Ðại nam Quốc âm Tự vị 1895 - Paulus Huỳnh Tịnh Của

Nguyễn Khắc Xuyên

 

Lời giới thiệu

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị là quyển từ điển Việt đầu tiên và do một người Việt đầu tiên soạn, ấn hành năm 1895 và 1896, cách chúng ta ngày nay 100 năm, 1895-1995. Trước đây, có mấy người viết từ điển: Việt Bồ La của Đắc Lộ 1651, Việt La của Taberd 1838, Việt Pháp của Legrand de la Liraye, 1868, Việt La của Theurel-Taberd 1877, La Việt của Ravier 1880, Pháp Việt của Trương Vĩnh Ký 1887, Việt Pháp của Génibrel 1893. Từ điển của Huình Tịnh Của là từ điển VN, từ điển tiếng Việt đầu tiên do người Việt Nam soạn.

Để giới thiệu bộ sách đồ sộ hai tập, mỗi tập trên dưới 600 trang, chúng tôi không xét về phương diện từ ngữ học, từ điển học mà chỉ nói về ít kiến thức phổ thông rút ra từ cuốn sách này, nhất là bàn giải về các thành ngữ, từ ngữ tác giả đã trích dẫn trong cuốn sách.

Tự vị được hoàn chỉnh sau hơn bốn năm kiên trì làm việc, theo lời tác giả nói. Ban đầu, ông muốn cho ra mắt cuốn sách thành tự vị Việt Pháp. Vì thế, sau khi viết xong phần tiếng Việt, thì dự định cộng tác với mấy người Pháp để viết phần tiếng Pháp. Thế nhưng công việc sẽ rất khó khăn và đòi hỏi một thời gian lâu hơn 4 năm soạn tiếng Việt. Thế rồi người ta bỏ ý định ban đầu mà nhận phần tiếng Việt để thành Tự vị hay là từ điển tiếng Việt mà thôi. Đây là một kết quả rất vẻ vang, một danh dự lớn lao đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong việc sử dụng chữ quốc ngữ trong văn học, tư tưởng và văn hóa VN.  Tờ báo Việt ngữ đầu tiên, tờ Gia Định báo được phát hành năm1865. Ba chục năm sau, tác phẩm của Huình Tịnh Của ra chào đời, mở đường cho những từ điển, tự vị tiếng Việt về sau.

KHOA HỌC THƯỜNG THỨC

Tự vị, từ điển là sách ghi từ ngữ, tiếng nói của một thời đại. Nó phản ảnh kiến thức của một thời đại. Đối với những nước có một nền văn học thịnh vượng, một tổ ấn loát phong phú, những tự vị cũ không sử dụng như những tự vị vào thế kỷ trước chúng ta. Bởi vì sách viết của chúng ta không có nhiều, tự vị của chúng ta như kim chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Từ điển Việt Bồ La thế kỷ 17 đã trở thành những sách thuộc lịch sử mở cho chúng ta biết về thời đại của chúng, về sinh hoạt văn hóa, văn học, xã hội một thời đại. Hơn nữa, những tác phẩm đó có khuynh hướng bách khoa, nghĩa là bàn giải rộng rãi về một phong tục, về một tập quán, một tín ngưỡng, một ‘‘mê tín dị đoan’’, cho nên chúng cho độc giả thời nay hiểu thêm về quá khứ của mình. Riêng Đại Nam Quấc Âm Tự Vị thì được soạn theo tiếng nói miền cực Nam nước Việt Nam, một mảnh đất nước còn khá mới, cho nên nó có một hương vị riêng gây thành thích thú riêng. Sau đây là mấy đề mục.

1. VỀ ÐỊA LÍ

Tứ kì. Theo Huỳnh Tịnh Của, nước VN thời đó hoặc trước đó, chia thành bốn kì, chứ không phải ba kì như trong thời Pháp thuộc và chữ kì ở đây đã có từ thời các vua nhà Nguyễn như Minh Mỵnh, Thiệu Trị. Tứ kì đó gồm :

- Tả kì kể từ Quảng Nam tới Bình Thuận, Hữu kì từ Quảng Trị ra tới Thanh Hóa, Nam kì gồm có 6 tỉnh miền cực nam và Bắc kì là thập nhị thừa tuyên hay 12 tỉnh phía bắc. Riêng về Quảng Đức, năm 1822, tỉnh này được đổi thành phủ Thừa Thiên. 29 tỉnh được phân phối như sau :

- Nam kì : Hà Tiên, An Giang, Vĩnh Long, Định Tường, Gia Định, Biên Hòa.

- Tả kì : Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú An (Phú Yên), Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam.

- Hữu kì : Quảng Đức, Quảng Trị, Quàng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa.

- Bắc kì : Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên, Bắc Ninh, Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng.

Đông Kinh.

Về Kẻ Chợ Thăng Long, tác giả cắt nghĩa là ‘‘Kinh thành bên đông, chính là kinh đô nhà Mẹc tại Hải Dương, người Tây lại hiểu cả đất Bắc kì ’. Chúng tôi băn khoăn về điểm này, bởi vì Toàn thư cho biết : năm 1430, đổi Đông đô thành Đông kinh, Tây đô làm Tây kinh. Tây đô là kinh thành dưới thời nhà Hồ ở Thanh Hóa, còn Thăng Long thì được gọi là Đông Đô. Cho nên việc gọi Thăng Long Kẻ Chợ là Đông kinh ở thời nhà Lê, năm 1430. Huỳnh Tịnh Của có thể nhầm lẫn hoặc hiểu theo câu nói thông dụng : vua ở đâu thì triều đình ở đó. Theo Đại Việt thông sử của Lê Qúi Đôn, thì vào năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, là Hải Dương làm Dương kinh, lập cung điện ở Cổ trai, truy tôn ông tổ 7 đờilà Mạc Đĩnh Chi... Cổ trai là quê Mạc Đăng Dung. Chúng tôi chỉ thấy có vậy. Dẫu sao chúng tôi nêu lên vấn đề ở đây để tiện bề tham khao về sau. 

Đàng Ngoài Đàng Trong.

Tự vị cho hay : Đàng trong gồm các tỉnh ở theo đàng đi vào phía Nam cho tới Gia Định, đối với Đàng Ngoài là các tỉnh theo đàng đi ra phía bắc nước Annam. Câu định nghĩa còn trống, chưa đích đáng như những định nghĩa ở thế ký 17, lúc xảy ra cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn, lấy ranh giới sông Gianh là cõi bờ  Bắc Nam. Nhưng điều thích thú ở câu định nghĩa là chữ theo đàng đi từ ngoài vào trong, từ Bắc vào Nam.

