỡi uốn-nắn. Tài-nghệ anh, tưởng đủ mê hoặc Thảo và đủ sức bảo-đảm tương-lai chị, không như mấy bác công-tử ruộng, tay trơn, dốt đặc, ngu-si, ăn xài vô-lối cho đã đời rồi chừng nghèo cháy túi, trơ-trẽn bán vợ, đợ con vất-vả để nuôi mình.

Tuy-nhiên, cuộc hôn-nhân nên hay không cũng còn do mười hai con giáp. Thành-kiến dị-doan quái-gỡ đó thâm-nhiễm lâu đời vào cân-não, xương-cốt dân-tộc Việt-Nam, đã làm chảy biết mấy sông nước mắt của đôi lứa đầu xanh bất-mãn, ép nhẹm quả tim non, sống gượng trọn đời. Ngỡi và Thảo chẳng may, mắc vào công-lệ đó. Ngỡi tuổi tị, Thảo tuổi Thân, phạm nhằm ''tứ hành xung''. Theo sách, hễ hai tuổi khắc nhau, tất nhiên, ăn ở chưa nát chiếc chiếu, bỗng không đợi ốm đau, cũng có một trong hai đứa lăn đùng ra chết ; bằng khỏi, gia đạo sẽ bất hòa, sống cùi-đày cùng-căn mạt-kiếp. Vì thế, cha Thảo từ-chối.

                                                                        *

                                                                    *       *

Mẹ Ngỡi tiếc Thảo giỏi-giắn và thương-xót con mình u-sầu dã-dượi, mới cậy bà Sáu, vợ một ông hương-chức, qua òn-ỉ cùng mẹ Thảo, bà hứa sẽ đền công một con heo quay và một trăm bạc, nếu bên gái nhận lời.

-Khổ quá ! Tuy hai đứa đẹp đôi, nhưng ngặt một điều tuổi không hạp; sợ e người ta chẳng khứng, bà Sáu than dài.

Mẹ Ngỡi dàu-dàu nét mặt, ngó lơ đảng ra vườn trầu, nói :

-Nhưng chị xem thuở giờ có cặp vợ chồng nào lại không coi tuổi ? Rốt cuộc, nhiều đám rã bèng, kẽ mất người còn, nghèo sặc máu, hộc gạch, để bỏ nhau nườm-nượp. Bằng-chứng vợ thằng Mười Nha mới cưới chưa đầy hai tháng, nay đã theo ông theo bà; vợ chồng hương sư Hực đánh đập, chửi bới nhau ngày một, con mẻ đào nát ông cha, la làng vỡ xóm; dâu xã Ngỗng mới thuốc chồng, thằng chả gần bỏ mạng hồi khuya ...Và còn nhiều đám nữa, hết đâu chị ! Cứ như tôi, con nó đành lòng chỗ nào, bổn phận mình xem-xét rồi ừ phứt cho đâu đấy được vuông tròn. Để nữa, cơm canh chẳng ngọt, nó không trách mình ỷ quyền ép-bức. Vả lại, có sống tất có chết, không trẻ thì già, mấy ai lột da sống đời, chị ? Lo sợ viễn-vông, chỉ mệt trí.

Bà Sáu nói :

-Má thằng Ngỡi phân thế, chớ tục-lệ ông bà, bề nào cũng giữ mới phải đạo làm người. Song-le, nói thì nói vậy, tôi cũng rán qua bển một phen coi họ định-liệu lẽ nào. Ví dầu thất-bại, tôi vẫn còn kế khác; xúi cháu nó dắt êm Thảo rồi sau về lạy thú-phạt. Không lễ cưới, vợ chồng chúng nó tránh khỏi tai-nạn và chẳng lẽ người ta chấp-nhất chuyện đã lỡ rồi ?

Cha Ngỡi đương xem quyển Xuân-Thu, vùng xen vào :

-Được đâu, chị Hương ! Xuất thân nho-giáo, ai lại chịu mang tiếng để con mình dụ-dỗ gái tơ ...Mà đứa nào cãi lệnh mẹ cha, theo trai hay dẫn gái, tức phường mèo mả gà đồng. Thằng Ngỡi gò được nó, cố-nhiên thằng khác sẽ gò được... ối ! Thiếu chi con gái tốt, lo gì ế-ẩm. Họ từ-chối thì tôi hỏi con gái út ông phó-tổng đương-niên cho nó là xong chuyện.

Mẹ Ngỡi tỏ vẻ không vui, nói :

-Ngặt nỗi con nó bảo không thương đứa nào ngoài ra con Thảo ..

