Quán Khách Bên Đường

VITA

 

Riêng tặng bà Phan ...

 

Hiếu uể-oải đạp xe băng qua cánh đồng rộng mênh-mông, trần-trụi. Nắng chang -chang. Hơi nóng tháng giêng gay-gắt táp vào mặt chàng đổ lữa, quần-áo ướt dẫm mồ-hôi. Không một chỗ mát nghĩ chân, không một hơi gió phớt. Khoảng đường tráng nhựa Cần-giuộc - Chợ-lớn bóng-láng chạy ngòng-ngoèo trong xóm tựa con rắn to uốn mình chiếu vảy đen mun trên thảm cỏ phai vàng. Ven bờ, rải-rác những cây xiêm-bầu, cành lá xơ-rơ, ngả vòng cội xuống vũng nước phèn trong-vắt, dàu-dàu soi bóng yên.

Hiếu cố lên dốc, đếm từng trạm, thở hào-hển ; chàng trông mau tới chốn, sợ giỏ cua lột ươn. Ý-nghĩ mua được thức ăn rẫy-bái hiếm-hoi để đem cho người chị ở Sài-gòn làm chàng quên mệt, cúi đầu phóng nước rút.

Tới chặng Phú-lạc. Quang-cảnh càng vắng-teo, buồn-tẻ. Vạn vật héo-ủ, thu hình dưới nắng. Dạo mắt chung quanh, Hiếu thấy trên đồng cỏ úa, một đàn trâu già, sừng vòng nguyệt nhọn lểu, giương mắt ngây, lom-lom ngó chàng. Gần đống rơm, vài con vùi bùn, mồm nhơi không dứt. Chúng đăm-đăm nhìn chân trời màu sắt, miên-man trầm-tưởng Thích-ca. Một mình bơ-vơ giữa khung-cảnh không hồn. Hiếu cảm-tưởng dong-ruỗi vào cõi xa-xăm vô-tận. Chàng gắng sức tiến mãi, nhưng chỉ thấy mơ-hồ mấy lọn khói nhà máy đứng trơ, thành-phố Chợ-lớn vẫn còn mịt-mù sau màn cây-cối. Hiếu thở ra thì-thầm :

-Mẹ ! Lạc vào chỗ chó ăn đá gà ăn muối đây chăng?

Được một đỗi nữa, Hiếu thoáng thấy một cái quán bên đường. Chàng mon-men tới. Vừa thót xuống yên, có tiếng chào mời đon-đả :

-Ghé giải-lao, thầy ...

Một thiếu-phụ vào độ ba mươi, vẻ tiêu-hao, mặc áo trắng cũ vá nhiều miếng, quần vải đen trổ màu xanh mốc, ngồi bơ-phờ sau gian hàng cho con bú. Thằng bé trần như nhộng, tròn vo, trắng nỏn, tay và chân có ngấn : mũi cao, miệng rộng, tóc đen thui ...Với lại đôi môi mỏng-manh hoạt-động, trông dễ thương tệ ! Vừa bú, nó vừa mân-mê vú mẹ với bàn tay nhỏ xíu, ngón ngo-ngoe. Thỉnh-thoảng đưa cặp mắt sáng rỡ ngước lên, nó bỗng nở nụ cười tươi tắn. Thằng bé xinh xinh, da thịt  hồng hào, mát rượi, thơm-ngọt, thấy bắt thèm !...

Để ngửa nó trên bộ ván, không một chiếc gối kê đầu, chị quán ngấm-nghía con, vùng cười đắc-ý, nhủ :

-Nằm im, nghe con, để Vú pha nước cho thầy nhé !

Đoạn chị bưng bát nước vun bọt, sắp một dĩa bánh quế, mời ân-cần :

-Thầy dùng bánh uống nước ...

