Bc Tranh Sen-Lê

VITA

 

Vợ chồng anh Bảy Đức thật giàu con! Đứa nầy vừa mới biết đứng chựng lại tiếp theo đứa khác lọt lòng, oẹ-oẹ. Cứ sinh năm một như thế đã được một chục đủ đầu rồi mà chị Bảy vẫn còn bền gan ốm-nghén, hôi cơm tanh cá, ụa mửa vang nhà. Đã vậy, phụ vào số đó, hai đứa nhỏ song thai của một góa phụ hàng xóm để lại mới vừa dứt sữa. Hiện giờ, hai vợ chồng có cả thảy vừa gái, trai mười bốn cục nợ đời ruỡi. Anh Bảy muốn dễ kêu tên mới đặt bắt vần: Tàu, Bè, Thuyền, Cột, Đỏi, Neo, Lèo, Lái, Be, Chèo, Buồm, Lạt, Giầm, Khoang...

Ngày chí tối anh Bảy ra công đốn cây, bửa củi, đào mương, vét hào, câu, nò tở-mở: chị Bảy, ngoài việc bếp núc, đi thụt cá bóng-kèo, bắt còng, xúc tép. Vợ chồng làm- lụng vất-vả quanh năm, chạy ăn sói trán, nhưng đàn thằng-bè con nuốt cũng chưa phỉ bầu- diều. Thấy chúng ăn ta ngỡ cào-cào phá lúa ...

Xem chừng mặt trời lên khỏi vuông tre, chị Bảy lui-cui dọn ra trước hiên một cái trã-ba vun-chùn với một cái chảo gang to thế, đặc-gật tôm rang, đầu râu nguyện-vẹn. Chị chưa kịp bới cơm vào chén, có đứa chu-chéo kêu lên ''đói quá! đói quá'' rồi thò tay bốc càn một chùm tôm dính xà-nẹo cùng mấy con khác. Đứa kia thấy vậy, đâm ganh, khẻ tay em, mắng sao có hỗn-hào, đoạn tự-tiện vói bứt vài con lủm. Đứa nọ phân-bì, chụp cả nạm rối lòng-thòng, toan thồn vào miệng bỗng bị chận cổ, trào ra. Rồi cả thảy hỗn-loạn áp bổ đũa lên đầu lẫn nhau lốp-bốp, ré khóc, chữi-rủa dậy làng. Anh Bảy não-nề, quát:

-Quỉ phá nhà chay hử ? Thôi nghe! Tao đập hộc gạch bây giờ ...

Và nhìn các chiến sĩ hung-hăng, chẳng rõ nghĩ-ngợi gì, anh Bảy nhe răng, cười thầm, gải đầu khô, gào xuống trắng-giả như mưa. Đôi khi, thấy chúng không đếm xỉa tới cha, chị Bảy hiền-lành, xen vào, la dứt với giọng van-lơn :

-Thôi mà ! Khổ lắm, các con ơi ...

Chúng ngững trông vẻ mặt thuần-hậu và buồn-bã của mẹ mới chịu ngưng chiến, xếp gậy tre, đâu về chỗ đó. Chị Bảy bới cơm xong, anh Bảy ra hiệu-lệnh ''chèo''. Tức thì, chúng chụp đũa lẹ-làng, mạnh ai nấy giành, lùa cả búng, nuốt càng cơm nóng, bất kể nghẹn. Có đứa láo ăn, dộng một lượt ba bốn con tôm mặn chát vào mồm, mắt trợn trắng, mũi-dãi lòng-thòng, báo-hại chị Bảy mất công kéo ra, móc họng. Một lát sau, vét gần lủng đít nồi, chúng gieo cơm như mạ, bỏ vãi-chài, đoạn tiến lại khạp, tranh chiếc gáo dừa múc nước, đấm đá nhau ành-ạch. Rồi lại chửi-bới, rồi lại khóc-lóc, rồi lại xáp chiến, lung- tung-beng chẳng kể quân-thần, phụ-tử...Anh Bảy vẫn não-nề, vẫn quát :

-Thôi nghe! Tao đập hộc gạch hết bây giờ ...