-Bà cứ mảng chiều con : rồi nó sẽ thương.

-Nó chê con ông phó lùn-xủn, mặt buồn-thiu, đi hàng hai, tay cán vá ...

Cha Ngỡi cười gay-gắt :

-Đủ chuyện! Thằng ngu ăn cám xú mà ! Kể gì bề ngoài, miễn biết tam-tùng tứ-đức, dầu môi sứt, miệng méo cũng cầu ...

...Bà không nghe thánh-nhân dạy ''thú thê bất-luận nhan-sắc'' hay sao ? Mẹ ! trước chê công-chúa Đồ-Lư, sau mắc phải mèo vằn cụt cẳng...

Mẹ Ngỡi tiếp :

-Thật uổng con Thảo quá ! Đã dễ thương mà lại giỏi. Còn con ông phó coi bộ đài-các, thứ nắng không ưa, mưa không chịu, về nó sai thằng Ngỡi chạy có cờ khỏi đâu ...

-Ôi ! bà khéo lo ! Phúc cùng không do nơi trời đặt để, ai ai cũng có số-mệnh  sẵn dành.

Rồi ông thêm, ngao-ngán :

-Con nít đời nầy bỏ cả luân-thường đạo-lý. Ai đâu chưa cưới mà dám sáp lại chuyện trò hí-hởn. Hồi thuở xưa kia, thật tới ngày hôn phối tôi mới thấy mặt bà ...Đã vậy, chúng nó không cần mình chọn lựa. Con như thế thật đáng bóp mũi liệng xuống ô-rô ...

-Mình khác, nó khác, ăn theo thuở ở theo thời. Nó thích, nó lựa cho nó, chớ cha mẹ chọn dâu, chọn rễ cho mình hay sao ? Mình có quyền khuyên-nhủ, chỉ điều hư lẽ thiệt cho con mà thôi ...

Cha Ngỡi trợn dộc, gây :

-Chớ người ta không gả, bà bắt tôi khăn đen, áo dài nhất bộ tam bái cầu dâu cho con hay sao ?

Mẹ Ngỡi ôn-tồn nói :

-Thì ông cho phép con nó tính sao tùy ý !...

Cha Ngỡi phùng mang nạt tưới:

-Thôi đi bà ! tôi với bà không hạp, nói mãi sinh rầy, dẹp chuyện đó đi !...

Bà Sáu thấy việc lôi thôi, pha đùa cố ý hòa-giải :

-Xin hai ông bà để mặc tôi du-thuyết. Đừng cắn-đắng vô-ích...May không hạp có tới tám đứa con !

                                                                        *

                                                                     *     *

Thế là hôn-nhân giữa Ngỡi và Thảo không thành-tựu. Ngỡi do-dự, thiếu can-đảm dắt Thảo vì danh-giá nhà ; Thảo sợ xóm-diềng chê cười cha mẹ và trọn đời mang tiếng theo trai. Dư-luận  khắc-nghiệt, tàn-nhẫn đến nỗi những gái như thế bị lăng-nhục, khạc nhổ, nguyền-rũa tới già, tới chết. Thậm chí, mai sau con họ làm dâu rủi sơ- sót, người ta còn bới mồ cuốc mả họ lên để dầy-vò, xéo-xắt :

-Con gái mẹ mầy thuở nhỏ cũng hư nên sinh mầy ra nối nghiệp. Hèn chi rau nào sâu nấy ...

Cho nên chẳng trách đôi khi bực tức mất khôn, lắm cô dâu nện càn đủa bếp trên lưng mẹ chồng mặc dầu biết sẽ bị chồng nễ mẹ đánh hiếp mình.

Ấy thế, Thảo nuốt nước mắt, dồn lấp nguồn yêu, nghe lời cha mẹ. Nhưng thỉnh- thoảng, tơ tình chưa dứt, chị không nguôi thương nhớ, lén đón Vân tại cầu Bà Vú, nhắn gởi chút ít mớ lòng. Chị đã nói gì, giờ Vân quên lảng, chỉ còn nhớ mập-mờ một chiều nọ, gặp Vân, Thảo trao một cái gói nhỏ mà nước mắt đoanh tròng.