Mấy địa danh.

1. Hoài phố: tên chỗ ở tại Quảng Nam, nguyên là chỗ người Nhật lập bản thuở trước gọi là phái phố, sau này người Pháp gọi là Faĩfo. Điều hữu ích đó là việc nhận định có người Nhật tới buôn bán nhiều ở đây, tức cửa Hội An.

2. Trấn Tây thành là thành xây trong nước Cao Mên, để mà cai trị nước ấy, đời Minh Mạng. Như vậy Trấn Tây thành là thành Nam Vang, nơi nhà Nguyễn đặt cơ sở để bang giao và trấn giữ.

3. Cửa Thuận được cắt nghĩa khá thích thú, bởi vì trước đây gọi là cửa Eo, nhưng vì không muốn cho nó ‘‘teo’’ lại cho nên đặt ra cái tên mới là cửa Thuận. Chính là cửa kinh đô nước Đại Nam.

4. Lũy Trày lấy từ tên một dân tộc ít người ở phía trên tỉnh Khánh Hòa gọi là người Trày, có nước da ngăm đen.

5. Cầu Kho, thuộc hạt Bình Dương, ngày xưa được gọi là Kho cẩm thảo

Điền địa. Về điền địa, chúng tôi thấy nói tới các thứ thuế thời đó gồm có : thuế đinh, hay thuế nhơn (thuế người), thuế thân, thuế đầu người, rồi thuế điền, ruộng, điền trang (cùng thập vật tức tiền bao đệm phải phụ thêm), thuế đất, tức thuế thổ trạch, vu đậu cùng các thứ trái, thuế sai dư là thuế lẻ loi, thuế tiền phụ ngoại. Tóm lại có 4 thứ thuế chính. Cũng có hai cách nộp thuế, thuế chán sắc, thuế món gì thì phải nộp món ấy, Thuế chiết sắc thuế cho dùng tiền hay tính ra tiền mà nạp, như thuế lúa cho tính tiền...

Riêng về thứ ruộng gọi là công điền thì được giải nghĩa như thế này. Phép đời xưa lấy chữ tính (là giềng) chia ra 9 phần, 8 người đều làm riêng, còn phần thứ chính (ở chính giữa) thì làm chung cho vui gọi là công điền.

Chụt Nha Trang. Ngày nay không biết người ta còn dùng chữ chụt để chỉ vũng nhỏ ở dựa ngành có thể cho ghe thuyền núp gió ; chụt Nha Trang, chỗ núp gió ở tại Nha Trang về tỉnh Khánh Hòa.

2. VỀ LỊCH SỬ

Mở đầu QÂTV, có mấy trang nói về các dòng vua Trung Quốc (tr. IX-XI), và mấy trang kể các dòng vua Annam (tr. XII-XIV). Về lịch sử Trung quốc, tác giả kết thúc như sau : ‘‘Kể từ vua Nghiêu, năm giáp thìn, cho đến đời Minh hiệu Trung liệt năm giáp thân, cộng là 3.981 năm’’. Còn về lịch sử VN thì được ghi : ‘‘Kể từ khai quốc cho đến hiệu Đồng Khánh có hơn 4600 năm’’. Thực ra theo, tác giả thì đời Nghiêu ở vào trước công nguyên 2337 năm, còn đời Hồng Bàng thì được 2622 năm. Như vậy ông tính từ Trung Hoa khai quốc mà chỉ tính từ đời vua Nghiêu.

Các bộ lạc Văn Lang. Bộ lạc được định nghĩa là đoàn lũ, xứ sở, chỗ tụ hội, Rồi tác giả viết thêm về các bộ lạc nước Annam như sau : ‘‘Đời Hùng Vương, gọi nước Annam là nước Văn Lang phân làm 15 bộ là Giao chỉ, Châu Diêng, Võ Ninh, Phước Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Võ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Binh Văn, Cửu Đức, Tân Hưng’’.
Nói là 15 nhưng thực ra chỉ thấy 14. Lĩnh Nam Chích Quái ghi đủ 15. Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi cũng chỉ ghi 14. Huình Tịnh Của theo Dư Địa Chí cho nên cũng chỉ viết có 14. Có lẽ Nguyễn Trãi đã không ghi bộ Văn Lang. Vì tên nước là Văn Lang. (coi Nguyễn Trãi toàn tập, KH XH, Hà Nội, 1976 tr. 544,chú 3,1). Trái lại Việt Sử Lược viết vào đời Trần Đế Nghiện (1377-1388) chép là 15 bộ lạc, trong đó có Văn Lang.

Quốc hiệu. Ở chữ Việt, tác giả viết: ‘‘Việt Thường là danh hiệu cũ nước Annam, Âu Việt, Bá Việt cùng nghĩa. Còn Nam Việt là danh hiệu nước Annam bây giờ’’. Thực ra  tác giả còn ghi Đại Việt, Hoàng Việt cùng nghĩa với Nam Việt.  Nếu ghi cho rành, thi viết : Nam Việt là danh hiệu Gia Long muốn đặt cho nước ta sau khi đã thống nhất sơn hà, nhưng nhà Thanh không chịu vì cho Nam Việt trùng tên với Nam Việt thời Triệu Đà, do đó đổi là Việt Nam. Nhưng vào thời Minh Mệnh đã đổi là Đại Nam, cho nên chúng ta có một số tác phẩm mang danh hiệu đó như : Đại Nam Dư Địa Chí Biên, Đại Nam Liệt Truyện, Đại Nam Nhất Thống Chí, Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục, Đại Nam Thực Lục và dĩ nhiên có Đại Nam Quôc Âm Tự Vị. Tự vị của Taberd thì lại là Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị (1838).

Danh sách các Vương triều Nguyễn

Ở chữ Vương, có ghi ‘‘các đời vương nhà Nguyễn. Từ Gia Long mới thiệt là vua, còn từ đó sắp về trước đều gọi là chúa’’.

Tự vị chỉ ghi tên các vương nhưng không ghi họ. Chúng tôi viết ra đây các tên họ đó, để tiện bề tìm hiểu và cho đầy đủ :

- Tiên vương               1570 - 1614   Nguyễn Hoàng, thường gọi là chúa ông.