Rồi quay lại bế con, hôn trơ-trất. Riêng Hiếu, bụng sẵn đói, ăn sạch mặc dầu bánh có hơi cũ và mềm. Giây giây, chàng dạo mắt quan-sát : gian-hàng cỏn con ấy chỉ có mấy cái bánh quế, vài xâu lồng-lái treo tòn-ten dưới khuông gổ ôm ngang chiếc bàn vuông- vức và một gói thuốc lá mở, để trong chiếc ve keo. Gần bên, bắc trên lò gạch, lửa tàn hiu hắt, nồi đất đầy xác chè nổi bấp bênh. Phía trong, hiện cảnh tối-tăm nghèo-khổ : Trên vách một cái trang thờ ông Địa bằng sành, đầu vấn khăn điều nhữ nhân, tay cầm quạt, tay chống nạnh, miệng cười tuếch-toác, trật áo đưa bụng phệ. Lư hương nhang khói lạnh, vị thần chủ ấy xụi râu, ngồi xếp bằng trơ-trẻn.

Tuy mộc-mạc, thiếu-thốn, nhưng đâu đấy tiêm-tất, kỹ-lưõng và sạch-sẽ.

Trong lúc Hiếu dùng bánh, chị quán nựng con hỏi :

-Ba con đâu con ?

Thằng bé cữ-động, hả miệng cười, nói gió, tươi như hoa nở rạng đông. Cũng như những bà mẹ thường có tính tư-hào khoe con, chị quán nhìn ngây-ngất thằng bé một hồi, đoạn mắng yêu:

-Dễ hôn ! Xấu lắm mà ! hư lắm mà ! Đi đi ! Không ai thương đâu ! đi theo Ba đi !

Thấy thằng bé thản-nhiên, chị lấy tay trỏ xỉ nhẹ vào trán nó, nói lẩy :

-Xãnh-xẹ mà ! Ơ đi đi ! theo Ba đi, không ai cưng đâu, đồ bạc-bẽo !

Thằng bé trông cái miệng trề và mếu-máo của mẹ, hoảng kinh khóc. Chị lại vội-vã mơn-trớn, dỗ-dành :

-Úy chao ! Thôi cưng ạ . Vú nói chơi mà ! Dễ hôn, cục vàng đây mà !

Đoạn xốc nó lên, chị hôn đít, hôn trán, hôn tay, hôn chân, hôn khắp mình thằng bé, dường như không bao giờ đã thèm. Vuốt nhẹ mái tóc mịn như tơ, chị vạch vú cho con bú, hỏi bâng-khuâng:

-Lớn, con theo ai, con ? Theo Ba hay theo Vú ?

Rồi đáp :

-Đừng theo Vú nghe con, Vú quê-mùa, nghèo-khổ lắm, con cực thấy mồ ...

Thằng bé vô tư-lự, nằm co trong lòng mẹ, mắt lờ-đờ chìm lần trong mộng.

Trước cảnh mẹ con âu-yếm, mẹ gầy-còm, con sổ sữa, Hiếu cảm-động, hỏi phăn chị quán :

-Chồng chị nay đâu vắng ?

Tay ru con, chị quán ngó mênh-mông ra cánh đồng mênh-mông hiu-quạnh, buông tiếng thở dài, chị buồn-rầu, kể-lể :

-Nhà tôi đi lâu năm rồi thầy ạ. Trước kia cầm cương xe ngựa, nhưng nay làm ''lơ'' cho hãng Liên-Hòa.

-Sao lại đổi nghề ?

-Thầy nghĩ, từ ngày có xe hơi đông-đảo trên đường nầy, cuộc làm ăn chúng tôi ế-ẩm quá. Xe chạy một mạch có mấy khi thấy ai ghé lại giải-lao ? Xưa, quán chúng tôi rộn- rịp bao nhiêu, lúc bấy giờ trở quạnh-quẽ chừng ấy. Nhà tôi kiếm không đủ tiền cỏ lúa, bán cả xe lẫn ngựa, đổi nghề nuôi sống bấy lâu. Làm ''lơ''  được trút năm, nhà tôi thành tài-xế. Thầy ạ, vì nghề mới đó nên vợ chồng tôi phân rẽ ...

