VỀ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU VÀ LÝ-LUẬN VĂN-HỌC

Nguyễn Vy-Khanh

 

Cuộc tranh luận về Nguyễn Đình Chiểu trên tạp chí Văn Học (California) từ số 141-142 (1&2/1998) cho thấy rõ văn học liên hệ mật thiết với chính trị và thứ nữa, chúng ta vẫn hãy còn có nhiều vấn đề chưa ngã ngũ. Chưa, không phải vì chúng ta không hiểu những trục trặc, mà vì chúng ta vẫn chưa có một môi trường chính trị và văn học thuận tiện để giải quyết và phát triển lý luận văn học. Đã đến lúc nên "thu dọn chiến trường" nhưng phải chăng chiến tranh hãy còn? Ông Đỗ Ngọc Yên gọi đó là "di chứng chiến tranh trong tư duy học thuật" (Văn Học 148). Một hình thức khác của tranh luận "nghệ thuật vị nhân sinh / nghệ thuật vị nghệ thuật" của những năm 1935-1939 ! Lúc bấy giờ vấn đề đến với giới văn nghệ vì Việt Nam chuẩn bị đấu tranh chính trị. Vấn đề hôm nay có khác, nhưng dù sao nhiều người dễ đồng ý kiến rằng đã đến lúc phải duyệt xét lại một số lý luận văn học cũng như một số vấn đề văn học sử, nhất là việc dùng chính trị làm tiêu chuẩn cho văn học hoặc đi xa hơn nữa, dùng chính trị "áp đảo" văn học và đời sống!. 

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc khởi tranh luận khi đặt vấn đề tái định giá ca dao, đã đưa nhận xét cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã là tiêu biểu cho một "lý tưởng ở đường cùng"? Theo ông, những câu

"Vân Tiên cõng mẹ chạy ra,

Đụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy vô...

Vân Tiên cõng mẹ chạy vô,

Đụng phải cái bồ, cõng mẹ chạy ra,

Vân Tiên cõng mẹ chạy ra ... "

một cách nào đó chứng tỏ chân lý Nho học đã không có lối thoát, "trung, hiếu, tiết, nghĩa" bị lung lay vào thời Nguyễn Đình Chiểu, "một lý tưởng ở đường cùng". Điều này ngày hôm nay ai cũng dễ đồng ý, riêng các ông Đỗ Ngọc Yên, Nguyễn Minh Tường vì lý do riêng dễ hiểu đã không đồng ý và riêng ông họ Đỗ phản đối Nguyễn Hưng Quốc "đem thước đo của lý tưởng đạo đức và xã hội áp đặt vào tác giả và tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu". Theo thiển ý, Nguyễn Đình Chiểu dù "ở đường cùng", cũng đã hết lòng với lý tưởng ông đã theo đuổi suốt cuộc đời.

Nguyễn Đình Chiểu tiêu biểu cho một "lý tưởng ở đường cùng"? Trường hợp Nguyễn Đình Chiểu không phải là độc nhất. Vua quan nhà Nguyễn ở những năm giữa thế kỷ XIX, trước hiểm họa xâm lăng của người Âu, đều đã không thức thời. Đạo Nho kiểu Tống Nho không thể cho phép họ thức thời vì những quy chế đó cứng ngắc, bó khuôn! Vua Tự Đức và quần thần thừa hưởng những công trình thống nhất đất nước và xã hội ổn định theo Khổng Nho của tiên vương; họ có khuynh hướng "đóng", "bế quan tỏa cảng" để bảo tồn hơn là khai phóng và thực tiễn theo biến cố và thời đại - súng ống kỹ thuật Tây phương đã đe dọa Trung quốc và Nhật Bản trước khi đe dọa bờ biển Việt Nam ! Nho học - Tống Nho thì đúng hơn, khiến vua quan Trung quốc ngày xưa quen tự cao: thiên triều, rốn vũ trụ, "trung" quốc! Sau Minh Mạng, các vua Thiệu Trị và Tự Đức đã đoạn tuyệt cả với văn minh phương Tây mà vua Gia Long là người đã khéo  léo dung hòa theo kiểu Việt Nam. Vua đã thế, quan đã thế mà những Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương cũng đã là những tiêu biểu đường cùng: cụ Phan không giữ được ba tỉnh miền Tây, khi mất Vĩnh Long, đã uống thuốc tự vẫn, cụ Nguyễn bị thương khi đánh Pháp, đã không chịu nhận chăm sóc cốt tìm cái chết, và cụ Hoàng tuẫn tiết theo thành Hà Nội. Tống Nho bị khủng hoảng mạnh, vì quá gò bó, thiếu tính "động' và "biến" của đạo Nho ban sơ. Hành cử của các vị này chứng tỏ tư cách cao của họ, trung quân ái quốc và sĩ phu, nhưng không cứu được ai, cũng không làm chết thêm một tên lính xâm lăng nào!