- Sãi vương                 1614 - 1635   Nguyễn phúc Nguyên

- Thượng vương         1635 - 1649   Nguyễn phúc Lan

 - Hiền vương             1649 - 1668   Nguyễn phúc Tần

- Ngãi vương              1668 - 1692   Nguyễn phúc Trăn

- Minh vương              1692 - 1724   Nguyễn phúc Chu

- Ninh vương              1724 - 1737   Nguyễn phúc Chú

- Võ vương                 1737 - 1765   Nguyễn phúc Khoát

- Hiếu vương              1765 - 1777   Nguyễn phúc Thuần

- Gia Long, thống nhất từ 1779 - 1820

Thực ra Hiền Vương cầm quyền từ 1649 tới 1687 và Ngãi vương từ 1687 tới 1692.

Giặc. Tự vị cho biết có mấy thứ giặc.

1) Thứ nhất giặc mùa: giặc đánh theo mùa lúa chin. Thuở trước, người Cao Mên thường ken binh làm giặc mà giành lúa của người Annam.

2) Thứ hai là giặc Bắc khẩu, thứ giặc ở phía bắc, tới đâu hay cướp phá, làm cho thiên hạ rúng động. Cho nên mới có câu: làm như giặc Bắc khẩu, chỉ sự cướp giựt làm cho tan hoang. Chúng ta có thể nói là giặc Tàu, Giặc Ngô chăng.

- Tự vị còn coi hai tướng lãnh chống đối nhà Nguyễn là giặc.

1) Một là Lê Văn Khôi, gọi là giặc Ngụy Khôi, người đánh trả thù cho quan thày là tả quân Lê Văn Duyệt, năm Qúi Tị 1833.

2) Hai là nhà Tây Sơn chống vua Gia Long gọi là giặc Tây Sơn, ba người ở núi đánh với nhà Lê, nhà Nguyễn năm 1796. Chúng tôi không nói gì thêm về phán đoán sai lạc này bởi vì tác giả viết theo sử nhà Nguyễn. Tác giả có ghi thêm : Giặc Tây Sơn là giặc lớn trong nước, rốt đời nhà Lê, lấy hết nước Nam, làm vua được 18 năm, bị nhà Nguyễn bây giờ lấy lại Hán dân và Thổ dân.

Có một chữ khó hiểu đối với chúng ta ngày nay là chữ Hán dân để hiểu là dân Việt Nam, đối nghịch với chữ Thổ dân là người Cao Mên. Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thống Chí thì Hán dân, người Hán thường hiểu là người Việt Nam.

Mấy người có công với vua Gia Long.

1) Một là ông Kẹ. Tự vị viết : Tưởng là ông Trị, là người có công dày với đức Cao Hoàng, đến khi phục quốc, người ban cho một cái bài miễn tử, bổn tánh ông ấy thật thà, hay khi bất bình, ai nấy đều sợ cho nên có tiếng nhát con nít rằng : ý hà ông kẹ...

2) Hai là ông Hương, hiện có miễu thờ ở khúc sông kêu là Bần qùi thuộc hạt Tân An. Ông xá sai Hương lãnh đi vận lương cho đức Gia Long, thuyền về tới khúc sông ấy bèn gặp giặc sợ nó đoạt, túng phải đục thuyền chở lương thực cho chìm mà chết tại đó. Đức Cao Hoàng nghĩ vì ông ấy ở hết lòng bèn cho làng lập miễu thờ, cũng gọi là miễu ông. 3) Người thứ ba không phải là người có công với vua Gia Long mà có công với đoàn người đi vô nam làm ăn sinh sống, khai khẩn miển đồng bằng sông Cửu Long. Đó là ông Thủ Huồng. Ông là người kết bè tại ngã ba sông Đồng Nai mà nuôi những người ở ngoài kia mới vào đất này, thuở nhà nước Annam mới lấy đất Biên Hòa. Người ngoài kia được viết rất trống, nhưng thu gồm một đoàn người thuộc nhiều địa phương khác nhau từ Quảng Bình, Quảng Trị cho tới Bình Định Qui Nhơn.

3. QUAN HỆ BANG GIAO

Trước hết, có bang giao với Trung Quốc là nước láng giềng khổng lồ. Có nhiều từ, nhiều thành ngữ nói lên tâm tưởng nggười VN thời đó đối với người nước bạn xưa kia đã tới đô hộ đất nước này. Trước hết, Trung quốc được gọi là thiên quốc tức Đại Thanh, nước vua trời còn nước VN đối với họ là một thứ bình hàn, đứng che như vách, nghĩa là nước nhỏ ở một bên nước lớn, làm phên vách cho nước lớn. Trung quốc kêu nước Annam là bình hàn của mình.

Người VN có nhiều từ để gọi người Trung quốc. Từ điển Đắc Lộ hơn một lần ghi Ngô, thằng Ngô để chỉ người Tàu một cách khinh khi, Quấc Âm Tự Vị ghi chệc là người khách. Chữ chú người Triều châu đọc là chệc, thành chú chệc. Các chú cũng là tiếng để gọi họ, tỏ liên hệ anh em, bác chú, về họ thuộc đàn em. Chú khách, chệc khách cũng là tiếng gọi họ. Chữ Ngô được định nghĩa là danh hiệu cũ nước Trung quốc, đờì nhà Minh. Do đó có nước Ngô, thằng Ngô hay thằng khách, nói cách khinh bạc.

Cũng còn mấy từ tỏ vẻ không am hiểu tiếng nói của họ như xí xô xí xào là tiếng nói om xòm của người Tàu, người Ngô. Thành ngữ làm như khách chìm tàu là làm ra tiếng ồn ào, kêu la inh ỏi, như người Ngô chìm tàu, chỉ nghĩa là làm tâng bần vỡ lở. Sự ngộ nhận hay khinh bạc này còn được tỏ ra trong thành ngữ nói Ngô nói Lào là nói chuyện quanh co khó hiểu.

Nhưng họ có thứ bí gọi là bí Ngô, thổ sản Trung quốc đối với bí rợ thổ sản của mọi, nhất là có thuốc bắc là thuốc Trung quốc chở qua. Quen hiểu cây cỏ vị thuốc ở về phía bắc, đất nước cao ráo, khí vị hậu hơn, mạnh hơn thuốc bên nam. Họ cũng là người biết cách làm ăn sinh sống, nhất là buôn bán, khôn ngoan, lấy lễ ngãi làm đầu việc thương mại như trong thành ngữ hay tục ngữ khách mạnh nước nạp. Tự vị gọi những người Tàu qua lậu ở VN là khách thuộc và Minh hương là người thuộc nhà Minh (Minh hương = làng Minh), người làng Minh, chính là con cháu người khác, lấy vợ Annam mà đẻ ra.