Rồi cũng cười thầm, cũng gải đầu khô, gào xuống trắng-giả như mưa. Còn chị Bảy cũng xướng đồng một điệu:

-Thôi mà! Khổ lắm các con ơi ...

Xáp trận đã nư xong, chúng chia nhau từng tốp tản-mát khắp nơi. Chị Bảy ngồi trước đống chén dĩa sứt mẻ, đút cơm cho hai đứa con nuôi. Đoạn, còn, hai vợ chồng ăn; hết, hai vợ chồng nhịn.

Ấy thế, ngày nào như ngày nào, cơm nước xong, cả thảy phơi thân trần-truồng năm tháng dưới nắng mưa, đi mất dạng, tốp nhảy đùng xuống rạch, tốp dạo xóm, tốp vào miễu ngủ, tốp mò chem-chép, tốp leo cây. Thả ta-bà cho đã đời rồi bao giờ thấy bụng đói, không đợi ai kêu réo, mười hai vì tinh-tú, mang mình chồn-hôi, cáo-cộc về đông-đủ tựa thiện-nam tín-nữ trẩy chùa rằm tháng bảy.

Chị Bảy đầu tắt mặt tối, thời-giờ đâu dư để chăm-nom tắm rửa hoặc lo sức-khỏe cho con. Tuy nhiên, chúng vẫn ăn chơi, mạnh giỏi. Độ nào, thằng Buồm trúng thực ói mật xanh, nóng vùi, nằm chèo-queo dưới sàng bà Năm-Lê từ chiều tới sáng, nhưng chị nào có hay. Cũng tội! Chị công-việc bộn-bề, đầu đội, vai mang, chân trèo, tay xách, hơi đâu kiểm-điểm đạo binh hung-hậu ăn có ó không ấy! Nhưng chả sao, trưa lại, thằng Buồm lơn-tơn về, miệng nhai ngổm-ngoảm một cái bánh-ếch khổng-lồ nhuân dừa của ai cho nó. Và khỏi phải thuốc thang, chị Bảy ra sau hè đào gừng cho nó nuốt trọng với muối, hớp nước ao. Tự-nhiên, qua hôm sau, tứ chi, ngũ tạng, lục phủ, mach-lạc đều thong, thằng Buồm phục-sức, chạy có cờ .

                                                                        *

                                                                   *        *

Tuy ngèo tiền-bạc, vợ chồng anh Bảy Đức giàu con, giàu nhân-đạo. Thương con mình, lại thương con người dưng, họ thà chịu cực chẳng thà đợ con nuôi miệng. Hơn nữa, anh Bảy có một gia tài vô-giá mà từ bực vua-chúa tới hạng sang giàu muôn hộ chưa chắc có được. Chính vì của quí-báu đó nên đời anh khổ-sở lầm-than. Bậy thật! Nhè có thứ đồ quan yêu , phú hào chuộng, thèm nhểu nước dãi, tài nào khỏi mang họa vào thân!

