ÚT BẠCH LAN, GIỌNG HÁT VƯỢT THỜI GIAN

ngocanh

 

Xem hìnhKhi viết vở tuồng Sân Khấu Về Khuya, cố soạn giả Nguyễn Thành Châu nghĩ tới nữ tài danh Năm Phỉ, nữ danh ca Tư Sạng, những nghệ sĩ được đông đảo khán giả ái mộ nhưng mất sớm, ông cảm khái nói rằng: “Đời người nghệ sĩ thật là ngắn ngủi, vừa chớm nổi danh đó nhưng rồi mất đó, nghệ sĩ tài hoa đa tài yểu mệnh. Bởi vậy nghệ sĩ hãy sống thật và đẹp như lòng mình mong muốn. Về nghệ thuật cũng phải là nghệ thuật thật và đẹp.”

Nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan là tài nữ, ở vào hàng con cháu của nữ danh ca Tư Sạng nhưng đến nay cũng đã 75 tuổi đời với 63 năm tuổi nghề, nổi danh danh ca vọng cổ, như vậy thì không đúng như người xưa nói là hễ tài hoa thì yểu mệnh.

 Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sanh năm 1935, tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Thân phụ của cô là ông Nguyễn Văn Chưa, làm nghề nài ngựa, qua đời năm 1966. Thân mẫu là bà Đặng Thị Tư, bà bị ông chồng ruồng bỏ nên dẫn bé Hai( tên của Út Bạch Lan hồi nhỏ) lên Chợ Lớn, sống ở lề đường xó chợ. Bà làm thuê làm mướn để kiếm sống qua ngày. Bé Hai được 10 tuổi, ban ngày phụ mẹ rửa chén, làm việc sai vặt của bạn hàng chợ Bình Tây. Buổi tối bé Hai ngủ trên sạp thịt, không mền không chiếu, chịu đựng muổi mòng. Bà Đặng thị Tư kết nghĩa chị em với thân mẫu của Văn Vĩ, một em bé mù 15 tuổi. Văn Vĩ biết đờn guitare cổ nhạc nên dạy cho bé Hai 11 tuổi, ca vọng cổ.

Hai em bé Hai và Văn Vĩ dẫn nhau đi đờn hát dạo để kiếm tiền về phụ giúp gia đình. Một hôm đang đờn ca tại Bùng Binh Saigon, hai em bị biện chà tức cảnh sát Pháp bắt về nhốt ở bót cảnh sát quận nhì.

Ông xếp bót là dân Tây lai, bạn với nhạc sĩ cổ nhạc Jean Tịnh, khi xét hỏi hai đứa trẻ bị bắt, biết không phải vì tội rải truyền đơn mà là tội tập trung đờn ca không có giấy phép. Ông nói nếu hai đứa ca được một câu vọng cổ có tiếng Tây thì ông sẽ tha ngay và tự hậu về sau, ông còn cho phép đi hát dạo ở quanh vùng Saigon. Bé Hai nhớ một câu vọng cổ có tiếng Tây mà một thầy đánh tennis ở sân Cercle Sportif Tao Đàn dạy cho, câu vọng cổ của một cô gái Việt có chồng Tây, viết thư cho chồng, pha tiếng Tây tiếng Việt, nghe rất vui. Bé Hai ca câu vọng cổ có pha tiếng Tây đó, được ông xếp bót khen hay, tha về và còn thưởng thêm tiền.

Ông xếp bót quận nhì kể chuyện em bé ca vọng cổ có tiếng Tây cho nhạc sĩ đờn violon cổ nhạc Jean Tịnh biết. Nhờ cơ duyên nầy mà bé Hai và Văn Vĩ được cô Năm Cần Thơ mướn ca cổ nhạc trong quán Họa Mi của cô ở trong khu giải trí trường Đại Thế Giới Chợ Lơn, và ca sĩ Thành Công giới thiệu cho bé Hai ca vọng cổ trên Đài Phát Thanh Pháp Á. Ca sĩ Thành Công đặt nghệ danh cho bé Hai là Bạch Lan để đối với nữ danh ca Bạch Huệ trên đài phát thanh Saigon. Bé Hai yêu cầu để thêm tên Út, tên mà má cô thường gọi cô, thành ra bé Hai có nghệ danh Út Bạch Lan từ năm 1948.

Út Bạch Lan mau chóng nổi danh nhờ có giọng ca vọng cổ thật là truyền cảm, cô gia nhập đoàn hát Kim Khánh của ông Bầu Cang năm 1952. Năm 1953, Út Bạch Lan đi gánh hát Tô Huệ. Năm 1954 Út Bạch Lan đi gánh hát Kim Thanh của bốn ngôi sao sân khấu Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thanh Tao, Thúy Nga. Tại gánh hát Kim Thanh, Út Bạch Lan được soạn giả Viễn Châu viết cho hai câu vọng cổ thêm trong tuồng Đời cô Nga, khiến cho ngôi sao sân khấu của Út Bạch Lan vụt sáng bất ngờ.

Ký giả Nguyễn Ang Ca viết trên trang kịch trường về Út Bạch Lan như sau: “Út Bạch Lan, một ngôi sao lạ vụt sáng ngời trên vòm trời sân khấu cải lương.”

Ký giả Trần Tấn Quốc viết: “Út Bạch Lan, một giọng ca vọng cổ thảm sầu, bứt ruột bứt gan người nghe.” Ký giả Kiên Giang viết: “Sầu nữ Út Bạch Lan, chất giọng đồng pha thổ nghe thương cảm chơi vơi, đêm đêm khơi nguồn lệ của hàng ngàn khán giả ái mộ cải lương.”