Liên hệ với người phương Bắc là Trung quốc, chúng ta còn bang giao với dân tộc phương Nam. Tự vị  cho biết người Lồi là người Chiêm Thành thuở trước. Tự vị viết Chăm (Chàm), nguyên là người nước Chiêm Thành ở từ Thuận Hóa trở vào cho tới Bình Thuận. Còn Thuận Thành thì ở tỉnh Bình Thuận, ngày nay còn sót  lại một ít người Chiêm Thành cũng kêu là người Hời, chịu phép Annam. Về người Hời hay xứ Hời tự vị cắt nghĩa là người nước Chiêm Thành, thuở xưa ở từ Quảng Nam sau mất nước xiêu bạt nhiều chỗ, bây giờ ở tại tỉnh Bình Thuận hãy còn một ít làng. Theo hai đoạn giải thích, chúng ta thấy nước Chăm (Chàm) thời xưa ở từ Thuận Hóa cho tới hết đất Quảng Nam, tức hai xứ Thuận Quảng.

Đối với Cao Mên hay Campuchia ngày nay, cuộc bang giao nhuốm màu sắc khinh khi với những tiếng nặng óc kì thị, tuy dân tộc Khờ Me đã có một thời hoàng kim với những công trình nghệ thuật được kể vào hạng kì quan thế giới, điện đài Đế thiên Đế  thích. Thường có thành ngữ Mên Mọi, Mán Mọi. Trên đây đã nói tới trấn Tây thành trên đất Cao Mên, nay có danh hiệu chiến thắng, đánh được trận quan Annam đặt cho Chà và Châu giang vì nó có công dẹp giặc Cao Mên. Câu tục ngữ đầu gà đít vịt có nghĩa là lai căn, không rặc nòi (thường nói về con lai với Mên, Mọi và Mên). Người đàng Thổ là người Cao Mên, người mọi, thổ quan, quan  đàng thổ là quan mọi, vì theo lệ nước Annam có cho mọi làm quan mà hay lấy nhau. Củng ở trên đất Cao Mên có trấn Gò vào đời Minh Mạng. Người Cao Mên thường gọi vua Annam là vua trời hay vua thiên hạ. Tự vị ghi rõ : đó là tiếng các nước Mên, Mọi xưng tặng vua Annam. Ở chữ vua, tự vị cắt nghĩa thêm vua trời, người Cao Mên gọi vua Annam là vua trời, vua Xiêm là vua đất. Cũng nên lưu ý, nước Champuchia ở giữa hai ‘‘cường quốc’’, Thái Lan và VN, ở vào mấy thế kỉ trước, cho nên thường bị hai nước lân bang chèn ép. Tuy nhiên người Cao Mên có thứ sáp riêng đánh môi khá đặc biệt và có phép gồng mình đặc sắc, làm cho mình hóa ra như đồng như sắt, gươm chém không đứt, súng bắn không thủng, ấy là phép Cao Mên hay tin.

Riêng về người miền núi thường gọi là Mọi, tự vị cho thấy có su khinh chê rõ rệt : có buôn bán với người mọi kêu là buôn Mọi, nhưng cũng có bán mọi buôn mọi : cuộc buôn bán mua người mọi rợ. Chúng tôi cho chỉ là việc nhỏ hẹp, chứ không thành thứ thương mại rộng lớn trên bình diện quốc gia.

Tự vị còn cho hay hai chi tiết về sinh hoạt người miền sơn cước. Thứ nhất họ có một thứ tre lồ ô, thứ tre lớn cây mỏng cơm, bộng ruột cùng giao lóng. Mọi không có muối phải lấy tro nó mà ăn. Thứ hai vì họ không biết chữ hay chưa có chữ viết cho nên họ có một cách để trao đổi tư tưởng, ý nghĩa đó là việc thắt nút, Mọi thắt gút. ‘‘Nhiều mán mọi không biết chữ, muốn cho nhớ việc gì, hoặc giao ước với nhau làm sao, thường lấy dây thắt gút mà làm dấu, hiểu ra sự thật thà, cũng như đời thượng cổ không có chữ, có muốn làm dấu về sự gì phải thắt gút ; kêu là kiết thằng chi chánh, đời nay lại hiểu ra nghĩa gắt chặt, cố chấp dại dột. Có tiếng nói : làm như Mọi thắt gút, thì chỉ nghĩa là khân khân có một bề, hễ nói ra thì gia lấy, không biết châm chế’’

Về vương quốc Lào, tự vị cho biết : Lào còn gọi là Lèo, là nước ở phía trên nước Cao Mên, chạy dẫn cho khỏi tỉnh Nghệ An, cũng ở phía trên nước Annam, phân ra có Lào thượng và Lào hạ. Lào thượng ở trên xa, Lào hạ ở phía dưới, dân số có ít. Cũng có câu tục ngữ Đâm Lào thế mọi, là đem người này ra, thế người nọ vào, nói về cuộc buôn người, hiểu nghĩa là tráo trác, làm chuyện dối nhau.

Còn hai vương quốc hay hai nước ‘‘mọi’’ tự vị nói tới là vua nướcvua lửa : Thủy xà, Hỏa xà, ở phía trên tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa chịu thuế cho VN. Đào Duy Anh viết trong Đất Nước Việt Nam : ‘‘ Ở miền tây Phú Yên và Khánh Hòa thì hai bộ lạc lớn Hỏa xá và Thủy xá đã triều cống chúa Nguyễn từ khi họ Nguyễn mới lập nghiệp ở miền Thuận Quảng, nhưng đồng thời cũng triều cống cả nước Cao Mên. Về sau các vua nhà Nguyễn cũng để cho họ tự ý khi nào muốn thì triều cống và mỗi lần triều cống thì nhà Nguyễn lại thưởng cấp rất hậu để mong giữ những bộ lạc ấy làm phên giậu đối với nước Cao Mên ở phía tây’’ (Sd tr.165)

4. PHONG TỤC TẬP QUÁN

Tự vị cho biết qua về nhiều phong tục tập quán thời đó. Chúng tôi lựa chọn một số trên phạm vi sinh hoạt dân gian.