Nhưng trong bối cảnh lịch sử đầy biến động ở cuối bán thế kỷ XIX, Nguyễn Đình Chiểu đã là một chiến sĩ văn hóa yêu nước dù ông đã mù lòa khi tai biến đến. Năm 1858, Pháp đánh thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu phải bỏ quê quán ở Gia Định để chạy về Cần Giuộc nhưng không được lâu, năm 1861 ông lại phải chạy giặc về Bến Tre. Trương Định mời ông làm quân sư nhưng ông lấy cớ mù lòa để từ chối. Từ đó ông giữ tiết tháo, sống đời dạy học và làm thuốc. Ông dạy học trò không thụ hưởng gì của Pháp (cụ Phan Thanh Giản cũng đã khuyên con cháu không hợp tác với Pháp trước khi uống độc dược), chính ông đã từ chối đề nghị trả đất của viên tham biện (tỉnh trưởng) Bến Tre Ponchon cũng như không nhận trợ cấp của thực dân.

Văn chương của Nguyễn Đình Chiểu tiêu biểu cho văn chương yêu nước, đề cao lòng trung quân ái quốc. Người hôm nay xét lại thì dễ "chê" ông là "hủ nho", không thức thời! Nhưng "ở đường cùng" và là nạn nhân của một luân lý đạo đức, ông đã không có thái độ nào khác hơn là bênh vực và phổ dương triết lý đó. Và ông đã là một "hủ nho" có khí phách. Nguyễn Đình Chiểu cũng như nhân vật Lục Vân Tiên của ông vùng vẫy với "hành trang" đạo lý đang tàn và bất lực trước họng súng thần công của Pháp. Lục Vân Tiên tiêu biểu cho một con người miền Nam lục tỉnh, dễ bất bình và đầy nghĩa hiệp. Qua Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã nói lên tâm trạng và thái độ, hành cử của giới sĩ phu trước hiểm họa của người Pháp xâm lăng: đất nước Việt Nam sẽ mất độc lập và người dân sẽ mất gốc! Nỗi lo lắng đó đã thể hiện qua con người Lục Vân Tiên: hào hiệp cứu người lâm nạn, nhưng cứu xong, xin người đó - là một cô gái, Kiều Nguyệt Nga, hãy "khoan khoan, ngồi đó chớ ra", tiếp tục "thụ thụ bất thân", dù sau này có thể sẽ nên duyên chồng vợ! Đạo lý cả lúc ... biến! Nỗi lo đó cũng bầy tỏ qua thái độ phân biệt bạn thù và tư cách chiến sĩ của Lục Vân Tiên. Nguyễn Đình Chiểu có ái quốc lãng mạn quá chăng ? Nước mất nhà tan, chạy loạn từ Gia Định về Cần Giuộc rồi Bến Tre, là những cái sống thường ngày và phẫn nộ của ông, một sĩ phu mù lòa bị trói tay, vũ khí còn lại của ông chỉ là thơ nói và văn tế. Nguyễn Đình Chiểu nói thơ, làm văn tế với mục đích "chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm  / Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" (Than Đạo), vì "tiếng đồn trung nghĩa đến xa / Thì giữ cang thường làm chắc" (Văn Tế Lục tỉnh nghĩa sĩ trận vong); và "thơ Vân Tiên" từ lâu đã được người bình dân Nam kỳ lục tỉnh xem như một hệ thống luân lý "thiện ác đáo đầu chung hữu báo".  Đấy đã là một hình thức yêu nước cụ thể. Lãng mạn chăng là những người đem lòng yêu nước đó áp dụng cho hôm nay, tìm cách đánh động lòng yêu nước ở con người chân chất ở miền đất được gọi là "Nam bộ", cho cuộc chiến vừa qua chẳng hạn! Cũng như lòng yêu nước và dân tộc cực đoan không bàn cải! Thành ra chúng tôi nghi ngờ chuyện nói Nguyễn Đình Chiểu chống Pháp để "giải những stress cá nhân và thời đại" như ông Đỗ Ngọc Yên! Vì cũng không thể nói Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu tự sát khi thua giặc cũng là một cách "giải những stress cá nhân và thời đại". Chúng tôi nghĩ họ hành cử theo đạo nho nhập thế, theo lối người quân tử, người chiến sĩ - nếu phải dùng chữ thời đại! Thù bạn phân biệt rõ, nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã quá khích, đã không dùng cả những tiện nghi của thời đại như xà bông giặt quần áo. Hình như ông từ chối "thức thời"! Anh hùng hảo hớn, đến cùng!

Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu thuộc "văn chương tải đạo", mà chuyện "tải đạo" thì hình như thời nào cũng đắt khách. Sau ông, Trương Vĩnh Ký "tải đạo" để văn hóa dân tộc được sống còn, miền Bắc cộng-sản và miền Nam cộng-hòa trong thời 1954-1975 đều "văn học tải đạo" vì phải điều động hoặc đối đầu với chiến tranh. Không "đạo" là chết hoặc thua! Lòng yêu nước cũng là "đạo" của nhiều thời và "lòng yêu nước" tưởng là ý niệm tuyệt đối, đã thật là tương đối trong thời gian và không gian. Khi người Pháp đến xâm chiếm Việt Nam vào đầu hậu bán thế kỷ XIX, vua quan nhà Nguyễn "yêu nước" hơn hay Nguyễn Trường Tộ? Các vị thuộc Văn Thân, hay Đề Thám hay cụ Phan Châu Trinh, là người thật sự yêu nước? Đánh đuổi thực dân Mỹ là "yêu nước" hay còn tùy? Hình như ý niệm "yêu nước" đã bị lạm phát. Dù gì đi nữa thì ít ra yêu nước có hai hình thức : yêu nước bảo thủ, giáo điều và yêu nước thực tiễn. Vua Gia Long và phần nào vua Minh Mạng thực tiễn hơn hai vua Thiệu Trị và Tự Đức nệ cổ và đã không thức thời khi bị biến, những tưởng lòng ái quốc theo Nho giáo đã đắc thủ sẽ giải quyết được mọi hiểm nguy! "Thành đồng" Tống Nho đã gục ngã trước con buôn quốc tế và trước họng súng của "bọn Bạch quỉ", nói theo ngôn ngữ "tự cao" thời bấy giờ!

Nguyễn Đình Chiểu không thức thời, cũng có thể ông không chịu thức thời? Dù sao ông đã không quá "theo thời" như Tôn Thọ Tường. Tuy nhiên, Nguyễn Đình Chiểu đã tự nguyện "thức thời" khi thấy đất nước bị ngoại xâm, nên qua Lục Vân Tiên, các bài văn tế và thơ văn khác, ông muốn đề cao và truyền lại cho hậu sinh những giá trị đạo đức cổ truyền đã chịu thử thách của thời gian như "trung, hiếu, tiết, nghĩa", những giá trị sẽ được Trương Vĩnh Ký tiếp nối phổ dương. Hiện nay đã có nhiều tiếng nói nhìn nhận Trương Vĩnh Ký "thức thời" hơn và có cái nhìn dân tộc "động" hơn nhiều sĩ phu thời ông.

Nhưng bản thân Nguyễn Đình Chiểu viết Lục Vân Tiên là cũng như các tai mắt trong Nam bấy giờ đã hiểu trách nhiệm đối với văn hóa dân tộc, đối với lý tưởng đạo đức khởi từ "tứ thư ngũ kinh". Họ hiểu sứ mạng của họ vì miền đất mới sẽ bị mất cá tính văn hóa trước sự đồng hóa của thực dân Pháp! Vào thời điểm đó, có thể nói Lục Vân Tiên là viên gạch đầu tiên khởi dựng một nền đạo lý bình dân mà dù theo tín ngưỡng nào, con người Nam-kỳ lục tỉnh cũng nhận chịu nền tảng đạo đức đó - đã trở thành cốt lõi của con người miền đất này. Sau Nguyễn Đình Chiểu có Trương Vĩnh Ký, Trần Chánh Chiếu, các nhà văn Tân Dân Tử, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Phú Đức, v.v. và gần hơn có Bình Nguyên Lộc, Hồ Hữu Tường, bà Tùng Long, v.v. Dấu vết đạo đức đó còn tìm thấy trong các bài vè, phương ngữ, thơ truyện và bài bản cải lương và cả trong nền tảng của các tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, Bửu-Sơn Kỳ-Hương. Vân Tiên tiếp tục "cõng mẹ" là vì thế!