Anh Bảy có một bức tranh thủy-mạc sen-lê, của tổ-phụ để lại. Giai-tác ấy do một họa-sĩ vô-danh vẽ hồi cuối đời Thanh, nước thuốc thắm-tươi, trông tựa cảnh thiên-nhiên linh-hoạt. Hình như hoạ-sĩ đã đem cả tinh-thần, tài-nghệ truyền vào đó cho nên nó mê- hoặc làm sao, nó quyến-rủ cách nào mà anh Bảy đủ can-đảm chịu bần-cùng nhưng không đủ can-đảm ngửa tay đổi lấy một nghìn đồng bạc lớn! Anh Bảy mê nó có lẽ còn hơn Trụ vương mê Đắc-Kỷ. Đứa con nào rờ tới, dầu cưng thế mấy, anh cũng quất thấy mồ tổ ông cha. Chị Bãy đã một lần vô-ý bưng chén chè nóng để gần  làm nó thấm-ướt một chút xíu mà anh khóc mướt, đòi tự vận. Cuốn tròn bức sen-le cất trong tủ đứng, thỉnh-thoảng, chờ ngày lành vào khoảng trưa, anh Bảy đem ra treo trên bàn thờ, rồi anh khép cửa để bóng nắng lùa vào lờ-mờ, gió thoảng hắt-hiu, bức tranh xao động; anh mới ngồi dựa trường-kỷ, tay cầm chén chè Đại-hồng hơi lên nghi-ngút, mắt ngắm-nghía, tơ-mơ ...Anh Bảy tưởng thấy một bầy le-le tung-tăng trên mặt nước gờn-gợn, giữa những búp sen ửng đỏ rung rinh thảo nét ''rồng bay, phượng lộn'' xuống lá sen màu xanh sậm lung-lay trên ngấn nước xanh lờ. Anh Bảy mê quá đi mất! Đôi khi không muốn riêng hưởng một mình, anh chạy kêu cho kỳ được vợ và thằng Tàu, con Bè lên xem. Thằng Tàu chẳng hiểu khỉ-khô gì, nghe cha khen nứt-nở, phụ họa theo, la ''Á ngộ quá ta!''khiến anh Bảy khoái tỉ-tê cả thớ tâm-hồn, xác thịt.Vì bức tranh, anh Bảy được thầy Cai Ngữ đem lòng yêu-chuộng. Mặc dù là dân canh, thầy cũng mời chung ăn uống. Thầy khét tiếng là con cọp ở quanh vùng. Hương- chức thoáng thấy dạng thầy đã ríu-ríu cuối đầu. Còn dân-dã chỉ tìm đường lánh mặt, hoặc rủi gặp lỡ giữa đường, họ cóm-róm, lột khăn xá mọp. Ai không nể một ông quan-con thường bắt tay quan-lớn với nụ cười thân mật? Thế mà thầy cai Ngữ lại ra chiều niềm-nỡ với một tên cùng-đinh, áo đống phèn, để lòi cả bụng. Rõ vinh-hạnh chết đời anh Bảy!

Lần hồi thầy cai Ngữ giao ruộng cho vợ chồng anh Bảy làm. Họ thiếu hụt, thầy xuất tiền cho mượn thay vì theo người khác, phải trả lời kép. Sợ vợ chồng anh Bảy nghi-kỵ lòng tử-tế của mình, thầy nhìn bà con với chị Bảy hồi đời cao-tằng cố-tổ, cho nên chị cảm-động vô-cùng. Mùa nào lúa góp rồi, thím Cai cũng cho thêm hai giạ và thỉnh thoảng hay lui tới chuyện trò ra chiều thân-mật. Và chẳng bao lâu, thầy cai lại đưa một trăm đồng để anh mua cặp trâu cui của  ông tư Tý.

Làm đâu dược ba năm lien-tiếp,.. anh Bảy thấy còn nghèo hơn xưa. Cứ một trăm giạ phải đong cho chủ điền hết sáu chục giạ; còn dư bốn chục giạ để xây-xài trọn năm với một gia-đình đông-đúc  như thế, tài nào không mắc nợ nần? Rồi cặp trâu lại về thầy cai, đã vậy còn thiếu thêm bốn trăm bạc tiền thuế đất và nhà có kỳ-hạn. Vợ chồng anh Bảy bắt đầu khổ. Cả ngày, họ ngồi khoanh tay rế, vợ ốm, cổ lòi gân xanh, chồng ngồi cú-rũ, gải đầu gào bay trắng giả. Buồn-rầu lui tới họ luôn...

Bấy giờ thầy cai Ngữ bắt đầu thật-hiện khát-vọng mình ấp-ủ từ lâu. Một hôm thầy Cai mời anh Bảy lên định đưa thêm năm trăm, cố tâm muốn xiết bức sen-le một cách ôn- hòa. Thầy phân-trần hơn thiệt:

-Anh Bảy nghĩ lại coi...Bề nào cũng bà-con, anh để lọt vào tay kẻ khác cũng uổng. Vả lại, về tôi, bức tranh còn là bao giờ anh làm ăn khá, anh chuộc lại, có hề-hấn gì? Chớ anh cất trong tủ lâu ngày sợ e dán nhấm, mọt ăn; chi bằng anh đưa tôi gìn-giữ di-tích của ông bà và hơn nữa, tôi cũng là nhà tai mắt, ăn trên ngồi trước, quan quyền thường lui tới, chẳng những anh làm cho kiếng họ nhà ta được thơm danh với đời mà tôi cũng nở mày nở mặt với người ta nữa .