1) Có những tập tục về hôn nhân như lễ hỏi tức là lễ sơ vấn, cho biết đàng gái có ưng làm vợ chồng, có lệ cheo, tức lễ chiêu thân, nạp tiền cầu thân (nói về lễ cưới). Lệ cũ, hễ có đám cưới đi ngang qua làng nào, thì làng ấy đem ít thước lụa đỏ, giăng ngang qua đàng mà đón, gọi là nhai lan, khi ấy đàng trai phải đem tiền, như khác làng thì 3 quan, đồng làng thì ít hơn, mà xin làng biết lấy mình cùng cho đi thong thả, ấy là nghĩa chiêu thân. Có lễ nhập cẩn, lễ vợ chồng mừng nhau : thuở xưa dùng một trái bầu nhỏ cắt làm hai cái chén uống rượu, chồng một cái vợ một cái, rót rượu vào, khuyên mời nhau uống, trong lúc mới rước dâu về.

Trong ngôn ngữ thông dụng còn có cách nói tránh né. Thí dụ tiếng thành đôi được cắt nghĩa thế này. Đã nên đôi cặp, tiếng nói riêng về đồ cưới, không dám dùng tiếng một là số lẻ. Muốn nói một đôi thì phải nói thành đôi. Có ý thức cho vợ chồng mới thành đôi bạn. Tránh số lẻ, số một chỉ đơn chiếc, chia li xa lìa.

Trong tiệc cưới, có lệ thưởng cỗ. ‘‘Thưởng tiền dọn cỗ. Phép cưới lấy vợ lấy chồng, người ta thường đãi cỗ, ăn uống rồi họ trai hoặc họ gái muốn cho lịch sự phải đem 5, 10 đồng bạc mà thưởng’’

2) Có những tập tục khi sinh đẻ, như đâm lẻ. ‘‘Thử cho biết người có chửa đẻ con trai hay con gái. Làm phép này thường thấy nhiều người cúng một con gà mái, rồi lấy tre vót một đôi đũa mà không trảy cái vót để coi nó cuốn hay là lơi. Cuốn thì là đẻ con trai, lơi là con gái, vót rồi thường giắt trên mái nhà’’. Tác giả thêm :‘‘ Không biết lấy đâu làm bằng’’. Tục khem được cắt nghĩa thế này : ‘‘Cây cắm ra cho biết việc trong nhà có việc kiêng cữ : ấy là một cây dài nhỏ, chẻ ra một đầu, giắt một đoạn củi vắn đã có chụm rồi, cắm ra trước nhà cho biết nhà có người nằm bếp, đẻ con trai thì trở đầu cháy vào nhà, đẻ con gái thì trở đầu cháy lộn ra’’.

Sau khi sanh được ít bữa thì có tục móc miếng. ‘‘Phép lấy bông hoa nhúng nước mà rơ miệng con nít, chúc cho nó lớn lên ăn nói khôn ngoan, khước kháo, (con nít sanh được ba bữa thì làm phép ấy). Tục lại hiểu là móc cục máu trong miệng con nít hồi mới lọt lòng’’.

Lễ gia quan là lễ đội mão (mũ), lễ chúc phước cho con trai đã được hai tuổi, nghĩa là đã đến tuổi khôn. Lễ đứng kén. Đã tới tuổi cho người ta trừ xâu thuế. Đi đứng kén thì là đi tới chỗ kén chọn, đứng ra cho người ta coi già trẻ thế nào. 55 tuổi về bậc lão hạng, khỏi xâu (xưu). 60 tuổi về lão nhiêu, khỏi cả xâu thuế.

3) Tới tang ma thì có nhiều tập tục. Về liệm thi có đại liệm : phép liệm ngoài, dùng vải nhiều lớp, để  ngang để dọc, bó cứng tử thi, rồi mới để vào hòm. Tiểu liệm : phép liệm trong, là để người chết vào hòm, cũng dùng nhiều lớp vải ngang dọc mà bó buộc sơ. Hậu liệm : Tẩn liệm lớn, đem áo quần, mền chiếu theo nhiều. Tẩn Liệm : Liệm mà để lâu, quàn lại cùng có nghĩa là liệm. Khi đưa linh cữu ra nghĩa trang, có tục nằm đàng là sấp mình giữa đường cho quan tài qua, trong các đám ma lớn, hễ khiêng quan tài đi thì các con cháu người chết hay nằm đàng, có ý làm việc hiếu thảo.

Có tục hò đưa linh kha kì dị: trong lúc khiêng quan tài người ta hò rập nhịp nhàng, để cho đỡ mệt nhưng cũng chủ ý kể lể than vãn!

4) Tín ngưỡng, dị đoan. Tín ngưỡng dân gian thường có nhuốm màu sắc dị đoan mê tín. Sự phân biệt nhiều khi khá tinh vi. Tự vị cho biết một số tín ngưỡng dân gian, như chung quanh chữ đồng, có ngồi đồng, sai đồng, lên đồng, xáo đồng. Chung quanh chữ coi, có coi giò, coi tuiổi, coi ngày, coi số, coi tay. Chung quanh chữ dinh, có dinh cậu, dinh năm ông. Chung quanh chữ bóng, có đồng bóng, cô bóng, mụ bóng. Chung quanh chữ hồn, có gọi hồn, cô hồn, hớp hồn. Ròi còn có xin keo, phá ngục, nhưng sao, tống quái, tống tai, có tam cô lục bà, có pháp độn, nham độn... chúng tôi không cắt nghĩa theo tác giả, vì quá dài giòng, chúng tôi ghi mấy chữ về một vài điều làm thí dụ.

- Bảy bà ba cậu : Bà chúa Tiên, bà chúa Ngọc, bà chúa Xứ, bà chúa Động, bà chúa Cô hỉ, bà Thủy, bà Hỏa. Cậu Qui đế là con bà chúa Ngọc, làm bạn với một vị thái tử Trung quốc mà đẻ ra cả thảy đều là thân qủi hay làm họa phước, có cậu Lý, cậu Thông, nói theo vần kể có ba cậu, và hai người sau không có sự tích

- Tam cô lục bà: cô Vãi, cô đạo, cô bóng. Bà lo việc nhà, bà mai, thầy dạy, bà lo việc cung cấp, bà lo việc thuốc, bà mụ. Ni cô, đạo cô, quái cô, nha bà, mai bà, sư bà, kiêng bà, dược bà. Tam cô, lục bà, nãi dâm, đạo chi ma, nghĩa là ba cô sáu bà ấy đều là người đem đường dạy việc gian dâm.