"Vân Tiên cõng mẹ trở ra

Đụng phải Chà Và cõng mẹ trở vô

Vân Tiên cõng mẹ trở vô

Đụng phải (ông) Tây cồ cõng mẹ trở ra"

dĩ nhiên là những câu ca dao này xuất hiện sau cả những câu Nguyễn Hưng Quốc đã đưa ra khởi xướng tranh luận. Hình ảnh một xã hội Việt Nam bị các thế lực ngoại bang thao túng ngay trên đất nước mình. Trần Chánh Chiếu và bạn hữu ông những năm 1906 khi đề xướng phong trào Minh Tân Công Nghệ chắc cũng cùng tâm sự! Thực dân cấu kết với Chà Và (và Hoa-kiều) kiểm soát hầu bao người Việt bị trị.

Hai câu ca dao (*) "Vân Tiên ngồi dưới gốc môn / Chờ cho trăng lặn bóp l... Nguyệt Nga" nói như Nguyễn Hưng Quốc, là "một cách phản ứng chống lại thái độ đạo đức khắt khe, có phần giả tạo của Lục Vân Tiên, và phần nào của Nguyễn Đình Chiểu", và nhắm phê bình "quan niệm đạo đức cũng như cách thức xây dựng nhận vật của cụ Đồ Chiểu".  Vân Tiên "quốc trạng" triều đình sai đem binh dẹp giặc Ô-Qua, chàng lạc đường vô tình đến ngay nhà ... Nguyệt Nga. Sau nhiều năm xa cách, nàng đã lập bàn thờ chàng, cuộc tái ngộ cả đêm "... ân tình càng kể càng ưa / mảng còn bịn rịn trời vừa sáng ngay" mà không xảy ra một tai nạn nào! So với Kim Trọng-Thúy Kiều, tình Vân Tiên-Nguyệt Nga "đẹp" và "sạch" hơn, dù đời hai người sau cũng nhiều éo le, không trơn tru cho lắm, trước đoạn kết có "hậu"! Dĩ nhiên, "văn chương phải đạo" thường gượng ép, giả tạo, "nhạt". Vì mục tiêu "tải đạo", các nhân vật Lục Vân Tiên đã trở thành biểu tượng luân lý do đó mất cả tự nhiên! Truyện Lục Vân Tiên được truyền bá sâu rộng trong giới bình dân, cứ "nói thơ" đạo nghĩa hoài cũng sẽ có lúc có người làm "thơ" hay đặt vè phê phán lại Lục Vân Tiên và tác giả của nó, một phản ứng tâm lý bình thường chê giới có học, nhà nho vốn đại diện cho uy quyền. Dân gian còn đặt truyện Hậu Vân Tiên kéo dài thêm chuyện theo ý họ! Hai ông Vi B. Vương và Hoài Hương (VH 144) có lý khi cho qua hai câu ca dao đó, người bình dân muốn Vân Tiên gần gũi họ, một "người" như họ.  

Khi nhà văn Thế Uyên nhận xét người miền Nam viết văn "lửa tình rực cháy" và viết về tình dục "chi tiết thật cụ thể", ông đã nhìn qua "lăng kính" đã bị thanh giáo hóa bởi một văn hóa "Tống nho", "chính thống" của đất ngàn năm văn vật! Người bình dân miền Nam, họ thấy thường! Từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, người miền Nam vì lý do địa lý và chính trị đã xa cách miền Bắc chính thống từ tiếng nói đến phong tục. Trong khi người miền Nam phải đối phó với một miền đất hoang dã của đồng bằng miền Đông và Tây lục tỉnh, phải đối đầu với những thế lực không-Việt (Miên, Pháp), thì người miền Bắc đất đai đã yên ổn, đã có thì giờ lo đến cơ cấu, toàn vẹn hóa hơn, nhưng trong thực tế đã "hình thức" và "xơ cứng" văn hóa với đủ diển lễ. Vì thế người miền Nam thực tiễn hơn, công bằng hơn, trong cả vấn đề tình dục. Văn viết hay nói của họ giàu hình tượng và đi thẳng vào vấn đề hơn là cứ đi vòng ngoài. Người đàng Ngoài khi bóng gió "đồ này đồ nọ" hình như thiếu tự nhiên. Người của miền đất mới nói và viết cốt cho "đã", còn người miền đất cũ nhắm cái khéo, cái hay, cái tế nhị và thường lưỡng nghĩa hay hơn nữa! Nói tục đã trở thành một nhu cầu tự nhiên, không nói tục được sẽ bị dồn nén, uất ức. Con người thường có những nhu cầu bình thường mà địa vị chính thức không cho phép. Nhu cầu "xả xú bắp" chẳng hạn. Tôi còn nhớ những người bạn thời đại học sư phạm người Nam quen "đ.m." mỗi khi nói chuyện hoặc vô tình khi đi thực tập, đã phải tập nuốt nước miếng mỗi khi hai chữ "thần chú" đó muốn ra khỏi miệng, chứ nếu không làm sao làm "thầy" khi ra trường! Nhưng ra khỏi lớp, đâu hình như vẫn hoàn đó!