Riêng Ngỡi, từ ngày nhận được gói, tỏ vẻ âm-u, ngồi đâu ngơ-ngẩn đó, dạo mắt bảng-lảng vào cỏi xa-xăm tựa kẻ sắp đau gan, phổi. Có đêm, Vân giật mình thức giấc, bắt gặp anh dưới đèn dầu lờ-lợt, mở gói nhìn trân-trối, đoạn khóc âm-thầm. Chẳng rõ cái gói ấy đựng bùa phép chi mà cứ đêm đến, Ngỡi lại đem ra nhìn dan-díu, nhìn đã rồi lại khóc. Vân cố ý rình-mò. Thì ra, Ngỡi khổ-sở bởi những sợi tóc cắt ngắn của Thảo. Vân ngây-thơ, cho anh mình ngớ-ngẩn, không quan tâm tới nữa. Khép nhẹm u-tình đầy quá, Ngỡi hình như bứt rứt lắm, mới gọi Vân, dỉ hơi một tối buồn tênh :

-Em thương chị Thảo không, em ?

-Thương chớ, chị ấy thường cho em xu và bánh.

-Chị Thảo có lúc nào hỏi thăm anh chăng, em ?

-Có chớ. Hôm trước, chị ấy đưa gói cho em, bảo trao lại cho anh, rồi chị vùng khóc. Cái gì lạ thế, anh ?

Ngởi tê tái, đáp :

-Em không hiểu đâu. Đừng hỏi, anh buồn ...

-Nhưng sao anh không xin Ba, Má cưới chị Thảo cho anh ? Về ba đứa ngủ chung, khuya rủi mắc tiểu, em mượn chị coi chừng chim cú. Anh mê ngủ, hại đêm nào cũng đái dầm, Má đánh, tụi nó kiêu-ngạo dọc đường, mắc-cỡ muốn trốn học luôn...

Ngỡi cười :

-Nhưng có Thảo, em sẽ ngủ riêng một mình...

Vân run lên, mếu máo :

-Sao vậy anh ?

-Tại Ba, Má cấm.

Tưởng tượng mình nằm chèo-queo trên chiếc võng tre, chung quanh ai nấy đều ngon giấc, con chim cú đánh hơi biết rõ sự tình, Vân rợn gáy, chân lông nổi nhám. Thế là hết ! Một ngày kia, Thảo về, Vân sẽ bị con Mẹ ranh rước mất. Thảo mang tai họa tới Vân, Thảo chính là tử-thù của Vân từ đây ...Vì vậy trước hai hôm đám cưới chị, Ngỡi có cậy Vân đưa một bức thơ, Vân cố-tâm giấu mất đoạn về bịa đặt rằng Thảo coi sơ sịa rồi xé nát tan, vụt xuống cầu. Còn khi Thảo ôm gói đứng chờ Ngỡi và nhắn nhe điều gì, Vân về nín lặng và ác hơn nữa bảo anh mình gần cưới con gái ông phó-tổng, kê tóc của ai không biết, vào đèn, đốt rụi, bay hơi khét-nghẹt.

                                                                        *

                                                                   *        *

Mười ba năm sau, Vân có dịp đi ngang qua tỉnh, vào một vùng quê hẻo-lánh, dân- cư lẻ-tẻ. RờI khỏi quận Cần-giuộc non ba cây số, Vân tới Mũi tàu trong. Trưa. Nắng hừng hực. Vườn tre già không động. Thưa-thớt bóng người. Giữa Láng Chim mênh- mông nước phèn, bên đìa dứa gai, Vân gặp một chị đàn-bà ăn bận lam-lũ, phơi đầu dưới nắng chan, mồ hôi nhễ-nhãi, đang lom-khom tát nước bắt cá, quần xoăn khỏi bắp vế, mình mẩy ướt loi-ngoi. Đứng trên bờ một thằng bé trần truồng đen cháy, lem-luốc bùn non, xách chiết đụt, ngó xững Vân. Vân tiến tới hỏi thăm đường. Người đàn-bà ấy ngước nhìn Vân một hồi  đoạn hỏi đon :

-Cậu ở miệt nào qua đây ?

-Tôi từ Tân-Uyên xuống.

-Ở Tân Uyên xin lỗi cậu biết gia đình anh Tư Ngỡi không ?

-Tư Ngỡi, anh ruột tôi. Sao chị ...

Chị nhà quê buông gào-nan, mừng-rỡ đớp lời :

-Xin lỗi, chú là Vân phải không ?

-Vâng, chính tôi .

-Mèn ơi, hèn chi chú giống hệt anh chú ! Tôi là năm Thảo chị dâu hụt của chú hồi

trước đây ...

Vân ầm ừ, lặng lẽ mò kỷ-niệm ngày xanh chìm sâu trong ký-vãng.