- Tam bành: Chính là Bành kiêu, Bành trạch, Bành thoăn là ba con qủi ở trong mình người ta, giục người ta làm tội (Truyện Hồng bào). Thường nói về đờn bà hung dữ.

- Bà đá: Bà thần Thạch hoa vương mẫu ở trong tượng Pháp vân mà sanh ra người ta nói hiển linh lắm, về trấn Bắc ninh.

- Chùa Bà: Chùa thờ bà Mẫu hậu, tục gọi là Mã châu, nguyên gái trinh người Phước kiến, con họ Lâm; chết thành thần, hay độ người vượt biển cũng kêu là Thiên hậu ngươn quân.

5. TIÊU KHIỂN, GIẢI TRÍ, GIẢI LAO

Tự vị cho biết có nhiều trò chơi trẻ em như đá bóng, kéo thèo lèo, đánh vụ, cà khèo, cờ chó, chọi tiền, đánh lú, cút bắt, đánh đổi, đánh giằn, đánh đũa, đánh lăn, xỏ lá, đánh đáo lỗ... Trò chơi người lớn không có nhiều.

- Cờ tướng: cuộc chơi có 32 con cờ, phân ra có tướng, sỹ tượng, xe, pháo, ngựa, chốt. Về từ ngữ cờ tướng, người ta thường nói: mã, tốt, (mã là ngựa, tốt là chốt). Ở đây dùng xe, pháo, ngựa, chốt, chứ không xe, pháo mã tốt.

- Đá gà, chọi gà

- Thả diều, vừa là thú tiêu khiển trẻ em và người lớn với thứ diều lớn.

- Cổ chơn: người đời xưa, cuộc chơi nhắc tích người đời xưa, cùng mượn hình 36 con thú. Chúng tôi chưa hiểu về cuộc chơi này.

- Đánh me: Gây ăn thua theo cuộc chơi tiền

- Đánh tài mển: tiếng nói trong cuộc đánh me rằng đặt cửa một, có bao nhiêu, ăn chung bấy nhiêu

- Đánh bài: cuộc chơi bài giấy, bài cây: có tứ sắc, bài phụng, bài phi, bài tam cúc, bài tới, bài khá hấu, bài xá hỏ...

- Bài tới: thứ bài bắt cặp, ai bắt được đủ cặp trước thì gọi tới, nghĩa là đến trước rồi cùng được ăn tiền.

- Bài tổ tôm: thứ bài nhiều môn món, lấy bài tới mà làm ra. Định nghĩa cách chơi như vậy thực ra cũng chưa rõ, phải nói là thứ bài 120 quân chơi năm người, còn tài bản cũng là thứ chơi bài 120 quân nhưng ba người.

Nhưng lối chơi thú vị nhất và bình dân nhất thuộc đại chúng có lẽ là chơi đánh đu.

- Đu tiên: cuộc chơi làm như cái bánh xe, rộng vành, phía trong bày nhiều ghế ngồi treo đong đưa, phải có nhiều người ngồi mà nhún thì bánh xe chạy vòng, ấy là cuộc chơi phong lưu, cho nên gọi rằng đu tiên.

- Đu ngô: Cuộc chơi dùng một cây ngang, dài giữa có lỗ khoét, tròng vào cột đầu trụ trồng dưới đất, hai người ngồi hai đầu cây dài mà nhún xây quanh.

- Đu bầu: Cuộc chơi dùng chừng 6 cây cau, trồng giãi chân, đầu cây cột tóm lại giống hình cái bầu, ở giữa tra bàn đứng có hai cây kềm, treo tại chỗ cột tóm ấy, một người hoặc hai người đứng trên bàn đạp mà nhún lên nhún xuống.

- Đu lộn: cuộc chơi đu lộn giống như đu bầu mà dùng có hai trụ, trên tra cây ngang dưới treo bàn đạp, một người trèo lên mà nhúng cho trật đòn rọc chơn trở lên trờI, đầu dộng xuống đất.

- Đu rút: cuộc chơi trồng hai cây trụ, trên tra cây ngang, bỏ choàng một sợi dây, một người lấy chân đạp một mối, tay phăn một mối mà trèo lên.

6. SINH HOẠT VĂN NGHỆ

- Môn vũ: Môn vũ thường vẫn là môn nghèo nàn trong nghệ thuật dân gian của ta. Nhảy múa thuộc về tôn giáo hơn ngoài xã hội, và hình như nhảy múa bắt nguồn từ đạo giáo. Chúng tôi thấy có múa bóng : ‘‘Lễ cầu khẩn hoặc tạ ơn các vị thần nữ, thường phải dụng bóng chàng dâng bồng hoa, múa hát cho các vì thầy xem’’. Bóng chàng, mụ bóng là đờn bà làm việc phù phép, hay việc bói khoa. Cũng vậy có nhảy đàn: ‘‘Cuộc thày chùa thày pháp vi đàn, chạy qua chạy lại trước chỗ lập đàn mà tụng kinh, hoặc hò hét làm việc trừ tà’’. Chạy đàn cũng là nhảy đàn: ‘‘phép thày chùa cầm nhang rảo qua rảo lại mà tụng kinh’’.

- Ca hát: Về ca hát chúng ta thấy có mấy từ cần phải được tra cứu thêm, như: ca hát, ca xướng, ca ngâm, ca ngợi, ca trù, ca diêu, (ca dao), ca vũ; có đờn ca, âu ca, sanh ca, (sênh ca). Ở chữ hát, chúng ta có mấy định nghĩa lí thú mở cho chúng ta biết một ý quan niệm về môn này. Lý hát: vừa kể vừa hát có mau có chậm. Mầng hát: bày cuộc hát xướng mà mầng việc gì. Hát kể: hát giọng kể lể, hát giọng khoan thai, như giọng thài, (thài là ca theo điệu khúc). Hát xoan: cùng nghĩa ; cũng là hát xoan mặt, nghĩa là mầng thần, hát trước cho thần xem. Hát hoa tình: hát lời nói xa gần, làm cho cảm động, cùng chọc ghẹo nhau. Hát ghẹo: lấy tiếng hát mà chọc ghẹo ai, ấy là cách con trai con gái hát mà chọc ghẹo nhau, thử ý nhau, dụ dỗ nhau. Hát giọng chèo ghe : hát mực thiệt. Hát đưa em, hát giọng êm ái (đưa em có thể là ru em). Còn về cách hát thì có, hát rập: nhiều hát một lượt. Hát nam: hát giọng ngâm nga. Hát khách: hát giọng mạnh mẽ. Hát tẩu mã: hát giọng chạy ngựa, hát gấp. Hát loạn: hát giọng phiên tướng. Tự vị có nói tới hát bội, nhưng lại định nghĩa một cách lạ lung, xa lạ: hát bội là con hát, kẻ làm nghề ca hát (?)