Nhà nho, trí thức, sẽ trốn chạy thực tại, trốn vào trong con người dân giả, bình dân qua ca dao tục ngữ. Tưởng cần nhắc là ca dao hay văn truyền miệng lúc đầu là do mấy ông có chữ làm ra, thêm bớt, ít ra vào thời chưa có chữ viết hay chỉ có tiếng Hán. Ngay cả truyện thơ lục bát dài như Phan Trần, ... đều do các vị đó nhưng lại ... khuyết danh. Nếu ca dao là văn chương thì không phải đợi đến E. Kant và F. Nietzsche đưa ra những lý thuyết mỹ học cho rằng không nên dùng nhãn quan của đạo đức để nhìn vũ trụ cũng như cuộc sống con người, người bình dân từ lâu đã có loại văn chương chống đạo đức giả! Nhà nho "ban ngày quan lớn như thần", phải giữ thể diện như Lục Vân Tiên nhưng "ban đêm quan lớn tần mần như ma" thì cũng là chuyện bình thường. Cái không bình thường là người đọc loại ca dao phản đạo đức (giả) rồi chê là ... tục hoặc ... bình dân quá!

Việc xét Nguyễn Đình Chiểu có phải là nhà thơ lớn, hình như không đơn thuần là một cắt nghĩa về thi pháp! Các tác phẩm của ông như truyện Lục Vân Tiên, các bài thơ và văn tế có giá trị văn học không? Nếu văn học phải gắn liền với sinh mệnh của dân tộc, nếu văn học không thể chỉ là những hình thức hay nội dung "viễn mơ", nhập cảng, thì các tác phẩm nói trên của Nguyễn Đình Chiểu có giá trị và có giá trị văn học; giá trị cả cho những nghiên cứu về văn hóa, xã hội và lịch sử: tâm tình và phong cách con người nơi vùng đất mới, những giá trị văn hóa của họ, cách xử thế, hành cử của họ, ngôn ngữ dân gian nói đặc biệt của họ, v.v. Chính vì Lục Vân Tiên không là Đoạn Trường Tân Thanh, không là những hình ảnh khéo và đẹp, những thuyết lớn như "tài mệnh tương đố", những phổ quát và những mẫu người muôn đời như Sở Khanh, Kim Trọng, Hoạn Thư, Mã Giám-sinh, Từ Hải, v.v.. "Thơ Vân Tiên" chỉ là những lý tưởng phổ quát của đạo lý làm người mà tác giả muốn lưu lại cho hậu sinh, những lý tưởng văn hóa của một đàng Trong bị ngoại bang xâm chiếm, của một "tuyệt thông" với "vua cha" ở đất Thần-kinh! "Than là than bờ cõi lúc qua phân, ngày tháng trông vua, ngơ ngẩn một phương tớ dại" (Văn tế Trương Định). Cũng như Giờ Thứ 25 của C.V. Gheorghiu, Chiến Tranh Và Hòa Bình của L. Tolstoi, For Whom the Bell Tolls của E.M. Hemingway, v.v., thơ văn của ông đồ họ Nguyễn cho người viết sử và người đời sau những chi tiết về những trận chiến thời thực dân Pháp đến qua "lăng kính" của ông, nghe kể lại rồi lòng căm thù giặc mà thành văn. Nguyễn Đình Chiểu còn cho người đồng thời và người sau biết quan điểm của ông về những vấn đề của thời cuộc, cảnh khổ của người dân, v.v. Sau này, trong Dương-Từ Hà-Mậu, ông đi xa hơn, phê bình cả đạo nho và đề nghị vài cải lương xã hội khi nói về đạo tiên! 