Chị quán hình như uất-ức, cổi hết sự lòng :

-Tôi nghe người ta đồn phong-phanh nhà tôi lấy vợ lẽ ở Sài-gòn. Nhưng làm gì tùy-ý, miễn đừng quên cảnh cháo rau thuở trước cũng tốt. Vả lại, sống với nhau đã có hai mặt con - đứa lớn chết hồi lên sáu, nay đã được hai năm - thầy nghĩ, dầu hết tưởng vợ, ít nữa cũng nhớ tới con. Nhưng ba mươi đời đàn-ông, có mới nới cũ, khi thương, thương lấy được, chừng chán-chường, bỏ-bê không một lời phải, chẳng. Tôi biết cả : tuy-nhiên, chả lẽ lâu lâu mới thấy mặt chồng về, lại cắn-đắng, phiền-hà ... Ngày tôi sinh thằng nhỏ nầy, có cha nó ở nhà đâu, thầy ! Mãi tới khi nó được sáu tháng, mới thấy hình thấy dạng. Cơ khổ ! Chuyến nầy, nhà tôi dẫn theo một cô lạ-hoắc, uốn tóc quăn bùm-xùm, dồi phấn trắng toát tựa ông múa-liễn, môi đỏ như ăn trầu, tay xách bóp đầm, chân mang giày cao gót, quần áo lụa-là, dầu thơm bay nồng-nực...Cô nói-năng coi dạn-dĩ quá. Ai đời, thầy nghĩ, đoạt chồng người ta mà mới gặp mặt, dám tự-nhiên ''chào chị !'', rõ không biết then-thùng. Biết phận mình quê-mùa, rẫy-bái, lời ăn tiếng nói sao bằng người ta, tôi hỏi bâng-quơ cho vui bụng chồng :

-Cô là ai ?

Nhà tôi mau-mắn xen vào :

-Con Hai ở Sài-gòn.

Tôi run lên, tôi muốn nói thật nhiều cho hả dạ, nhưng lúc ấy hình như có vật gì chận nghẹn.

...Sau khi ngó lơ, thằng bé đương ngủ, nhà tôi sai tôi bắt gà nấu cháo cho ...cô đó ...ăn. Thầy nghĩ, lâm người khác ở vào địa vị tôi, tức đến bực nào ! Thấy chồng bắt đã thèm ! Một khi có mèo-chuột, coi vợ nhà rẻ mạt.

Chị quán thấm tức, nói một dây :

-Con mẹ như thế mà thươnglấy được ! Nói xin-lỗi thầy, lột hết lớp phấn son, nó xấu tanh, xấu hôi, xấu đau, xấu đớn... Thế mà thương sao thương dại, thương dột, thương lột da óc, thương tróc da đầu, bắt tôi hầu-hạ, tủi-nhục tôi quá !

-Sao chị nghe ? Hiếu ngắt lời .

-Thầy nghĩ, nhà tôi nóng như lửa, miệng nói, tay thoi chớ vừa đâu ! Nhưng không phải tôi sợ vì lẽ ấy. Tôi chỉ sợ rủi-ro tới con, tội nghiệp. Tôi mới cặm-cụi làm gà dọn lên : Trong khi con mẹ đó hí-hởn ngồi ngoe-ngoải , dở bóp soi gương chà phấn, thoa lại má hồng. Đoạn liếc nhà tôi, hỏi không biết ngượng :

-Được chưa, mình ?

Nghe tiếng ''mình'', tôi bừng đầu, bừng óc. Nhưng thầy ạ, người ta có quyền khinh miệt mình là tại chồng mình cả.

Dọn lên xong-xả, cơ khổ, nhà tôi ân-cần mời cô đó trước : còn tôi, không thấy ai động tới. Hình như hai ông bà, ăn coi kỳ quá, cô ấy bèn mời lơi :

-Chị lên ngồi luôn với ...

Tôi nuốt nước mắt, đứt từng đoạn ruột, nói run-rẩy :

-Cô và nhà tôi cứ dùng đi ...

Nhưng chưa đau khổ khi nghe nhà tôi tiếp :

-Em cứ ăn no đi, nó ăn sau cũng được.

Ngồi dưới bếp, nước mắt tuôn như xối, nghĩ thương phận mình đầu tắt mặt tối, bị chồng coi như đứa ở. Thầy ạ, giã như cha mẹ tôi còn sống, dầu chồng có bạc-tình, tôi vẫn được an-ủi nguôi-ngoai. Đằng nầy, một thân trơ-trọi, than-thở biết ai !