- Về đàn địch: Tự vị ghi một số đàn. Đó là đàn gió: đàn ống có máy đạp nổi gió, phát ra tiếng.  Đây là đàn mới du nhập, tức phong cầm (harmonium). Còn đàn cổ truyền thì có: đờn kìm, đờn nhiều dây. Đờn cò: đờn hai dây kéo bằng dây cung. Đờn tranh: đờn nhiều dây, phải để nằm mà đánh. Đờn sắc (sắt): đờn 36 dây. Đờn tì bà: đờn nhiều dây. Đờn tam: đờn ba dây. Đờn gáo: đờn cột dây, độc huyền. Đờn bầu: đờn hai dây cũng về một loại với đờn cò. Về mấy bản đàn phổ thông như lưu thủy hành vân, cũng như về những giọng hát nổi tiếng như vọng cổ, xàng xê, cải lương không thấy nói tới.

- Về kịch, tuồng, chúng ta thấy có diễn kịch, tác kịch: làm trò, hát bội. Tuồng là sự tích cũ làm ra chuyện ca hát. Có tuồng tập, chuyện cũ tích cũ làm ra bài ca hát. Vai tuồng : làm tuồng mình phải hát, làm tuồng, lãnh hát lối nào trong tuồng. Đánh đầu tuồng, ra tuồng: mở đầu bài, giáo đầu, hát giáo đầu. Tuồng đồ, tuồng hát riêng chuyện ngoài. Tuồng pho, tuồng truyện: tuồng hát cả truyện trong sách. Nói tuồng: xướng đọc tuồng tập theo cách ta đặt ra. Ra vai tuồng: hát ra lối nào trong tuồng. Dở vai tuồng: mở đầu bài mà hát, xướng ra trước.

Tự vị nhắc tới hai vở tuồng dân gian:

1) Hát thằng Lía. Lía là tên tục Văn Doan, nguyên là người Annam, sinh đẻ tại Qui Nhơn, còn nhỏ mà học võ rất có tài. Sau muốn ra giúp nước mắc quan nịnh yểm ức, thất chí qui lâu la làm ra một đảng ăn cướp rất lớn. Lấy một sự y có hiếu là y lấy của kẻ cướp đem cho nhà nghèo. Cho nên người ta có làm tuồng tập thể để đời.

2) Vở thứ hai rất có tiếng với tích truyện không kém phần duyên dáng và phổ biến trong dân gian. Đó là Kim Thạch kì duyên: doan vàng đá, doan trời cho. Truyện ghi Kim họ Thạch, người ta đã dịch ra tuồng.

- Về hội họa kể như không có gì ngoài một ít bức vẽ sơn thủy, vẽ cảnh núi non, sông suối, vẽ thủy mạc, vẽ trơn mà không giặm nước thuốc. Vẽ nổi, vẽ nổi hình ra ngoài. Có ảnh vẽ, tượng vẽ, tranh vẽ và câu nói lịch sự như bức tranh vẽ, lịch sự lắm. Lịch sự có nghĩa là đẹp xinh.

7. MỘT CHÚT BÁCH KHOA

Nếu nói về từ điển học, về ngôn ngữ học thì tự vị còn nhiều chỗ sắp xếp chưa hoàn chỉnh, nghĩa các từ chưa được phân tích và đặt để hợp lý. Hơn nữa, theo các cuốn tự vị trước đây như Việt Bồ La của Đắc Lộ 1651. Nam Việt Dương hiệp tự vị của Taberd, tác giả ghi tất cả nhưng kết hợp có thể có được, như sau này Từ Điển Việt Hoa Pháp (Dictionnaire Annamite Chinois Francais) của G. Hue viết là en composition avec (kết hợp với). Do đó, chúng ta thấy thí dụ nẫu, có trái nẫu, nẫu ruột. Có , mù mịt, tối mù. Việc làm này có ích cho người ngoại quốc dể học dễ nhớ tiếng mình học. Mà cũng do đó, các tác giả kể trên đã làm một công trình thuộc về bách khoa tự điển, chúng tôi để hiểu nghĩa. Thí dụ về chữ bánh, có kê khai một số bánh. Về chữ , có kể ra một số cá. Nhờ đó ngày nay chúng ta biết được nhiều điều thuộc về quá khứ và cả về hiện tại. Chúng tôi gọi là ‘‘một chút bách khoa’’.

Chúng tôi kể ra một số để chúng ta cùng thưởng thức.

- Bánh. Bánh bò, bánh thuẫn, bánh nhãn, bánh gầng, bánh tráng (bánh đa), bánh giầy, bánh ếch (cũng gọi là bánh ít), giống hình con ếch. Bánh tét, (bánh tết), nói chữ là thiên bỉnh nếu hiểu nghĩa thiên viên địa phương (trời tròn đất vuông). Bánh cúng, bánh chưn, giống hình cái chân cũng gọi là địa bỉnh. Bánh ú, cũng gọi là giác bỉnh, có ba góc. Bánh hỏi, bánh ép có sợi mà ráo rê hay là ráo hỏi, mượn chữ hỏi mà đặt tên.

- Ghe. Ghe cộ, ghe guộc, ghe bầu, ghe trường, ghe nan, ghe cửa, ghe bản lồng, hay ghe lồng, ghe bất mần, ghe vạch hay ghe mỏ vạch, ghe cui, ghe trẹt, ghe chài, ghe lườn, hay ghe độc mộc thuyền, ghe ngo, ghe vợi, ghe đò, ghe giàn, ghe câu, ghe lưới, ghe be, ghe cá, ghe lái ngoài, ghe đuôi tôm then trổi, ghe hầu, ghe lê, ghe ô, ghe son, ghe sai, ghe chiến, ghe vẹm, ghe khoái, ghe hàng bỗ.