Nguyễn Đình Chiểu viết Lục Vân Tiên với sứ mạng phục vụ nhân sinh, với ý thức văn nghệ phục vụ lẽ phải và nhất là dân tộc. Nên xem Lục Vân Tiên như là tâm sự của chính tác giả với những ước vọng không thành, công danh dang dở, cha mất chức từ khi ông lên 12, mẹ chết, mù lòa, sống đời và thời không may. Nói Nguyễn Đình Chiểu "chọn cách đánh giặc ngoại xâm (...), cốt không thắng mà cốt là để giải tỏa các xung năng tâm lý" như ông Đỗ Ngọc Yên (VH 146) thì quả hơi ... lạ!

Có thể nói văn chương bình dân là một cách đối kháng hiệu quả chống văn hóa cứng nhắc của Nho học, và khi người Pháp đã xâm chiếm Việt Nam, thứ văn chương đó chống thực dân xâm lược cũng như sau này chống các chế độ ở hai miền Nam Bắc cũng như khi đã thống nhất. Miền Nam là đất thuộc địa sớm đã ý thức bảo tồn văn hóa cổ truyền, họ đề cao cốt lõi, tinh túy thay vì hình thức. Vì là việc khẩn cấp, vè, "thơ", phương ngữ trở thành phương tiện tiện lợi do đó đã có nhiều tác phẩm vô danh vì tác giả của chúng biết sẽ dễ truyền tụng. Trong Nam, các thể văn này cùng với văn nhàn đàm, tiếu đàm đã là những phương tiện của người dân bình thường phê phán thói đời và con người trong xã hội. Ai đó đã chê - hay phê Lục Vân Tiên, nói theo Nguyễn Hưng Quốc, qua câu "Vân Tiên ngồi dưới gốc môn / Chờ cho trăng lặn bóp l... Nguyệt Nga" là chê con người giả dối, cứng nhắc quá lố! "Thơ", vè không làm công việc phê bình văn học, nhưng phê bình những "điều trông thấy", những nhân vật văn học, con người, cái đằng sau, cái ẩn ý của văn chương và nhà văn. 

Thế Uyên, một tác giả của "nghệ thuật vị nhân sinh" đã nêu nhận xét cho rằng chính trị thay thế văn chương, chính trị dùng làm tiêu chuẩn để đánh giá văn học, đã tai hại đến văn học. Chúng tôi nghĩ văn học phải bám chặt con người và đời sống do đó không thể không "chính trị" (dĩ nhiên chúng tôi muốn nói đến định nghĩa thứ nhất của chính trị: con người giữa tập thể). Văn chương tóm lại cũng chỉ là "lăng kính", là cái nhìn của một người về thực tại, về sự việc hay con người. Vị nghệ thuật hay nhân sinh thì văn nghệ cũng khởi từ ý thức sáng tạo. Nếu văn học phải đạt đến con người phổ quát, thì cũng phải từ con người cụ thể và thời đại. Chính trị lãnh đạo văn nghệ và văn nghệ phục vụ chính trị chỉ là phiến diện giai đoạn và xu thời. Văn chương và cuộc sống đưa đến tác phẩm lớn như Chiến Tranh Và Hòa Bình, A Q của Lỗ Tấn, Les Misérables của Victor Hugo, v.v.. Sứ mệnh của người viết là phục vụ con người qua nghệ thuật của chữ nghĩa. Sáng tạo nghệ thuật là một kết hợp giữa ngoài và trong, giữa ngoại vật với nội tâm. Trong chiều hướng đó,  Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu cũng như Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, đã là những áng văn chương tích cực, phục vụ nhân sinh. Lục Vân Tiên có giá trị của nó, có hay không có Lục Vân Tiên thì cuộc kháng Pháp ở trong Lục-tỉnh có thể vẫn thất bại; nhưng người hôm nay khó có thể phê bình nghiêm khắc Nguyễn Đình Chiểu. Cái nghiêm khắc dễ khiến ta rơi vào thái độ tổng quát hóa, cái gì từ miền Nam đều dở, tầm thường, "tào lao" như đã từng với đạo Cao Đài, với "mảng" văn học tiền phong chữ quốc ngữ, với văn viết của người Nam, tiếng Việt dùng trong Nam, v.v.

 

8-1998

 

Chú :

(*) Dân gian trong Nam gọi 2 câu ca dao này là "vè lục bát". "Vè lục bát" mà dài dòng lại được gọi là "thơ" gốc gác từ chuyện "nói thơ Vân Tiên". "Thơ Vân Tiên" thường được "nói" trước người khác hay đám đông chứ không "ngâm thơ" một mình như "ngâm Kiều"!