Anh Bảy ra về, nằm vắt tay lên trán nghĩ-ngợi suốt đêm. Nghe lời vợ giác-đát, anh đem dâng bức sen-le. Anh bảy khờ-khạo cho thầy cai tử-tế, chớ anh có ngờ đâu nhà giàu đưa ra cái gì cũng đã nghĩ rất chin lắm rồi và luôn luôn cử-chỉ không hồn-nhiên của họ, dầu trong việc phước-thiện, cũng phưởng-phất mùi tư lợi. Ấy thế nhờ đem con tép nhử con tôm, thầy cai Ngữ, vài hôm sau, đã làm chủ vĩnh-viễn bức sen-le vô giá.

                                                             *

                                                         *      *

Thầy cai Ngữ đem tranh về lộng kiếng, mgắm-nghía, hài lòng. Thầy làm tiệc linh- đình ăn mừng, mời ông quận, bạn thiết và hương-chức cùng các bực phú-hào đến dự để thầy có dịp khoe của báu. Ông trước hảo săn gái đẹp, và ưa khai-khẩn vợ nguời, ông sau mới đáo-nhậm thích chài đồ xưa và hay nuôi hạm : cha mẹ dân rõ mang nhiều tật-bệnh kỳ-thú, hiểm-nghèo khiến làng xóm lo rầu thúi ruột! Thấy bức sen-le, ông phủ trở về nhà phát cảm nặng, dã-dượi tương-tư, bỏ phế việc quan. Đêm đêm, ông tưởng bầy le-le và dám sen, ngó trắng búp mũi viết, cánh hường, trằn-trọc mãi. Ông ký Vạch, cánh tay mặt của ông phủ, chài lưới có nhau, hiểu rõ nguồn-cơn, mới bày mưu-kế :

-Quan-lớn không muốn, chớ muốn thì dễ ợt ! thầy cai dưới quyền quan-lớn, quan-lớn cứ nài lại bức tranh, thầy vị nể dám đâu từ-chối. Ví bằng thầy không để, quan-lớn sai lính đòi chừng đôi ba phen, giả-vờ giận-dũi. Tự-nhiên thầy sợ sẽ có nguy-hại chức-tước mình; hễ chức-tước mất, thầy ra rơm, còn gì thể diện! Một tên lem-nhem ba lá mít mới vừa được quan lớn cất nhắc lên tới bực thầy cai, ngồi trên cổ làng, nghĩ cũng chẳng dễ đâu, quan lớn  ạ. Những tụi dốt học làm sang, chỉ sống tùy tước-phẩm. Bán nhà, cố ruộng, thậm-chí đến con gái họ, họ cũng hy-sinh miễn có chút để lòe, để dọa nạt mấy thằng dân đen, là vinh-hạnh. Vậy, muốn có bức tranh hay không là tùy quan-lớn chớ nào phải tùy nơi thầy cai Ngữ ...?

Ông phủ gật đầu, cười chúm-chiếm. Và ngày hôm sau, y kế thầy ký, ngài thi-hành. Thầy cai ban đầu dụ-dự, nhưng sau khi ông ký tới nhà phân trần lợi-hại, thầy cai bóp bụng tặng không bức tranh cho quan-lớn mặc dầu ngài cố nài-ép trả tiền. Kết cuộc, ông phủ hả-hê, thầy cai đau quặn ruột, thầy ký được thưởng ba trăm để đền-bù công lao mưu-sĩ quạu ...

                                                            *

                                                        *       *

Thầy cai tiếc bức tranh, rầu mất của. Chợt thầy nhớ tới chuyện dùi đánh đục, đục đánh săng, thầy tính đem vợ chồng anh Bảy ra cạy gỡ. Thầy cho vời anh Bảy tới, thầy nói:

-Nếu bức tranh ấy không vào tay tôi, anh cũng chả gìn-giữ được. Thì ra, khi không tôi chịu thiệt thế cho anh. Vậy, anh Bảy nên hiểu chỗ đó mà hồi lại năm trăm đồng cho tôi, để mỗi người gánh phân nữa.