...Ăn uống xong, hai người đi. Tôi chạy theo kêu :

-Mình ơi, mình ! Mình để lại mẹ con tôi chút ít...

Nhà tôi đáp cụt ngủn :

-Dạo nầy túng lắm.

-Còn thằng nhỏ ? Áo quần rách-rã...

--i ! rộn ! Cho ai tùy ý .

Thế là hết. Thầy nghĩ, đàn-ông đâm ra mèo-mỡ đến nỗi quên cả con thì bao giờ còn mong tưởng vợ !

Hiếu giận, phàn-nàn :

-Chồng như thế chị còn thương được à !

Chị quán vẻ then-thùng, lấy cánh tay chùi nước mắt, ngó xuống, thở dài :

-Thầy nói ...chớ ở với nhau hơn mười năm trời ...

Rồi chị bâng-khuâng kể :

-Vả phận tôi côi-cút, ngoài ra chồng với con, tôi biết níu lấy ai ? Như thầy có lên Chợ-lớn, tiện đường nhờ thầy làm ơn ghé lại bến xe nhắn hộ, bảo mấy anh lơ, có gặp nhà tôi ở đâu, xin cho hay con tôi đau nặng. May ra, nhà tôi có sót ruột sẽ trở lộn về.

Rồi chị tủi-hổ, ngó Hiếu, mắt mờ rèm lệ. Trông xuống con, chị tự trách :

-Vú bất-nhân lắm, hở con ? Vú trù-rủa con, Vú khốn-nạn quá !

Đoạn vạch vú, chị quán cố nặn cho ra sữa, nhưng rất ít-oi. Thấy con cằn-nhằn, chị dỗ :

-Để Vú uống vài hớp nước có sữa con bú, nghe con.

Hiếu lặng-lẽ nhìn hai mẹ con một hồi, đoạn lên xe dong-ruổi. Xa-xa ngoảnh lại, Hiếu thấy chị quán lấy vạt áo lau nước mắt đọng, ngó theo mình như để hết lòng tin-cậy. Nhưng Hiếu ái-ngại, không rõ việc làm của chàng có đem lại kết-quả mảy-may gì cho mẹ con chị quán bất-hạnh ấy chăng...

                                                            *

                                                       *         *

Hai năm qua. Một đêm mưa gió. Hiếu vụt nhớ lại chị quán ngày xưa. Chàng ngùi-ngùi không rõ gia-đình chị có tái-hợp được chăng và hiện giờ hai mẹ con sống cách nào. Ý-tưởng viễn-vông làm chàng thao-thức mãi.

Hiếu đâm xót-thương những bà mẹ hiền, thiếu trước hụt sau không có gì ăn cho ra sữa để nuôi con trong lúc những bà mẹ khác mạnh-lành, tẩm-bổ toàn cao-lương mĩ-vị, da thịt mát-rợi lại nhẫn-tâm phó-thác con cho chị vú hay hộp sữa bò, để thân hình còn đẹp và được rảnh-rang hưởng thú vui đầy-đủ...

Hiếu xót-thương những đứa bé đêm trường lạnh-lẽo không được may-mắn có miếng tã của đứa bé nhà giàu để sưởi thân trần-trụi...

Hiếu xót-thương những bà mẹ tầm-thường, mộc-mạc, bóp hẹp cuộc đời  cốt hy-sinh xác-thịt cho con rút rỉa ; và chừng lớn lên, một khi sang cả, đứa con ấy bỏ mẹ bơ-vơ hoặc không nhìn vì sợ mất thể-diện.

Thản-nhiên, Hiếu thấy hình-ảnh chị quán hiện ra rỏ-rệt tay bồng con dại, tay che nắng xế, tưởng vọng bâng-khuâng...

Như nghe tiếng kêu thương của một số đông người lầm than, đau-khổ, văng-vẳng bên mình, Hiếu thở dài, tự hỏi băn-khoăn :

Phải chăng trong xã-hội mà giàu sang là nền tảng, tiền bạc đã nuốt hết nhân-tâm?