- Điền. Phương điền, trực điền, viên điền, giác điền, (vuông, dài, tròn, xéo), điền sản, điền địa, điền thổ, điền trạch, điền tô (thuế ruộng), điền trang (ruộng vườn, ruộng chung quanh vườn) thạch điền, hạn điền, (ruộng gò), lương điền (ruộng tốt, cao du chi điền (ruộng tốt lắm), đồn điền (qui dân phát đất làm ruộng, để phòng khi có giặc lại dùng mà làm binh, ấy là tịnh vi nông, đ ng vi binh). Tịch điền (ruộng xã tắc, Thần nông, nhà nước tri ra để mà thờ ông thần bá cốc, ở đó lập đền thờ kêu là Xã tắc, hoặc vua hoặc quan lớn trong mỗi năm phải hạ canh làm gương cho dân bắt chước. Bổn thôn công điền (ruộng chung của làng), công điền (ruộng của quan), tư điền, (ruộng riêng) thanh điền (ruộng đã thành thục), vị thành điền. Chúng ta có thêm công điền, như ở trên đã nói khi qui chế về tĩnh điền.

- Trầu. Trầu chà lẹt, trầu Sài gòn, trầu bai, trầu bai quế, trầu bộ, trầu sốc vinh, trầu rừng.

Chúng tôi ngưng ở đây vì có thể ghi thêm những mục rất lí thú như về: cây, hoa, khoai, lúa, ngựa, nhà, ong, sao, tầm, tre...

Chúng tôi cũng thêm, ở trang đầu tập 2, mục Sai sót có ghi một số cá, loại cá, tất cả là 17 loại. Còn về sầu riêng, thì viết buồn bã về chuyện riêng, còn về trái sầu riêng thì ghi: thứ trái cây lớn mà tròn, vỏ nó gai giống như cây mít, trong ruột nó cũng có múi như múi mít, chữ gọi là châu liên. Chúng tôi trộm nghĩ sầu riêng có thể được đọc từ châu diên, hay ngược lại?

8. TIẾNG ÐÀNG TRONG

Như chúng tôi đã nói, chúng tôi không nói về mặt ngữ học, từ điển học trong bài này, chúng tôi chỉ bàn qua về tiếng Đàng Trong được ghi bàng chữ quốc ngữ kể từ 100 năm nay.

Trước hết, chúng tôi thấy trong tự vị có ghi một số tiếng địa phương hay phương ngữ như cái khậu là cái quần nói theo tiếng Triều Châu, như khậu là kho vãn trong tiếng Triều Châu. Khờn, khờn là mòn, ra là con dao lớn, cái ra và nhiều nữa. Một vài tham khảo chi tiết sẽ rất bổ ích.

Sau đó là lối phát âm khác, riêng thuộc Đàng Trong mà ngày nay với việc thống nhất ngôn ngữ văn tự, trên sách vở chúng không còn lý do tồn tại. Đó là những tiếng như nhơn (nhân), kiến (kính), cảnh (kiểng), chấng (chứng), chưn (chân, chơn), chường (trình), doan (duyên), nhít (nhất, nhứt), quờn (quyền),  chích (chiếc), đờn (đàn), đương (đang), giái (giới),  giầng (giường), hấng (hứng), hườn (hoàn), yếng (ánh)...

Có một số cách phát âm khác vì muốn tránh tên húy, như huỳnh (hoàng), yếng (ánh), nhơn (nhân), kiểng (cảnh), ngươn (nguyên) có lẽ bởi vì có những ông chúa, ông hoàng có tên Nguyễn Hoàng, Nguyễn phúc Nguyên, Nguyễn phúc Ánh, Hoàng tử Cảnh ? Dẫu sao tự vị cho biết về giọng Đàng Trong, như sau:

- Giọng Huế: Tiếng nói lấy hơi xuống, tiếng người Huế ở Bắc nói.

- Giọng Quảng: Tiếng nói suổng không có hơi nặng nhẹ, giọng Đồng Nai cũng là giọng Quảng.

- Nói Huế: Nói giọng người Huế, nó giọng kim, giọng trầm.

- Tiếng Quảng: Tiếng nói nhẹ không phải giọng Huế, từ nửa tỉnh Quảng nam sắp về Đồng nai.

Nhưng nếu tự vị chỉ nhấn mạnh tới cung giọng, thì cũng chưa cho chúng ta biết thấu suốt về tiếng Đàng Trong, tiếng Đồng Nai. Bởi vì nếu nghiên cứu cho sâu đậm thì không những tìm hiểu về cung giọng mà còn nghiên cứu về từ ngữ riêng, pháp cú riêng, một chút một thứ ngôn ngữ tinh ròng dân gian của đồng bằng sông Cửu Long vào thế kỳ 17 này. Cái giọng tr ọ trẹ thuộc gốc xứ Nghệ, Bình Định được tự vị giải thích như sau.

- Nói trtrẹ: Nói theo giọng nặng, nói Huế, đối với nói Quảng là nói giọng suổn, không nặng nhẹ; từ bên này Ải Vân trở vào tới Đồng Nai đều nói theo giọng Quảng.

- Trtrẹ: Giọng nói Huế, giọng nói nặng, đối với giọng nói Quảng là giọng nói suổn mà nhẹ. Người Annam từ bên này Ải Vân trở vào Nam kỳ đều nói Quảng, từ bên kia Ải trở ra Bắc kỳ đều nói Huế, song cũng có nhiều tỉnh nói giọng Huế mà thanh bai.

Có một tiếng cần phải giải thích là chữ suổn, có nghĩa là đơn sơ, trơn, thường (theo tự vị). Cho nên nói suổn là nói trơn, nói như thường, còn đọc suổn là đọc trơn, đọc không ngân nga, đọc một cách.

Cũng không thấy tác giả bàn tới giọng Bắc kỳ, từ Ninh Bình tới biên giới Trung quốc, từ thập nhị thừa tuyên, mười hai tỉnh thuộc Bắc kỳ.

‘‘Cầu Giát giữa đường Thanh Nghệ

Đã nghe chớm giọng Đàng Trong’’ (Hồ Dzếnh).

(Phần hai của bài, chúng tôi chuyển qua mục Tục ngữ, thành ngữ trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị.)

Nguyễn Khắc Xuyên

Giới thiệu để kỷ niệm 100 năm (1895-1995)

Nguồn: http://www.giaoxuvnparis.org