Út Bạch Lan nổi danh trên các sân khấu các gánh hát Thanh Minh, Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chưởng, Kim Chung, gánh Út Bạch Lan – Thành Được, và được khán thính giả yêu thích qua nhiều vọng cổ thu thanh ở các hãng dĩa Hồng Hoa, Lam Sơn, Continental, Việt Nam, Tứ Hải, qua cả mấy trăm bài vọng cổ và tân cổ giao duyên.

Giọng ca của Út Bạch Lan thật là ngọt ngào, mang đậm chất bi thương khiến cho người nghe Út Bạch Lan ca vọng cổ đều bùi ngùi thương cảm. Đó là chất giọng đồng pha thổ, giọng rất trong và ấm, ca rõ lời và sâu lắng như rót mật vào lòng người nghe.

Trong số nghệ sĩ được khán giả mộ điệu và báo chí kịch trường phong tặng những biệt danh, mỹ hiệu, nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan là người được tặng nhiều biệt danh nhất. Út Bạch Lan ở làng dĩa nhựa được gọi là Nữ Hoàng Vọng cổ, ở sân khấu các đoàn hát thì được gọi là đệ nhất đào thương, Nữ Hoàng Sầu Mộng, Sầu Nữ Út Bạch Lan, Út Bạch Lan còn có biệt danh Vương Nữ Sương Chiều vì cô ca bài Sương Chiều, giọng ca luyến láy cũng rất êm dịu và quyến rũ như những bài vọng cổ bất hủ đã kể.

Út Bạch Lan và Thành Được là cặp diễn viên lý tưởng nhất trong thập niên 60 trên sân khấu Kim Chưởng, cô có những vai hát để đời qua các tuồng Thuyền Ra Cửa Biển, Áo Trắng Nàng Mộng Trinh, Nửa Bản Tình Ca, Chưa Tắt Lửa Lòng.

Trên sân khấu Kim Chưởng, mối tình đầu nẩy nở giữa Út Bạch Lan và Thành Được, đưa tới hôn nhơn có giá thú, do nghệ sĩ Phùng Há đứng làm chủ hôn.

Năm 1961, Út Bạch Lan – Thành Được rời sân khấu Kim Chưởng, lập gánh hát Út Bạch Lan-Thành Được, với hai nghệ sĩ Phùng Há, Ba Vân làm chỉ đạo nghệ thuật, hát các tuồng Trảm Mã Trà, Đêm Huyền Diệu, Khi Rừng Mới Sang Thu, Bao Giờ Vườn Sứ Mưa Hoa, Khi Hoa Anh Đào Nở, Trăng Sương Cầu Trúc, Sầu Qua Mấy Nhịp Cầu Duyên…

Năm 1962, đoàn hát Út Bạch Lan-Thành Được rã, hai nghệ sĩ này trở về hát cho đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, nổi tiếng qua các tuồng Nửa Đời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Bóng Chim Tăm Cá, Đôi Mắt Người Xưa, Rồi Ba Mươi Năm Sau, Ngược Dòng Sông Lổi, Áo Cưới Trước Cổng Chùa, Bọt Biển…

Năm 1965, hôn nhơn Út Bạch Lan – Thành Được gảy đổ, Út Bạch Lan ký hợp đồng hát cho đoàn hát Kim Chung 4, Thành Được vẫn ở lại hát cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga.

Đến năm 1966, Út Bạch Lan lập gánh hát Tân Hoa Lan, hát nhiều tuồng nổi danh như tuồng Cổ Xe Độc Mã, Bụi Mờ Ải Nhạn, Anh Hùng Xạ Điêu, Đi Biển Một Mình… Đoàn hát Tân Hoa Lan giải tán năm 1975.

Sau năm 1975, Út Bạch Lan hát cho đoàn cải lương Saigon 1, sau đó cô về quê ở Tân An, hát cho đoàn hát cải lương Long An.

Hiện nay Út Bạch Lan đã 75 tuổi, có 63 năm nổi danh trên sân khấu cải lương và ở địa hạt hát dĩa, giọng cô vẫn còn mượt mà, êm dịu. Út Bạch Lan trong cuối đời đi hát, đã dành nhiều thời gian đi hát gây quỷ từ thiện, hát giúp các chùa trong các dịp lễ Vu Lan, các rằm thượng ngươn.

Út Bạch Lan, một giọng hát vượt thời gian, hiếm có trong nền nghệ thuật cải lương suốt trong hơn nửa thế kỷ qua. Trong chương trình Những Cánh Chim Không Mỏi, vinh danh nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan, nhà thơ Kiên Giang tặng cho Út Bạch Lan bốn câu thơ:

Lắng đọng gồm thâu những cuộc đời,

Vào hồn “sầu nữ” thấm tình người,

Cho nên nghệ thuật thanh xuân mãi,

Tiếng hát ngàn xa vượt tuổi trời.

Dù đang ở Canada cách Việt Nam hơn hai mươi ngàn cây số, khi nhớ về các bạn nghệ sĩ, Nguyễn Phương vẫn thường nghe giọng ca của Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Hữu Phước, Út Trà Ôn qua các băng từ và dĩa hát. Khoảng cách không gian và thời gian không quan trọng, mỗi lần nghe giọng hát của Út Bạch Lan, tôi vẫn bồi hồi xúc cảm như mới ngày nào xem Út Bạch Lan hóa thân vào vai Hương trong tuồng Nửa Đời Hương Phấn trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga.

Vượt lên trên tất cả, ở đâu đâu, Út Bạch Lan cũng có tri âm tri kỷ, có người yêu quý giọng ca vàng của cô.

7/2009

ngocanh (Theo SG Nguyễn Phương - DACTD)

Nguồn: http://cailuongvietnam.com