-Chú quên rồi à ? Hồi chú lên bảy, chú hay sợ chim cú và lần nào chiều đi học về, tới cây da trước ngõ tôi, chú cũng chạy thất sắc, chú quên rồi à ?

-Giờ thưa chị, em nhớ ra rồi .

Chị lại vồn-vã :

-Hai bác vẫn mạnh ?

--Ba Má em đã mất từ lâu.

-Cơ khổ vậy mà nào tôi có hay !

Đoạn bâng-khuâng, chị tháo mối tơ lòng :

-Từ ngày có chồng, tôi về quê quán đâu hai lần. Cách ít lâu, Tía, Má tôi nghèo

khổ, bỏ xứ trôi-nổi xuống Cà-mau. Còn tôi việc nhà bẩn-chật , thêm con cái đùm-đề, có nới đi đâu được mà hay, chú ?

Tội nghiệp.

Bỗng Vân nghe vọng lại từ phía cuối xóm, tiếng hát khách véo-von, xen lẫn tiếng vỗ tay inh-ỏi. Chị Thảo gọi thằng nhỏ đứng trên bờ khi nãy, dặn :

-Nè, mầy trở về dắt cha mầy qua cầu, kẻo té chết. Như thằng cu Te có khát sữa, bẻ một góc tư đường táng khuấy với một chun nước mưa cho nó uống, nghe con... Mấy đứa kia có đói bụng, bảo con Nhành bắc đỡ cho chúng nó ba hột .

Thằng nhỏ dáng bặm trợn, cau có hỏi :

-Ăn với giống gì ?

-Lấy hũ mắm ruốc còn dư chan ăn rồi chiều Vú đem cá về.

Thằng nhỏ liệng cái đụt cho mẹ, đoạn co giò chạy miết. Thảo ngó Vân, buồn rầu :

-Khổ quá chú. Say-sưa tối ngày ...Con thì đông, nhà thì khó, một mình tôi lo không xiết... A quên, còn anh tư chú thế nào ?

-Cũng như chị, anh ấy nghèo sát đất. Vợ chồng anh không thuận thảo chị ạ. Anh chắt-mót được đồng nào, chị đem cúng sòng đồng nấy. Mãi rồi anh thua buồn, anh bán đứt giàn lò, thả lên Chợ-lớn làm công nuôi con. Chẳng bao lâu, anh đau rồi mất. Giờ đã được ba cái giỗ, vợ anh vừa mới có chồng khác trong năm.

Thảo ngạc nhiên, cau mày kêu lên :

-Cơ khổ ! Vậy mà nào tôi có hay ! Vô tình làm sao !...

Đoạn rưng-rưng nước mắt, tựa hồ thương-tiếc chuỗi ngày xanh còn vang bóng tình xưa, chị tiếp, cảm-động :

-Phải chi hồi trước anh chú dám...

Rồi đánh trống lảng:

-Cơ khổ, vậy mà nào tôi có hay !...

Vân xót-xa, chào giã-từ .

-Mời chú bận về ghé nhà uống nước. Dầu sao cũng là chị em...

-Vâng, ngày mai em ghé thăm anh, chị .

Vân quay quả bước. Được một đỗi, chàng ngoảnh lại, Vân thấy chị Thảo che tay lên trán, ngó vói theo mình. Dọc đường, Vân cứ lập lại trong đầu óc câu nói đứt đoạn, đầy ý-nhiệm :''Phải chi hồi trước, anh chú dám...'' rồi đâm ra hối-hận, chua-xót, suy-nghĩ miên-man...

Giá hồi đó, Vân khôn hơn một chút, thấy sao nói vậy, không vì con chim cú, thêu-dệt sai-ngoa, giá mấy ông thầy đời thành-thật, không cố-tâm tìm đủ phương-cách giấu-nhẹm chân-lý của con tim; giá một đống học-giả uyên-thâm, sặc mùi đạo-đức viễn-vông không nhai lại sách để đàn-áp khát-vọng xác-thịt bằng đủ thứ thành-kiến, giáo-lý, qui-tắc khô-khan, chẳng có chút gì thắm-nhuần nhân bản ; Thảo và Ngỡi đã nên chồng vợ. Và mai sau, đời họ ví có ba chìm bảy nổi, đau khổ tận cùng đi nữa, họ vẫn được hạnh-phúc thỏa-mãn dục-tình trọn-vẹn.

                                                                        *

                                                                    *       *

Bay đi, hỡi con chim ăn đêm u-ám ! Vân không muốn kỷ-niệm buồn xưa lởn-vởn bên lòng.

VITA 2/7-9/7-1949