Anh Bảy Đức làm thinh gải đầu gào xuống như mưa. Thầy cai Ngữ sốt ruột, gắt-gỏng:

-Sao? Anh tính sao?

Anh Bảy , lần tay gải ót, ngó xuống thưa :

-Bẩm thầy, tiền đâu còn...

Thầy cai vỗ bàn, thét:

-Chớ mới đưa cách đây chưa đầy một tháng, anh làm gì hết? Hay anh muốn sang- đoạt của tôi ? Tôi nói thật : ai mà ...

Vợ thầy cai đang khện con ở dưới bếp, vùng chạy lên, khuyên dứt :

-Thầy sắp nhỏ sao mà nóng quá! Chuyện đâu còn đó, anh Bảy tuy nghèo chớ anh rất quân-tử, phải như ai kiến tài ám nhãn đâu?

Đoạn xây qua anh Bảy, bà cai cố cười mơn, nói ngọt:

-Chắc anh sợ chị Bảy buồn...Nhưng không hề gì, anh trả lại rồi một ngày kia, bao giờ anh muốn làm làng, nhà tôi dắt anh ra quận nói dễ ợt. Anh sẽ được gần quan, dân-dã kính-vì, chẳng vinh-hiển lắm sao?

-Bẩm bà cai, tôi rất đội ơn bà cai, nhưng ngặt một điều là, tôi xin thề có hoàng-thiên hậu-thổ, tôi không còn một xu dính túi. Năm trăm thầy đưa dạo nọ, thằng Tám Hạnh em tôi, nó đã lấy hết lên Sài-gòn làm vốn, chỉ cho mấy đứa con tôi mười đồng thôi. Mà nghe đâu, nó đánh gì-dách thua trớt rồi. Thật em tôi dại-dột quá!

Bà cai xụ mặt, bỏ đi. Thầy cai phùng mang trợn dộc, la vang:

-Đồ trâu! quân ăn cướp! Về đi! Rồi bây sẽ biết tay tao ...

Anh Bảy mặt tái như gà thiến, run lập-cập, cóm-róm Xá thầy cai bước ra .

                                                                        *

                                                                    *       *

Năm 1940, Pháp và Đức xáp chiến. Cộng-sản nổi lên chống Pháp. Nhưng vì lực-lượng còn kém và chưa thâu-phục được dân-tâm, họ bị đàn-áp, tiểu trừ. Anh Bảy Đức đang lui-cui đốn vẹt sau hè, bỗng thấy một tốp lính, súng ống hẵn hòi, dẫn đầu là thầy cai Ngữ, áp tới vây nhà và bắt anh đánh nhừ-tử, đoạn trói ké dắt đi ...

Từ đó, anh Bảy Đức bặt tin luôn.

Mãi đến năm 1945, khi chánh-quyền ở trong tay nguời Việt-Nam, tội đày ở Côn-nôn được đưa về quê-quán, chị Bảy ốm lòi xương, áo quần tơi-tả, hay tin, dắt đàn con dại ra quận đón chồng. Đúng sáu giờ chiều, chiếc ghe chài cặp bến, tù-nhân áo-quần rách- rưới, hao-gầy, mặt vàng lửng, tay chân thủng, đầy ghẻ-chốc, kẻ ôm chiếc nóp, kẻ chống gậy, đi hàng hai dưới bóng hoàng-hôn trông tựa lũ âm-binh, tiến lên miễu Cô-hồn dùng cơm tối. Có kẻ được vợ chồng cha con gặp nhau, mừng khóc mếu-máo. Có kẻ không thấy lại vợ, nhìn con, tủi phận, nước mắt như mưa. Chị Bảy Đức cùng đám con đứng nép bên lề đường nhìn từ người cho tới hàng chót, nhung không thấy chồng đâu cả. Chị dở chéo áo lau mặt, lảo-đảo ra về.

Con Mui, sinh sau ngày anh Bảy bị bắt, hỏi đon:

-Ba là ai đâu, má?

Chị Bảy vùng khóc nức-nở, kể:

-Ba mấy con đâu còn nữa, con ơi !...

2/8-6/8 - 49